Một thế kỷ lưu giữ văn hoá Chăm
Đi qua một thế kỷ nhiều biến động, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn hiện diện đầy dấu ấn, nằm trong top bảo tàng hạng I cấp quốc gia và là nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật cổ của nền văn hoá Champa quá vãng.
Một thế kỷ lưu giữ văn hoá Chăm
Đi qua một thế kỷ nhiều biến động, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn hiện diện đầy dấu ấn, nằm trong top bảo tàng hạng I cấp quốc gia và là nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật cổ của nền văn hoá Champa quá vãng.
Cuối năm 1915, Bảo tàng Chăm chính thức được khởi công xây dựng theo đề xuất của Viện Viễn Đông bác cổ (Pháp) với mục đích tập kết, bảo quản, trưng bày, nghiên cứu các hiện vật liên quan đến văn hóa Champa. Bảo tàng được xây dựng trên chính mô típ kiến trúc Champa, đến năm 1919 thì chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Người có đóng góp lớn nhất cho sự ra đời của không gian văn hoá độc đáo này là nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier.
Những cổ vật quý
Lớp hiện vật đầu tiên có mặt tại bảo tàng hầu hết có niên đại từ thế kỷ (TK) 7 – 8, được khai quật ở các địa danh Nam Giáp, Hà Trung, Thạch An, Đa Nghi (Quảng Trị) và đưa về bảo tàng trong giai đoạn 1918 – 1935.
“Đến năm 1936, bảo tàng được xây mới với 3 gian trưng bày. Đặc biệt, ở lễ khánh thành phần mở rộng này có sự tham dự của vua Bảo Đại và ông René Robin, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Đến giai đoạn 1960 – 1975 mở rộng thêm 1 gian, và đến năm 2000, TP.Đà Nẵng đầu tư mở rộng thêm tòa nhà 2 tầng ngay phía sau gian chính”, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc bảo tàng cho biết.
100 năm qua, chính công cuộc khảo cổ đã mang lại giá trị, viết lại một cách tròn trịa câu chuyện của người Chăm cổ từ hơn 1.500 năm trước. Hơn 500 hiện vật trưng bày tại bảo tàng chính là thành quả của những cuộc khai quật liên tiếp và kéo dài trên dải đất miền Trung (từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận), từ đầu TK 20 đến tận ngày nay.
Tại không gian này, câu chuyện về một nền văn hóa, văn minh Champa được hình thành từ 8 mảng ghép, là những không gian trưng bày khác nhau, với những hiện vật được khai quật ở những vị trí khác nhau là Quảng Trị, Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm – Bình Định, hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực trưng bày mở rộng với gần 150 hiện vật giá trị, được khai quật từ sau 1975 đến nay.
Trong cả nghìn hiện vật giá trị hiện được lưu giữ tại bảo tàng thì có đến 3 bảo vật quốc gia đó là đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1 và tượng bồ tát Laksmindra Lokesvara.
Chiếm một diện tích trưng bày khá lớn tại gian Trà Kiệu là đài thờ Trà Kiệu có niên đại vào khoảng TK 7 – 10, chính thức được tìm thấy vào năm 1918 tại khu tháp chính, di tích kinh đô Trà Kiệu (xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên, Quảng Nam). Đài thờ được làm bằng đá sa thạch xanh xám và còn nguyên vẹn 3 phần, gồm đế thờ, thân thờ và vật thờ cúng. Bốn cạnh của đài được chạm nổi câu chuyện tình kinh điển trong bộ sử thi Ramayana (Ấn Độ) giữa chàng Rama và nàng Sita. Đài thờ được xem là kiệt tác được lưu giữ khá trọn vẹn của nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Tiếp đó là đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại từ TK 7 – 8, được phát hiện tại khu đền tháp Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam). Với nhiều khuôn hình chạm nổi tinh tế miêu tả sinh hoạt đời thường của các tu sĩ Bà La Môn, đài thờ E1 được xem là tác phẩm khởi thủy của nghệ thuật điêu khắc Chăm cổ gần 1.500 năm trước.
Cuối cùng là tượng bồ tát Laksmindra Lokesvara được những người thu mua phế liệu tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương (H.Thăng Bình, Quảng Nam) vào năm 1978. Tượng bằng đồng nguyên chất, nặng 120 kg, cao gần 1,2 m, thể hiện hoá thân của Bồ tát với gương mặt hiền từ. Khi được mang đi triển lãm ở Bảo tàng Guimet (Pháp) năm 2005, pho tượng quý hiếm vào loại bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á này đã được Guimet mua bảo hiểm lên đến 5 triệu USD.
Bức bối trong “chiếc áo chật”
Hiện vật được khai quật và lưu trữ, bảo quản ngày càng dày dặn, khiến “chiếc áo” Bảo tàng Chăm cũng dần trở nên chật chội, với cơ sở vật chất xuống cấp sau 100 năm hiện diện. Quan sát ở nhiều không gian trưng bày, dễ dàng thấy được nhiều mảng tường bong tróc, ẩm thấp với những vết nứt dài. Các khu chức năng phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của bảo tàng như kho, xưởng bảo quản, thư viện nghiên cứu… cũng trở nên quá tải, bộc lộ tính lạc hậu, tạm thời. Trong khi đó thì Bảo tàng Chăm hiện nằm trong top bảo tàng hạng nhất, mỗi năm thu hút hơn 200.000 lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, với hơn 90% trong số đó là du khách quốc tế.
Tại buổi toạ đàm khảo cổ học về Champa sau 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng, vừa được Bảo tàng Chăm Đà Nẵng tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm tuổi, vấn đề quá tải, cần phải nâng cấp của bảo tàng lại được đưa ra bàn luận. Tại đây, lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu để tiếp tục nâng cấp, hiện đại hoá bảo tàng Chăm, nâng chất lượng phục vụ du khách. Thống nhất phương án xây dựng cơ sở 2 của bảo tàng tại di tích Chăm Phong Lệ (H.Hoà Vang) trong giai đoạn 2015 – 2016.
UBND TP. Đà Nẵng thống nhất chủ trương đầu tư trùng tu, nâng cấp, sắp xếp lại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, với kinh phí lên đến gần 45 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách của TP. Với tiêu chí giữ nguyên hiện trạng khối nhà cổ được xây dựng từ năm 1915, dự án sẽ cải tạo mái và tường bị thấm dột, bong nứt của 2 khối nhà; bố trí lại không gian trưng bày nâng cấp, cải tạo không gian sân vườn cây xanh… và lắp đặt hệ thống an ninh bảo vệ các bảo vật quốc gia.
Dự án nâng cấp sẽ được triển khai từ tháng 11.2015, nhân kỷ niệm 100 năm Bảo tàng Điêu khắc Chăm (1915-2015) và Ngày Di sản văn hóa VN 23.11.
|
An Dy