Nguy cơ cao nếu chảy máu khi sinh
Đây là ý kiến của PGS.TS Lưu Thị Hồng, trước nguy cơ tai biến sản khoa ở sản phụ có tiền sử rối loạn đông máu hoặc chảy máu phát sinh bất thường trong khi sinh.
Nguy cơ cao nếu chảy máu khi sinh
Đây là ý kiến của PGS.TS Lưu Thị Hồng, trước nguy cơ tai biến sản khoa ở sản phụ có tiền sử rối loạn đông máu hoặc chảy máu phát sinh bất thường trong khi sinh.
Một cuộc vượt cạn mẹ tròn con vuông là mong mỏi của tất cả gia đình – Ảnh: Thanh Đạm |
Một số ca tai biến sản khoa ở tuyến dưới gần đây với nguyên nhân chính là chảy máu ồ ạt sau sinh khiến dư luận quan tâm không khỏi thắc mắc: làm sao để hạn chế những cái chết đau lòng này?
Đón con, mất vợ
Ngày 24-8, bác sĩ Lê Văn Thành – chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà – cho biết đang kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Thuý Hà (36 tuổi, ở xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Hà.
Theo ông Lê Trung Bớt – chồng bà Hà, khoảng 9g30 ngày 10-8 ông đưa vợ đến Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh sinh con thứ ba. “Tôi đồng ý ký giấy để vợ tôi được sinh mổ. Đến khoảng 11g30 y tá nói vợ tôi đã sinh con trai nặng 3,7kg. Đến gần 13g cùng ngày y tá nói là vợ tôi băng huyết, cần người nhà đến cho máu. Nhưng đó cũng là lúc bệnh viện đưa vợ tôi ra xe cấp cứu chuyển lên tuyến trên. Đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hoà, khi đang làm thủ tục cắt tử cung thì vợ tôi mất” – ông Bớt đau buồn kể.
Trong khi đó, tại cuộc làm việc với gia đình sản phụ ngày 20-8, bác sĩ Trần Tấn Thiện – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh – cho biết bà Hà nhập viện với chẩn đoán thai lần ba, mẹ thừa cân, có xét nghiệm nước tiểu thấy protein niệu 2+, có nguy cơ tiền sản giật.
Theo bác sĩ Thiện, bà Hà chuyển dạ nhanh, các cơ tử cung chưa giãn kịp gây rách cổ tử cung. Bác sĩ điều trị trực tiếp đã khâu cổ tử cung cho sản phụ Hà, nhưng thấy máu sản phụ chảy nhiều, nghi có hiện tượng đờ tử cung.
Tuy nhiên Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh chỉ còn một đơn vị máu dự trữ và việc phẫu thuật cắt tử cung loại 2 thuộc bệnh viện tuyến trên nên trung tâm cho truyền đơn vị máu dự trữ duy nhất cho sản phụ Hà, hồi sức tích cực và chuyển bà Hà lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa.
Theo kết luận của Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, nguyên nhân tử vong của sản phụ Hà là do băng huyết sau sinh. Gia đình ông Bớt đang rất khó khăn khi ông phải bỏ việc đi làm thợ hồ mưu sinh hằng ngày để chăm đứa con vừa chào đời đã mất mẹ cùng hai con lớn mới 7 tuổi và 12 tuổi.
Một cái chết đau lòng khác là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thạch Hoa (36 tuổi, trú huyện Long Mỹ, Hậu Giang). Theo gia đình, bà Hoa chuyển dạ nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ khoảng 13g ngày 16-8. Lúc nhập viện, sức khoẻ bà Hoa bình thường, đến 20g cùng ngày bà Hoa được đưa vào phòng sinh với chỉ định sinh thường.
