29/11/2024

Đường thông thoáng vẫn cần có CSGT

Có đến 85% người dân ở quận 4 và 5 được hỏi cho biết thỉnh thoảng nơi đây mới bị kẹt xe.

 

Đường thông thoáng vẫn cần có CSGT

 

 Có đến 85% người dân ở quận 4 và 5 được hỏi cho biết thỉnh thoảng nơi đây mới bị kẹt xe.  



Cảnh sát điều tiết giao thông tại ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
Cảnh sát điều tiết giao thông tại ngã tư Nguyễn Văn Trỗi – Trần Huy Liệu, TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm

Tuy nhiên, những người được hỏi cũng nói rằng dù đường thoáng nhưng để không kẹt xe vẫn cần có cảnh sát giao thông (CSGT).

Đây là kết quả khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện với 40 người, trong đó có 20 người đang sống tại quận 4 và quận 5 (TP.HCM), 10 người là cán bộ đang làm việc tại các UBND phường thuộc hai quận trên và 10 người trong giới tài xế.

Ít kẹt xe nhờ đường thông thoáng

“Hầu như đi giờ nào thì đường sá ở quận 4 cũng thoáng, ít kẹt xe hơn các quận khác, thậm chí là vào ngày lễ” – chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý (Q.4) cho biết.

Khi được hỏi vì sao quận 4 và quận 5 ít có tình trạng kẹt xe, có đến 75% người dân nói rằng nhờ đường sá thông thoáng, được quy hoạch tốt. Bên cạnh đó, 25% ý kiến cho rằng lòng lề đường không bị lấn chiếm buôn bán cũng góp phần giảm bớt tình trạng kẹt xe trên địa bàn hai quận này.

Về phía các cán bộ đang làm việc tại UBND phường ở Q.4 và Q.5, có 60% người được hỏi đã đánh giá đường sá trên địa bàn đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, 30% cho rằng đáp ứng tương đối, 10% cho rằng chưa đáp ứng được.

Dựa vào đâu để đánh giá một quận đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân?

Ông Trần Phương Nam – phó chủ tịch P.12, Q.5 – đưa ra tiêu chí: “Đó là những tuyến đường chính luôn đảm bảo thông thoáng cho người dân di chuyển từ điểm A đến điểm B trong phạm vi ngắn nhất, tiết kiệm thời gian nhất. Nếu có tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thì phải có đường tắt thay thế và đường tắt không xa hơn đường chính quá 3km. Địa bàn P.12, Q.5 đã có được điều đó”.

Cùng nhận định như vậy, anh Nguyễn Minh Chánh (Q.5) bổ sung: ngoài yếu tố rộng rãi thì đường ở quận 4 và quận 5 đa số là đường ngắn, có nhiều ngã rẽ nên tránh được tình trạng kẹt xe.

Tuy nhiên, không phải tuyến đường nào trên hai quận này cũng đều thông thoáng. Tuổi Trẻ đã khảo sát thêm 10 người trong giới tài xế thường xuyên đi qua quận 4 và quận 5, các bác tài cho biết “vẫn có tình trạng kẹt xe”. Đó là ở các con đường như Nguyễn Tất Thành, Hoàng Diệu, Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ (Q.4); Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Thanh (Q.5), bởi đây là những trục giao thông chính thông với các quận khác, có mật độ giao thông cao vào giờ tan tầm.

“Không có CSGT là người ta chạy loạn lên”

Có hai giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông được đề xuất nhiều nhất là cần nâng cao ý thức người dân (40% ý kiến) và phải tăng cường lực lượng CSGT để điều tiết giao thông, đặc biệt giờ cao điểm (50% ý kiến).

Ông Đào Ngọc Sáng, 51 tuổi, Q.5, kể: “Tôi chạy xe ôm mười mấy năm nay, có con đường nào ở Sài Gòn mà tôi chưa từng đi qua. Tôi thấy đây là những nguyên nhân chủ yếu gây kẹt xe: xe buýt, taxi dừng đón trả khách tùy tiện, bà con dừng đèn đỏ có mấy chục giây mà nôn nóng thế là vượt luôn hoặc tấp lên vỉa hè chạy. Thẳng thắn mà nói ý thức dân mình, đặc biệt là cánh tài xế, còn kém”.

