Triệt phá ‘xe vua’
Để triệt phá 2 đường dây mua bán logo “xe vua”, Bộ Công an điều cả các trinh sát từ Hà Nội vào TP.HCM điều tra. Theo lời khai ban đầu, hằng tháng mỗi đường dây này thu 2,7 – 3 tỉ đồng từ hàng ngàn xe tải.
Triệt phá ‘xe vua’
Để triệt phá 2 đường dây mua bán logo “xe vua”, Bộ Công an điều cả các trinh sát từ Hà Nội vào TP.HCM điều tra. Theo lời khai ban đầu, hằng tháng mỗi đường dây này thu 2,7 – 3 tỉ đồng từ hàng ngàn xe tải.
Ngày 27.8, Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) Bộ Công an tại TP.HCM thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp 7 nghi can, gồm: Lê Thị Cẩm Vân (33 tuổi), Mai Văn Thái Em (36 tuổi, cả 2 ngụ H.Bình Chánh); Trần Quốc Thái (44 tuổi), Huỳnh Tấn Thắng (30 tuổi, đều ngụ Long An); Trần Trọng Nhân (27 tuổi), Nguyễn Mai Hữu Nhân (25 tuổi, cùng ngụ An Giang) và Nguyễn Văn Phúc (48 tuổi, ngụ Q.6), để điều tra làm rõ về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Đây là các nghi can trong 2 đường dây bán logo “Xe chở hàng” và logo “Garage Thành Đô” cho các chủ xe, tài xế trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, do Lê Thị Cẩm Vân và Nguyễn Văn Thới cầm đầu.
Hàng ngàn xe tải dán logo “xe vua”
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, qua phản ánh của báo chí, người dân và một số tài xế xe tải về tình trạng nếu mua một số loại logo dán trên xe tải sẽ được lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát trên đường cho qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát, cụ thể là C45, xác lập chuyên án để triệt phá. Chuyên án do đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó C45, làm trưởng ban. Sau 3 tháng điều tra, hàng chục trinh sát, điều tra viên của C45, trong đó có cả trinh sát được điều động từ Hà Nội vào hỗ trợ, đã nắm được quy trình hoạt động của các đường dây. Cụ thể, các nhóm người này tự nhận quen biết với một số cán bộ CSGT, thanh tra giao thông công chánh (TTGTCC) nên nắm được hoạt động tuần tra kiểm soát để “bảo kê” cho xe tải lọt qua các trạm cân, trạm, đội CSGT… nhằm mục đích bán logo thu lợi bất chính.
Khoảng 11 giờ ngày 26.8, trinh sát C45 ập vào một quán cà phê ở H.Bình Chánh, bắt quả tang Trọng Nhân đang bán 2 logo “Xe chở hàng” cho H. (25 tuổi, ngụ Vĩnh Long). Từ đầu mối này, C45 lần lượt bắt giữ Thái Em, Thái, Thắng, Phúc, Hữu Nhân, Vân; riêng Thới nhanh chân bỏ trốn.
Bước đầu, C45 xác định đường dây bán logo “Xe chở hàng” do Vân điều hành, dưới trướng của Vân có nhiều người giúp việc như: Thái Em, Thắng, Phúc, Trọng Nhân, Hữu Nhân. Tại trụ sở công an, Vân khai đầu năm 2015 tổ chức in logo “Xe chở hàng” bán cho các chủ xe, tài xế xe tải trên địa bàn TP.HCM với giá từ 2,7 – 3 triệu đồng/logo/tháng/xe. Nếu khách có nhu cầu lưu thông qua địa bàn Bình Dương, Đồng Nai thì Vân bán thêm logo hình mặt trời, ngôi sao dán trên xe với giá 500.000 – 600.000 đồng/logo/xe/tháng. Những người giúp việc Vân có nhiệm vụ hằng ngày đi theo dõi lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát để báo cho Vân, đồng thời kiêm nhiệm bán logo cho khách để hưởng phí môi giới 400.000 – 500.000 đồng/logo. Từ thông tin “đàn em” báo về, hằng ngày Vân thông báo cho chủ xe, tài xế về cung đường tuần tra kiểm soát của CSGT, TTGTCC biết mà tránh né. Đến nay, Vân đã bán khoảng 1.000 logo cho khách, số tiền thu được khoảng 2,7 – 3 tỉ đồng/tháng.
Trong khi đó, logo “Garage Thành Đô” do Thới cung cấp và Thái là người giúp việc. Cũng với thủ đoạn tương tự đường dây của Vân, Thới đã bán được khoảng 1.000 logo “Garage Thành Đô”, giá cao hơn logo “Xe chở hàng” vài trăm ngàn đồng/cái. “Bọn chúng rất tinh quái, thường xuyên thay đổi logo và sử dụng nhiều thủ đoạn khác để xoá dấu vết, gây nhiều khó khăn cho lực lượng điều tra, trinh sát tham gia phá án”, thiếu tá Trịnh Ngọc Dương, Đội trưởng Đội 4, Phòng 7 (C45), cho biết.
