28/11/2024

Giật đồ cúng gây náo loạn

Những ngày tháng 7 âm lịch, nhiều người kéo nhau đi giật đồ cúng cô hồn như đi hội. Tình trạng chen lấn, giẫm đạp nhau để giành giật tiền bạc, đồ ăn gây hỗn loạn trên nhiều đường phố…

 

Giật đồ cúng gây náo loạn

 

 

Những ngày tháng 7 âm lịch, nhiều người kéo nhau đi giật đồ cúng cô hồn như đi hội. Tình trạng chen lấn, giẫm đạp nhau để giành giật tiền bạc, đồ ăn gây hỗn loạn trên nhiều đường phố…



Nhiều người tranh nhau giật đồ cúng cô hồn tại góc đường Phùng Hưng - Trần Hưng Đạo (Q.5) chiều 28.8 gây náo loạn cả khu vực - Ảnh: Mã Phong

Nhiều người tranh nhau giật đồ cúng cô hồn tại góc đường Phùng Hưng – Trần Hưng Đạo (Q.5) 
chiều 28.8 gây náo loạn cả khu vực – Ảnh: Mã Phong

Trưa 30.8, tại khu vực Chợ Lớn, chợ Bình Tiên (Q.6, TP.HCM) có nhiều nhà, cửa hàng buôn bán đang chuẩn bị cúng cô hồn, gần đó đã có rất đông người tập trung chờ sẵn. Lúc này một cửa hàng buôn bán gần chợ Bình Tiên vừa cúng xong tung những tờ tiền lẻ, bánh kẹo xuống đất thì hàng chục người đủ mọi lứa tuổi xúm lại tranh nhau.
Tiếng cãi nhau, chửi tục gây náo loạn cả một khu vực. Tương tự, tại một ngôi chùa trên đường Phan Văn Khỏe (Q.6) cũng có hàng chục người đứng chen lấn giành giật đồ cúng ngay giữa đường. Vụ việc làm đoạn đường qua đây ùn tắc nghiêm trọng.
Trước đó, chiều 28.8, tại góc đường Phùng Hưng – Trần Hưng Đạo (Q.5) có hàng nghìn người tập trung chờ một công ty cúng cô hồn để tranh. Có những người mang theo lồng gà, vợt được nối với cây dài đưa lên cao để hứng. Khi tiền, đồ cúng được gia chủ rải từ trên lầu xuống, “biển người” la hét, giẫm đạp, tranh nhau nhau gây nên cảnh náo loạn và tắc đường nghiêm trọng. Trật tự chỉ được vãn hồi khi lực lượng công an và bảo vệ dân phố có mặt.
Đáng nói hơn, nhiều trường hợp từ tranh giành đồ cúng đã dẫn đến rượt đuổi nhau trên đường bất chấp nguy hiểm. Chiều 29.8, tại góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ (Q.5), 3 thanh niên tay cầm bánh kẹo bị một nhóm thanh niên khác truy đuổi từ trong hẻm chạy bạt mạng ra đường Trần Hưng Đạo. Một thanh niên bị xe máy tông ngã ra đường. Nhưng ngay lập tức thanh niên này đứng dậy bỏ chạy mất hút. Thấy vậy nhóm thanh niên rượt đuổi nói với theo: “Lần sau địa bàn ai người đó giật đồ cô hồn nhe mày. Còn qua đây nữa thì coi chừng mất mạng”.
Theo Hùng và Cọt (hai thiếu niên chuyên đi giật đồ cúng cô hồn tại khu vực Q.6), có một “luật ngầm” là đi giật đồ cúng cũng địa bàn ai nấy giật. Nếu xâm phạm “lãnh địa” thì tính mạng sẽ bị đe doạ. Hiện nay, trên địa bàn các quận 5, 6, 8, 11 xuất hiện nhiều băng nhóm chuyên đi giật đồ cúng cô hồn. Các băng nhóm này chia nhau ra đi các tuyến đường để “trinh sát” những nơi chuẩn bị cúng lớn là kéo đến. Những băng nhóm này thậm chí còn mang theo “đồ nghề” để sẵn sàng chống trả nếu bị nhóm khác tấn công.
Ông T., một tài xế ô tô, chưa hết hoảng hồn kể lại với PV Thanh Niên: “Hôm 29.8, tôi đang đi trên đường Lý Tự Trọng, đoạn gần giao lộ với Trương Định thì đột nhiên cả đám người từ bên này băng ào qua bên kia đường để giật đồ cúng. Nếu không cẩn thận thì tôi đã tông cả 2 người lớn và 8 trẻ em rồi”.
Không nên ném tiền, lễ vật ra đường
Theo đại đức Thích Lệ Minh, Uỷ viên Ban Hoằng pháp T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, trụ trì chùa Thiện Mỹ (Q.5, TP.HCM), lễ cúng cô hồn theo quan niệm dân gian có sự ảnh hưởng từ nghi lễ cúng chúng sinh của Phật giáo. Mùa lễ hội tâm linh, mùa Vu lan báo hiếu vào tháng 7 âm lịch là dịp để con cháu tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ.
Đó cũng là dịp cầu nguyện, cúng thí cho chúng sinh, những người đã quá vãng được no đủ, cảm thấy ấm lòng. “Tháng 7 ngày rằm, xá tội vong nhân”, do vậy cúng thí cô hồn là một nghi lễ mang tính nhân văn, mở rộng lòng thương của người Việt.
Tuy nhiên, bây giờ nhà nhà đều cúng thì vấn đề đặt ra là nghi thức cúng – thí làm sao cho phù hợp, để vừa thể hiện được ý nghĩa tâm linh vừa toát lên được tinh thần, nếp sống văn hoá của cộng đồng.
Cúng – thí ở đây có nghĩa là sau khi cúng (nghi thức) xong rồi thì thí (mang cho) để giúp đỡ, san sẻ yêu thương cho những người khốn khó, những cảnh đời bất hạnh. “Của cho không bằng cách cho. Một số nhà sau khi cúng xong thì quăng tiền, quăng lễ vật gây ra cảnh giành giật, tranh nhau là một điều không nên. Nếu có điều kiện tổ chức cúng – thí thì nên phát phiếu cho những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, chia sẻ. Khi cúng xong thì việc phát tiền hoặc lễ vật sẽ trật tự hơn. Đây cũng là một cách mà nhà chùa hay làm”, đại đức Thích Lệ Minh chia sẻ và bày tỏ thêm: “Bây giờ còn xuất hiện tình trạng tranh đoạt lễ vật như kiểu ăn cướp, trông rất là ghê sợ. Đây là một hành vi hoàn toàn không đúng, làm mất đi ý nghĩa thật sự của lễ cúng thí cô hồn”.
Tân Phú

Đức Tiến – Công Nguyên