28/11/2024

Có nên cho trẻ tập đi trên thuỷ tinh?

Nhân vụ cho trẻ tập đi trên thuỷ tinh để xây dựng lòng can đảm, câu hỏi đặt ra cho mỗi phụ huynh vẫn là liệu con cái họ có cần những kiểu giáo dục “mạnh mẽ” như thế?

 

Có nên cho trẻ tập đi trên thuỷ tinh?

 

Nhân vụ cho trẻ tập đi trên thuỷ tinh để xây dựng lòng can đảm, câu hỏi đặt ra cho mỗi phụ huynh vẫn là liệu con cái họ có cần những kiểu giáo dục “mạnh mẽ” như thế?



Trang sách dạy về lòng can đảm, "vượt qua nỗi sợ" bằng cách đi trên thảm thủy tinh - Ảnh: Mỹ Dung
Trang sách dạy về lòng can đảm, “vượt qua nỗi sợ” bằng cách đi trên thảm thuỷ tinh – Ảnh: Mỹ Dung

Có bao nhiêu cách giáo dục để một đứa trẻ xác quyết lòng can đảm?

Công tâm mà nói thì giáo dục luôn cần tìm kiếm những hướng đi mới, thậm chí táo bạo, biết phủ nhận những gì đang được cho là tốt, như mô hình Trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Nhất là con người, những thử nghiệm đều chỉ nên nằm trong một phạm vi nghiên cứu có chọn lọc. Nó cần được làm rõ, chúng ta “làm điều đó để làm gì?”, có thật sự ích lợi không trước khi đem ra thực nghiệm đại trà hoặc in thành sách.

Để dạy một đứa trẻ can đảm, chúng ta có nhiều cách thử thách chúng mà không cần thiết phải đi qua thủy tinh, chắc chắn là vậy.

Để dạy trẻ can đảm nên gắn liền với vài kỹ năng có lợi, ví dụ hướng dẫn trẻ cách vượt qua một chướng ngại vật chẳng hạn, vì ít ra khi vào đời chúng sẽ vận dụng những điều đó vào thực tiễn, trong những tình huống thực tế. Trong khi đi qua thủy tinh chẳng để làm gì cho cuộc sống của chúng sau này, ngoại trừ có tính biểu diễn.

Thay vì vậy, chúng ta nên dạy trẻ cách xử lý tình huống đó, bọc vải vào chân, mang vớ hay cái gì đó… để chúng vẫn có thể thực hiện được việc đi qua thuỷ tinh một cách can đảm, khôn ngoan, không chùn bước trước khó khăn, lại biết động não hơn.

Xây dựng lòng can đảm cho trẻ không có nghĩa là chúng ta tách riêng phần nhận định, phân tích có tính chất lý trí của chúng. Và thuần tuý biến sự can đảm đồng nghĩa với việc làm những điều quái dị, lạ thường.

Chưa kể, thảm thủy tinh trong bài hướng dẫn đã có sự chuẩn bị, ngoài thực tế hiếm có chuyện này xảy ra, bài học sẽ trở nên vô giá trị.

Ngoài thực tế sẽ là những mảnh vỡ của cái ly, bình hoa… chúng hoàn toàn có thể gây đổ máu. Huấn luyện mà không đúng với mọi trường hợp ngoài thực tế thì chắc chắn cực kỳ nguy hiểm.

Trong võ thuật, người ta cũng hay có kiểu thực nghiệm dạng này. Dùng tay chặt gạch, đá, dùng đầu đập vào vật cứng, càng ngày càng tăng độ khó lên. Kiểu tập luyện đó vẫn có thể tạo nên những tài năng, tạo nên những màn công phá thần kỳ kiểu như Thiếu Lâm Tự là có thật.

Nhưng đó là những kiểu giáo dục rèn luyện có tính chuyên biệt, khổ luyện, nó không dành cho những khóa học ngắn ngày, cưỡi ngựa xem hoa. Lại phải có thầy truyền thụ trực tiếp, lại càng không thể in thành sách để mỗi phụ huynh mua về nhà rồi thực nghiệm trực tiếp với con cái mình.

Mọi sự đổi mới, mọi cách nhìn mới về giáo dục luôn cần được khuyến khích, trân trọng, ngay cả trong trường hợp này, chúng ta cũng đừng nên phủ nhận sạch trơn hoặc tẩy chay những dạng giáo án vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường.

Vấn đề vẫn là những người biên soạn phải cực kỳ thận trọng. Lắng nghe và cầu thị bao giờ cũng là điều tốt nhất để dựng nên một nền giáo dục tiên tiến. Đừng nên bao biện, đừng nên cho rằng việc đó không gây tổn thương ai thì đồng nghĩa nó là việc tốt.

Thu hồi sách có bài “Vượt qua nỗi sợ”

Ngày 26-8, Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục thu hồi cuốn sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1 có bài học tựa đề “Vượt qua nỗi sợ”, xuất bản năm 2014.

Liên quan tới sự việc này, Bộ GD-ĐT yêu cầu NXB Giáo Dục tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tập thể có liên quan trong việc liên kết xuất bản cuốn sách trên, và xử lý theo thẩm quyền của NXB Giáo Dục; rà soát lại các quy định, quy trình về liên kết xuất bản sách với các tác giả để bảo đảm sự chặt chẽ, tránh sai sót trong công tác biên tập, xuất bản loại sách này.

Trước đó, việc một trường học ở Hà Nội phối hợp với trung tâm kỹ năng sống Tâm Việt cho học sinh thực hành bài học theo nội dung cuốn sách trên: đi lên mảnh thủy tinh để “vượt qua nỗi sợ hãi” đã gây bức xúc dư luận.

Giải trình về nội dung cuốn sách này, đại diện NXB Giáo Dục cho biết sau khi cuốn sách xuất bản, tiếp thu góp ý của phụ huynh, giáo viên, NXB Giáo Dục đã điều chỉnh, cắt bỏ nội dung bài học không phù hợp nói trên khi tái bản cuốn sách năm 2015.

Tuy nhiên, nhiều cuốn sách xuất bản năm 2014 có nội dung bài học trên vẫn được lưu hành.

VĨNH HÀ

NGUYỄN NGỌC THUẦN ([email protected])