Xe bị bắt thì cử người đến “giải cứu”
Có mặt tại TP.HCM, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, cho biết thêm, theo nhóm người này khai báo, họ tự ý in các logo với chi phí khoảng 400 – 500 đồng/cái nhưng bán cho tài xế, chủ xe đến nhiều triệu đồng.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: “Nhóm người này với lực lượng chức năng có quan hệ như thế nào để khách hàng tin tưởng bỏ tiền triệu ra để mua logo?”, ông Tiến cho rằng bước đầu các nghi can khai tự nhận quen biết với một số cán bộ của cơ quan chức năng nên biết “lịch trình” tuần tra kiểm soát, sau đó báo cho chủ xe, tài xế tránh né các đơn vị chức năng này.
Cũng theo thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, khi bán logo các nhóm này đều ghi số xe, xin số điện thoại của chủ xe, tài xế để khi tài xế bị cơ quan chức năng thổi phạt thì cho người đến “giải cứu”. “Thực tế, họ cũng có cử người đến giải quyết nhưng xin xỏ cơ quan thi hành nhiệm vụ không được thì bỏ tiền túi ra nộp phạt”, ông Tiến nói và khuyến cáo: “Hiện ở một số địa phương khác cũng có hiện tượng xe tải dán logo không có đăng ký của cơ quan chức năng thì đề nghị lực lượng có thẩm quyền phải kiểm tra làm rõ, nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm”.
CSGT có biết về logo “xe vua” ?
Ngay khi C45 triệt phá hai đường dây mua bán logo “xe vua” trên địa bàn TP.HCM, chiều 27.8 PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với đại tá Trần Thanh Trà (ảnh), Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM. Đại tá Trà cho biết khoảng đầu năm 2015, PC67 cũng tiếp nhận thông tin về việc một số người bán logo cho xe tải, “bảo kê” qua mặt CSGT. PC67 đã chủ động tham mưu Ban giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp PC67 tổ chức tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ liên quan đến kiểm tra trọng tải xe; đối tượng có hành vi bảo kê, môi giới, dẫn dắt, tiếp tay cho hoạt động xe quá tải, quá khổ để xác lập chuyên án đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Với việc phá 2 đường dây bán logo trên địa bàn TP.HCM, dư luận cho rằng đường dây này có mối quan hệ mật thiết với lực lượng CSGT của Công an TP.HCM. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ngoài các kế hoạch nói trên, PC67 đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng chống tệ nạn “bảo kê” này từ trong ra ngoài. Cụ thể, trong nội bộ, PC67 mở nhiều đợt tuyên truyền nhắc nhở cán bộ chiến sĩ nói không với nạn “bảo kê” xe vi phạm, yêu cầu hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ cam kết không quan hệ, móc nối với đối tượng “bảo kê” xe vi phạm, “xe vua”…; đồng thời lập kế hoạch xử lý nghiêm xe tải vi phạm.
Người dân biết và tố cáo đường dây logo “Xe chở hàng”, “Garage Thành Đô”. Vậy PC67 có biết về 2 logo “bảo kê” xe tải này?
Sau một thời gian tìm hiểu, PC67 cũng nắm được thông tin về 2 logo nói trên. Chính vì vậy, ngày 31.3.2015, PC67 lập tổ chuyên đề chuyên xử lý xe quá tải, quá khổ gắn logo có dấu hiệu “bảo kê”. Đề phòng tiêu cực, lãnh đạo PC67 chọn những cán bộ chiến sĩ tiêu biểu của các đội vào tổ chuyên đề này, giao cho 2 phó trưởng PC67 trực tiếp chỉ huy. Qua 1 tháng triển khai xử lý xe tải dán logo, PC67 đã phát hiện và lập biên bản 450 trường hợp vi phạm quá tải, trong đó xe quá tải trên 100% là 223 trường hợp, tạm giữ 36 xe; phạt 121 trường hợp đối với chủ phương tiện. Trong đó, lực lượng CSGT xử lý 217 trường hợp xe tải dán logo “Garage Thành Đô” và 165 trường hợp xe tải dán logo “Xe chở hàng”, 14 trường hợp xe tải dán logo “Tam Kỳ”, 17 trường hợp xe tải dán logo “Dịch vụ vận chuyển hàng” và một số logo như chuột Mickey, Hồng Loan…
Cho tới nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp cán bộ chiến sĩ nào vi phạm do liên quan đến việc “bảo kê” xe vi phạm, “xe vua”.
|
Đàm Huy