Đừng chết vì… ăn uống dơ bẩn
Các chuyên gia cảnh báo, thói quen ăn uống quá mất vệ sinh có thể gây các bệnh từ tiêu hoá đến viêm não, nhiễm trùng huyết, suy gan… thậm chí tử vong!
Ăn uống quá mất vệ sinh: Đừng chết vì… ăn uống dơ bẩn
Các chuyên gia cảnh báo, thói quen ăn uống quá mất vệ sinh có thể gây các bệnh từ tiêu hoá đến viêm não, nhiễm trùng huyết, suy gan… thậm chí tử vong!
Nhiều người rất thích món tiết canh. Một quán tiết canh heo nằm sâu trong ngõ ở phố Xuân Thuỷ, Q.Cầu Giấy, Hà Nội dù không treo biển hiệu nhưng lúc nào cũng đông khách. Phần lớn khách đến quán là cánh đàn ông, và món khoái khẩu khách thường gọi là tiết canh. Chủ quán thừa nhận, dù biết không đảm bảo vệ sinh nhưng nếu không bán tiết canh thì sẽ giảm đáng kể thu nhập vì khách bỏ quán.
Nguy kịch bởi món tiết canh
Chủ quán tiết canh vịt (ở Nguyên Xá, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết mỗi ngày quán anh bán được khoảng 40 – 50 bát tiết canh. Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại ăn tiết canh vịt có nguy cơ mắc bệnh, chủ quán trấn an: “Ăn tiết canh lợn mới bị nhiễm liên cầu lợn gì đấy; còn tiết canh vịt thì vô tư, làm sao nhiễm bệnh được!”.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cảnh báo: “Thói quen ăn uống liên quan đến rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, bệnh truyền nhiễm. Nếu chế biến, bảo quản, ăn uống không hợp vệ sinh có thể gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm khác. Điều đáng nói, hiện vẫn còn rất nhiều người duy trì thói quen ăn tái sống, nhất là dùng món tiết canh. Đã có rất nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng nặng do bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn vì dùng món tiết canh lợn”.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phú, Trưởng khoa Nhiễm Việt – Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM), cũng cho biết: “Khoa chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn do thói quen ăn các loại tiết canh mà nhiều nhất là tiết canh heo. Ngoài ra, thói quen dùng món ốc tái, thịt tái không đảm bảo vệ sinh dễ gây nhiễm các vi khuẩn bên trong thịt sống chưa qua chế biến”.
Bàn tay là “ổ” chứa vi khuẩn
Theo bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học an toàn thực phẩm VN), nhiều người thường có thói quen bốc tay khi ăn vì theo họ ăn như thế là rất ngon. Ông nói: “Đúng là có những món khi ăn dùng tay bốc thì cảm giác rất ngon, như ăn xôi với gà xé chẳng hạn. Tuy nhiên, ăn bốc với điều kiện bàn tay bốc thực phẩm phải được rửa sạch sẽ trước đó. Bàn tay là ổ chứa tổng hợp các loại vi khuẩn, nếu cứ thói quen ăn bốc mà không rửa tay thì sẽ lùa vi khuẩn vào người. Thường là vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hoá, viêm gan siêu vi A, bệnh tay chân miệng…”.
Đáng lưu ý, tiến sĩ Nguyễn Thanh Dương (Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư) cho biết: “Viện chúng tôi thường tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân bị sán lá gan, u não, viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng. Các trường hợp này mắc bệnh do ăn uống mất vệ sinh, thường ăn tái, sống, hay làm ốc sống ăn gỏi, các ấu trùng trong thực phẩm xâm nhập vào cơ thể, đi đến gan, não, phổi gây bệnh”.
Mầm mống dịch tiêu chảy cấp
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng: “Thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống, chế biến món ăn tưởng như đơn giản nhưng rất hữu hiệu cho phòng bệnh. Bàn tay tiếp xúc với rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, nó chứa đầy vi khuẩn. Trong các đợt kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả luôn cho thấy bàn tay nhiễm vi khuẩn đường ruột E.Coli chiếm nhiều nhất. Đã từng xảy ra những đợt dịch tiêu chảy cấp vì phẩy khuẩn tả bởi thói quen ăn uống mất vệ sinh. Với trẻ em, cần lưu ý ăn uống mất vệ sinh khiến trẻ dễ mắc bệnh tay chân miệng”.
|
Thanh Niên