Tràn ra đường để… nhậu
Tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng lề đường tại TP.HCM có nguyên nhân từ thói quen ăn nhậu ở vỉa hè, lòng đường của một số người, cũng như tâm lý ngại phản ứng của những người bị ảnh hưởng.
Tràn ra đường để… nhậu
Tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng lề đường tại TP.HCM có nguyên nhân từ thói quen ăn nhậu ở vỉa hè, lòng đường của một số người, cũng như tâm lý ngại phản ứng của những người bị ảnh hưởng.
Xe máy và quán nhậu chiếm hết vỉa hè đường Phạm Văn Đồng đoạn qua Q.Gò Vấp, TP.HCM, người đi bộ phải đi xuống làn đường xe máy (ảnh chụp tối 22-8) – Ảnh: Quang Định |
Đó là kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 20 người dân sống trong khu vực có quán ăn nhậu tràn ra đường và 20 người là khách của các quán nhậu này.
Giải quyết tình trạng “biến đường thành phố nhậu”? – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT |
Bất tiện, mà… cũng tiện
Sự mâu thuẫn này thể hiện trong câu trả lời của 20 người dân sống trong khu vực có quán ăn nhậu tràn ra đường. Bên cạnh những bức xúc, có tới sáu người cho biết dù thấy phiền phức khó chịu nhưng lại cũng có những điều rất thuận tiện.
“Quán nhậu gần nhà ồn ào, bát nháo tới tận đêm, ngủ không được cũng bực. Vỉa hè thì có quán chừa lối đi, có quán không chừa, đôi khi mình cứ phải đi lên đi xuống giữa vỉa hè và lòng đường rất bất tiện. Nhậu nhẹt nhiều sinh ra nhiều tệ nạn như trộm cướp, chạy xe cẩu thả, thấy cuộc sống thật bất an. Nhưng quán nhậu sát bên cũng có cái tiện là lâu lâu nhà mình có khách mời họ ra ăn uống, đỡ phải đi xa hay bày biện, dọn dẹp” – bà Cao Trần Mỹ Liên (Q.Phú Nhuận) phân trần.
Cũng có khi cái “lợi” đơn giản chỉ là “thi thoảng nhà bên ấy mang sang món này món khác đãi mọi người” hoặc “những khi mời khách qua nhậu thì được giảm giá, hoặc khuyến mãi thêm mấy lon bia, cũng được”. Thậm chí, có người còn tận dụng cơ hội quán nhậu sát bên nhà để làm ăn: sáng cho thuê nhà mặt tiền làm cửa hàng, tối đến cửa hàng đóng thì lại cho thuê vỉa hè đằng trước và cho câu điện phát sáng, thu tiền hằng tháng.
Do vậy, khi các quán nhậu bày bàn ghế, bãi xe tràn xuống vỉa hè, lòng đường, 20 người dân xung quanh đã phản ứng như sau: 6 người ủng hộ, tận dụng cơ hội để làm ăn, 6 người im lặng không phản ứng gì, chỉ có 8 người tìm cách nói chuyện với chủ quán hoặc báo chính quyền, công an.
Về phía người thường ăn nhậu vỉa hè, trong 20 người trả lời khảo sát có 15 người nói thích nhậu ở quán lòng đường, vỉa hè hoặc bất kỳ nơi nào thuận tiện mặc dù có những tình huống khó chịu.
“Ngồi vỉa hè kể ra cũng hơi xấu hổ, nhưng lúc tới thấy rất đông người cũng ngồi như mình. Lần đó đang ngồi quán ốc trên đường Phạm Văn Đồng thì công an, trật tự tới hốt xe. Khi đó rất hoảng hốt, mọi người trong bàn đều bỏ chạy ra chỗ để xe rồi đường ai nấy đi. Cũng xấu hổ, sợ bị phạt, nhưng hôm sau quay lại thấy người ta vẫn ngồi đầy vỉa hè” – Lê Sơn Bình, 27 tuổi, chia sẻ.