Tuy nhiên do lo ngại chuyển dạ kéo dài, gia đình có yêu cầu bác sĩ cho mổ bắt con. Lúc này bác sĩ Nguyễn Thanh Nhã – trưởng khoa ngoại Bệnh viện huyện Long Mỹ – trực tiếp mổ, bé gái sinh ra cân nặng 3,6kg, bà Hoa được đưa đến phòng hồi sức.
Tuy nhiên hai giờ sau khi mổ, gia đình được thông báo bà Hoa bị ói và ra nhiều máu phải cấp cứu lần hai. Khoảng 4g30 ngày 17-8, Bệnh viện huyện Long Mỹ chuyển bà Hoa lên tuyến trên là Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hậu Giang nhưng trên đường đi bà Hoa đã tử vong.
Theo bác sĩ Phanh Thanh Thuấn – giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ, bà Hoa bị chảy máu sau mổ lấy thai, bị băng huyết làm đờ tử cung nên phải mổ cấp cứu lần hai. Các bác sĩ đã cầm máu, bà Hoa bị đờ tử cung nên được cắt tử cung bán phần nhưng không thể cứu vãn. Hồi tháng 4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang đã xảy ra ca tử vong đáng tiếc của sản phụ Đỗ Thị Phương Dung (27 tuổi, ngụ TP Vị Thanh, Hậu Giang) vì sốc mất máu nặng do băng huyết sau sinh, gây rối loạn đông máu.
Cần được chẩn đoán kịp thời để chuyển tuyến trên
Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng - vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ – trẻ em, Bộ Y tế, trường hợp sản phụ được phát hiện có rối loạn đông máu trước khi sinh nên được chuyển sớm lên tuyến trên để tránh biến chứng, do cấp cứu cho sản phụ bị chảy máu ồ ạt từ các cơ quan nội tạng, chảy máu âm đạo không cầm được sẽ nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.
“Cấp cứu các trường hợp bệnh nhân như vậy đòi hỏi hồi sức cấp cứu nhanh, cần đội ngũ hồi sức cấp cứu giỏi, các trang thiết bị phù hợp nên nhiều cơ sở y tế tuyến dưới chưa có đủ. Hiện chỉ có một phần sản phụ có rối loạn đông máu biết trước tình trạng của mình, phần còn lại các chị em, chủ yếu là các chị em ở vùng sâu vùng xa, vẫn chưa biết nguy cơ” – bà Hồng cho biết.
Bà Hồng nhận định hầu hết bệnh viện tuyến tỉnh đã có khả năng cấp cứu sản khoa trong trường hợp rối loạn đông máu hoặc chảy máu bất thường, tuy nhiên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa sản phụ không được xét nghiệm phát hiện hoặc không biết trước tình trạng rối loạn đông máu.
Một nguy cơ nữa là tình trạng chảy máu trong ca sinh, nếu chảy máu từ 1l trở lên trong quá trình sinh do các nguyên nhân thai to, đa thai, từng sinh nhiều con, có tiền sử đẻ băng huyết trong các lần sinh trước… đều có nguy cơ tai biến.
Những trường hợp này cần được sớm chuyển tuyến hoặc đề nghị kíp hồi sức giỏi hỗ trợ sớm. Bà Hồng khuyến cáo sản phụ nên xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng bệnh để có thể xử trí kịp thời trước và trong ca sinh, nhất là với các trường hợp nguy cơ cao kể trên.
Theo thống kê gần đây của Bộ Y tế, trong số bảy nguyên nhân dẫn đến tai biến sản khoa gây tử vong mẹ thì băng huyết là nguyên nhân hàng đầu với 41%, kế đến là sản giật và tiền sản giật, nhiễm khuẩn sản khoa, phá thai không an toàn… Ngoài ra, theo hệ thống báo cáo của Vụ Sức khoẻ bà mẹ – trẻ em (Bộ Y tế), năm 2013 có 265 ca tử vong mẹ do tai biến sản khoa, năm 2014 con số này là 209 và sáu tháng đầu năm 2015 có 79 phụ nữ qua đời do tai biến sản khoa. |