Cũng theo ông Sáng, để nâng cao ý thức… chắc còn lâu lắm, nên tốt nhất là tăng cường CSGT chốt chặn, vừa làm nhiệm vụ điều tiết giao thông vừa giúp những tay lái cẩu thả “sợ tốn tiền phạt mà chạy đàng hoàng”.

Ngay cả những người đã nhận định Q.4 và Q.5 ít kẹt xe nhờ đường sá thông thoáng cũng cho rằng vẫn rất cần sự tham gia điều động của CSGT. “Có CSGT là tốt nhất, chứ không có là người ta chạy loạn xạ cả lên. Đường rộng thì rộng nhưng chỉ cần vài người vô ý thức là có thể gây kẹt xe” – chị Ni Hạo My (Q.5) khẳng định.

“Ý thức kém không chỉ gây kẹt xe mà còn dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng. Tôi nghĩ cần dùng các hình ảnh trực quan về hậu quả tai nạn giao thông để người dân sợ và tự ý thức hơn khi lái xe” – bà Truyện Thị Ngọc Mỹ (phó chủ tịch UBND P.4, Q.4) chia sẻ.

Ảnh: Văn Tiên
Ảnh: Văn Tiên

Ông Trần Văn Lộc (Q.1): Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở ý thức người dân. Đường sá có được quy hoạch tốt đến đâu nhưng người dân không ý thức cũng thua. Chuyện kẹt xe ở xứ mình cũng lạ: nhiều người không đợi nổi vài giây đèn đỏ phải vượt lên gây kẹt xe.

Ảnh: Văn Tiên
Ảnh: Văn Tiên

* Ông Đào Ngọc Sáng (Q.5): “Tôi cho rằng ý thức của các tài xế hiện nay kém lắm, chỉ tuân thủ luật cho có nhằm qua mắt khi thấy CSGT. Do vậy, lực lượng CSGT cần can thiệp mạnh mẽ hơn, xử phạt nghiêm minh hơn. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng về chỗ đậu xe, đón trả khách cho xe buýt, taxi”.

Ảnh: Văn Tiên
Ảnh: Văn Tiên

* Anh Nguyễn Duy Long (tài xế taxi): “CSGT cần bố trí lực lượng, phân bổ công việc lại sao cho hợp lý hơn, đặc biệt là vào lúc trời mưa. Mỗi khi trời mưa là bà con lại dừng xe trú mưa dưới các chân cầu vượt dẫn đến kẹt xe. Hình ảnh CSGT mặc áo mưa điều tiết giao thông rất đẹp nhưng mùa mưa tôi ít thấy CSGT”.

Ảnh: Văn Tiên
Ảnh: Văn Tiên

* Ông Nguyễn Văn Năm (Q.4): “Nên thiết kế nhiều loại xe buýt nhỏ hơn, phù hợp hơn với đường sá và lượng người đi xe buýt trên tuyến đường đó để tránh gây lãng phí. Xây cầu vượt ở các điểm đen thường ùn tắc giao thông”.

Theo Ban an toàn giao thông TP.HCM, cuối năm 2014 trên địa bàn TP còn 39 điểm thường xảy ra ùn ứ giao thông trên địa bàn 14 quận (trong đó quận 3 có 7 điểm, quận Bình Thạnh có 5 điểm, quận Tân Bình có 4 điểm, quận Bình Tân có 3 điểm…).

Riêng địa bàn các quận 4, 5, 8, Gò Vấp, Tân Phú và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn không có các điểm thường xảy ra ùn ứ giao thông.

Hiện Ban an toàn giao thông TP đang tiến hành khảo sát thống kê lại các điểm ùn ứ giao thông phát sinh cũng như những điểm đã xoá.

Q.K.

 

NHÓM KHẢO SÁT