Thích ăn nhậu ở đâu? – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT |
Quy hoạch những khu ăn uống riêng
Ông N.V.H., 54 tuổi, Q.Thủ Đức, nói rằng: “Các quán nhậu gần nhà lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến con cái chúng tôi. Ngày ngày lớn lên và chứng kiến cảnh người lớn nhậu nhẹt bia bọt, nói bậy chửi thề, ăn tục nói phét, xỉn rồi đánh lộn, chửi rủa nhau… chắc chắn là không tốt. Không lẽ bán nhà đi, mà đi thì biết đi đâu?”.
Sự bất lực với tình trạng ăn nhậu tràn xuống đường thể hiện trong số 48 ý kiến trả lời về việc làm thế nào để dẹp được tình trạng “đường thành quán nhậu” có đến 18 ý kiến nói không thể dẹp được.
Tuy nhiên, luồng ý kiến đông hơn (30 ý kiến) cho rằng vẫn có giải pháp cho vấn đề này, ví dụ như quy hoạch các khu ăn nhậu riêng (16 ý kiến), không cho phép mở quán nhậu ở những nơi không đủ mặt bằng hoặc dễ xảy ra việc lấn chiếm, chỉ cấp phép kinh doanh khi quán đủ điều kiện về mặt bằng, bãi xe, kiên quyết đóng cửa những quán vi phạm nhiều lần…
“Theo tôi là dẹp được khi quy hoạch được các khu ăn uống, vui chơi như ở Thái Lan, Singapore… Nước ngoài người ta làm được, mình làm được thôi. Quy vô một nơi như vậy mà tốt, đang nhậu khỏi phải chạy như ăn trộm. Quan trọng có đề án rõ ràng, cụ thể và khi thực hiện phải nghiêm minh, triệt để” – anh Võ Văn Cường (Q.10), một người có lần suýt bị trật tự đô thị “hốt xe” khi ngồi nhậu ngoài đường, khẳng định. Còn anh Hoàng Văn An, chủ quán ốc trên đường Trường Sa, nói: “Nếu quy hoạch được, có chỗ buôn bán đàng hoàng thì tôi sẵn sàng thuê”.
* Anh Nguyễn Hữu Hiền (Q.Phú Nhuận): “Bạn bè tôi thích ngồi quán vỉa hè nhâm nhi cho thoải mái, vui vẻ cởi mở dễ bàn công việc và dễ góp ý cho nhau. Có quán nhậu gần nhà cũng tiện, không phải đi đường xa về nên vẫn an toàn nếu có uống quá chén”.
* Anh Đỗ Việt Dũng (Q.Bình Thạnh): “Tôi sống ở một chung cư, nhìn xuống dưới toàn là quán nhậu. Nhưng tôi vẫn thích ngồi quán rộng, có chỗ để xe đàng hoàng, phòng ốc lịch sự để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình, không gây phiền hà cho mọi người xung quanh”.
* Anh Huỳnh Đăng Sơn (ngụ Q.6, đã từng là chủ một quán nhậu): “Vấn đề mấu chốt là ở trách nhiệm của người chủ quán. Người ăn nhậu họ chỉ biết đến quán, bàn nào có vị trí đẹp, thoáng mát thoải mái thì người ta ngồi thôi. Nếu chủ quán là người có lương tâm, trách nhiệm và hiểu biết sẽ không bày bàn ghế, bảng hiệu tràn lan ra vỉa hè”. * Bà V.T.N.T. (Q.Phú Nhuận): “Trong các cuộc họp với tổ dân phố, với UBND phường tôi đều có góp ý nhưng tình trạng vẫn vậy, không có gì thay đổi. Tôi cứ hỏi liệu có tiêu cực gì ở đây không mà các quán chiếm lề đường mới tồn tại ngang nhiên như vậy?”. |