“Thảm hoạ tài chính” do ung thư
Ngày 20-8, Viện y tế toàn cầu George công bố nghiên cứu khẳng định ung thư sẽ trở thành gánh nặng khổng lồ với xã hội và hệ thống y tế các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nếu không nhanh chóng hành động để thay đổi tình hình.
“Thảm hoạ tài chính” do ung thư
Ngày 20-8, Viện y tế toàn cầu George công bố nghiên cứu khẳng định ung thư sẽ trở thành gánh nặng khổng lồ với xã hội và hệ thống y tế các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nếu không nhanh chóng hành động để thay đổi tình hình.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại khoa xạ 3 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong tình trạng các giường đều quá tải, mỗi giường phải ghép 3-4 bệnh nhân (ảnh chụp ngày 20-8) – Ảnh: HỮU KHOA |
Trong cuộc họp báo tại Bali (Indonesia), giáo sư Mark Woodward, đại diện Viện George, cho biết nghiên cứu Chi phí ung thư ASEAN (ACTION) được thực hiện trên 9.513 bệnh nhân tại tám nước Đông Nam Á trong 12 tháng sau khi phát hiện bệnh ung thư.
Số bệnh nhân ở Việt Nam tham gia chiếm 20%, tương đương 1.916 người. Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% số bệnh nhân ở ASEAN rơi vào tình trạng “thảm hoạ tài chính” do phải chi quá nhiều tiền chữa ung thư.
Khoảng 29% qua đời ngay trong năm đầu tiên sau khi phát hiện bệnh. Phần lớn người có điều kiện tài chính tốt cũng gặp khó khăn kinh tế qua năm thứ hai và phải tiêu tốn hầu như toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Nirmala Bhoo-Pathy thuộc ĐH Malaya (Malaysia) ước tính trung bình một bệnh nhân ung thư vú ở Đông Nam Á phải chi tới 15.000 USD/năm (gần 340 triệu đồng) để điều trị. Với GDP bình quân Đông Nam Á năm 2014 khoảng 3.553 USD (khoảng 79 triệu đồng), nhiều người bệnh rơi vào cảnh nghèo đói.
Kiệt quệ tiền bạc
Giáo sư Hasbullah Thabrany thuộc ĐH Indonesia cho biết chi phí điều trị tuỳ thuộc vào từng căn bệnh ung thư. Có những bệnh nhân tham gia nghiên cứu ACTION phải tiêu tốn tới 80.000 USD/năm, gấp hàng trăm lần mức lương tối thiểu ở Đông Nam Á.
“Đại đa số người dân bình thường tại Đông Nam Á nếu mắc bệnh ung thư sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính không có lối thoát – giáo sư Thabrany nhấn mạnh – Nếu bệnh nhân phát hiện ung thư muộn, như ở giai đoạn 3 và 4, thì nguy cơ chết tăng gấp năm lần và khả năng rơi vào thảm hoạ tài chính cao hơn 50%”.
Một số bệnh nhân Đông Nam Á có mặt tại Bali kể lại câu chuyện của mình. Bà Aung – 52 tuổi, người Myanmar, bị ung thư vú cách đây hai năm – kể bà phải vay mượn tiền của người thân, hàng xóm… để chữa bệnh. Không đủ sức khoẻ, bà bị mất việc. Em trai bà, một trong những người hỗ trợ bà hết mình, cũng qua đời vì ung thư gan.
Viện George cảnh báo ung thư có thể trở thành đại dịch đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ước tính có hơn 770.000 ca ung thư mới và 527.000 người thiệt mạng tại Đông Nam Á vào năm 2012. Số ca nhiễm mới dự kiến tăng 70% lên 1,3 triệu vào năm 2030.
Riêng ở Việt Nam, báo cáo Ung thư toàn cầu của Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho biết năm 2012 có hơn 12.500 ca nhiễm ung thư mới và gần 95.000 người thiệt mạng. Viện George cho rằng chính phủ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, phải hành động khẩn cấp để bảo vệ người dân trước nguy cơ thảm hoạ tài chính từ ung thư.
Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế dự báo số ca ung thư mới và thiệt mạng tại Việt Nam
Năm |
2015 |
2020 |
2030 |
Ca mới |
~ 14.000 |
> 16.000 |
> 20.000 |
Số chết |
10.600 |
12.500 |
16.700 |
Phải ưu tiên y tế hàng đầu
“Nếu nhìn vào số liệu, chúng ta có thể thấy chi phí chữa các bệnh không truyền nhiễm như ung thư đang trở thành nguồn gốc gây đói nghèo ở Đông Nam Á. Điều đó ảnh hưởng đến sức khoẻ của nền kinh tế các quốc gia” – giáo sư Woodward phân tích.
Ông cho rằng hiện các nước khu vực chưa xác định được ung thư không chỉ đe doạ các hộ gia đình mà cả xã hội và nền kinh tế. Báo cáo của IARC ước tính năm 2012, số bệnh nhân ung thư toàn cầu thiệt mạng lên đến 8,2 triệu người, đưa ung thư trở thành sát thủ số 1 thế giới.
Các chuyên gia tham gia nghiên cứu ACTION kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á lập tức mở rộng bảo vệ tài chính cho bệnh nhân ung thư thông qua những chương trình bảo hiểm y tế xã hội và chăm sóc y tế.
Giáo sư Bhoo-Pathy kêu gọi các nước khu vực triển khai chương trình tầm soát ung thư sớm càng nhiều người dân càng tốt. Bởi đây là biện pháp hiệu quả nhất để giảm chi phí điều trị và tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân.
“Nghiên cứu ACTION cho thấy gần 88% bệnh nhân khi phát hiện ung thư thì bệnh đã chuyển từ giai đoạn 2 sang 3 và 4. Chỉ vỏn vẹn 12% bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn 1. Phát hiện ung thư sớm sẽ giảm chi phí cho cá nhân, hộ gia đình và chính phủ, qua đó hỗ trợ sự phát triển kinh tế” – giáo sư Bhoo-Pathy quả quyết. Giáo sư Thabrany nhấn mạnh ung thư không phải án tử hình, quan trọng nhất là phát hiện sớm.
Ung thư không phải “trời kêu ai nấy dạ” Giáo sư Thabrany cho rằng mọi người thường có quan niệm rất sai lầm rằng ung thư là bệnh “trời kêu ai nấy dạ”. “Đó là tư tưởng hoàn toàn sai, bệnh ung thư chủ yếu xuất phát từ lối sống – ông giải thích – Như tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi đang gia tăng chủ yếu do 60% nam giới ở Đông Nam Á hút thuốc”. Giáo sư Thabrany cho biết việc người dân Đông Nam Á hiện nay tiêu thụ quá nhiều chất béo cũng làm tăng nguy cơ ung thư. “Ung thư không phải do số, nếu sống lành mạnh, vệ sinh, bạn có thể tự bảo vệ mình trước căn bệnh này” – giáo sư Thabrany nói. |