28/11/2024

Chúa Nhật XIX TN B – 2015: Vượt qua dấu hiệu bên ngoài để gặp được Đức Giêsu Kitô

Đức Giêsu Kitô chính là tấm bánh hằng sống mà chúng ta có thể đón nhận để được chia sẻ sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa. Muốn thế chúng ta phải vượt qua dấu hiệu bên ngoài để gặp được Người.

 

Vượt qua dấu hiệu bên ngoài để gặp được Đức Giêsu Kitô

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Giáo Hội mời gọi chúng ta tiếp tục suy nghĩ về phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu để khám phá ra Người chính là tấm bánh hằng sống mà chúng ta có thể đón nhận để chia sẻ được sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa. Muốn thế chúng ta phải vượt qua dấu hiệu bên ngoài để gặp được Đức Giêsu Kitô.

1. Sự sống toàn diện

Chúng ta đều biết con người chúng ta có hai phần thể xác và tâm linh. Thể xác cần lương thực ăn để sống giống như tiên tri Elia trong bài đọc I hôm nay (1V 19,4-8) đã ăn tấm bánh Chúa ban cho ông đỡ đói lòng một vài buổi. Người Do Thái cũmg đã ăn tấm bánh của Chúa Giêsu và họ cũng có thể no lòng một vài ngày.

Ngoài tấm bánh cho sự sống tự nhiên, chúng ta còn có phần tinh thần và cần phải nhận được lương thực cho sự sống siêu nhiên. Sự sống tinh thần chỉ phát triển được nếu chúng ta hiểu rằng tinh thần cần có những lương thực tốt. Lương thực đó là hạnh phúc, độc lập, tự do mà chúng ta vẫn thường thấy kêu gọi; là tình yêu, là sự thật, là những giá trị tốt đẹp của chân thiện mỹ mà bao nhiêu nhà khoa học, nhà xã hội đang miệt mài tìm tòi, nghiên cứu hoặc tranh đấu cho chúng.Nếu chúng ta đón nhận được lương thực tinh thần ấy, chúng ta mới phát triển con người trọn vẹn của mình thành con người tốt đẹp, đúng đắn; mới cảm nghiệm được hạnh phúc, niềm vui và những gì cao quý xứng với nhân phẩm của con người.

Nhưng trong xã hội hôm nay, người ta đang cung cấp cho chúng ta những lương thực tinh thần không an toàn, thậm chí độc hại, qua những tin tức lừa lọc, sách báo nhảm nhí, phim ảnh đồi truỵ, ma quái, bạo lực… Chúng ta đón nhận chúng một cách vô tình, nhưng cũng không thiếu những lúc cố ý, giống như người tự huỷ hoại cơ thể bằng rượu bia, ma tuý, thuốc độc… làm cho tinh thần mình bị suy nhược, bệnh tật và có thể dẫn đến cái chết.

Kết hợp con người gồm thể xác và tinh thần, chúng ta được mời gọi để phàt triển sức khoẻ toàn diện, sự sống toàn diện mà ít người chúng ta để ý tới. Sự sống toàn diện được phát triển trong 4 lĩnh vực mà chúng tôi muốn nhắc lại, đó là: thể xác và tinh thần, cá nhân và tập thể, nội tâm và ngoại giới, tự nhiên và siêu nhiên. Sự sống trong 4 lĩnh vực ấy nếu được thể hiện qua 4 mối tương quan thì chúng ta mới cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa.

Bốn mối tương quan đó là: với Thiên Chúa như một người con thảo hiếu; với người khác như những người con trong một đại gia đình; với vạn vật như anh chị lớn đối với đàn em nhỏ, với chính mình trong tinh thần tự chủ để biết dùng thời giờ và những phương tiện Chúa ban mà phát huy trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa.

2. Vượt qua dấu hiệu bên ngoài

Hình như chúng ta ít quan tâm đến sự sống toàn diện đó nên hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ta hãy đến với Người để khám phá rằng ngoài thực tại tự nhiên còn có thực tại siêu nhiên mà ta phải cảm nhận bằng lòng tin và tình yêu.

Elia ăn tấm bánh tự nhiên nhưng cảm nhận một thực tại siêu nhiên để không phải bớt đói một buổi, một ngày mà bánh siêu nhiên này giúp ông đi được 40 ngày trong sa mạc và đến được với Thiên Chúa ở núi Khoreb. Chúa Giêsu hôm nay cũng nhắc cho người Do Thái và chúng ta nhìn vào phép lạ hoá bánh ra nhiều để khám phá ra “tấm bánh hằng sống từ trời xuống”.

Người chính là tấm bánh hằng sống mà Cha Trên Trời gửi đến cho con người để khi họ đón nhận Người với lòng tin và tình yêu họ sẽ được Người chuyển thông cho họ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng của Thiên Chúa. Họ sẽ cảm nghiệm được rằng họ là con cái của Thiên Chúa và sống như Thiên Chúa để có thể đổi mới mọi tương quan trong 4 lĩnh vực của đời sống.

Đối với vạn vật, họ có thể nói với bánh cá rằng hãy hoá nhiều lên, nói với gió biển rằng hãy im đi, lặng đi như một người huynh trưởng nói với những đứa em nhỏ của mình nếu họ thực lòng hiểu biết và yêu mến vũ trụ quanh mình. Đối với người khác, họ sẽ đối xử như anh chị em ruột thịt mà thánh Phaolô nhắc nhở trong bài đọc II (x. Eph 4,30-5,2) hôm nay: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn,… Trái lại phải đối xử tốt với nhau, hãy có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Giêsu Kitô. Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa vì anh em là con cái được Ngài yêu thương” .

Đối với Thiên Chúa, khi chúng ta đón nhận tấm bánh Giêsu và chuyển hoá được sự sống của Thiên Chúa vào mình, là chúng ta được chuyển thông sức mạnh, tình yêu, quyền năng vô tận và diễn tả thành những hành động cứu độ như Chúa Giêsu: chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho người chết sống lại, làm cho người tội lỗi được tha thứ và mang lại ơn cứu độ cho muôn loài. Đó là sự sống kỳ diệu, phi thường, toàn diện Chúa ban.

3. Để đến được với Chúa Giêsu

Tuy nhiên, có thể nói rằng trong suốt dòng lịch sử 20 thế kỷ của Giáo Hội Công giáo, người ta đã tin vào bí tích Thánh Thể, đã đến đón nhận bánh và rượu đã được biến đổi thành thịt và máu thánh Chúa. Nhưng hình như nhiều người chúng ta mới chỉ dừng lại ở Mình Máu Thánh Chúa, dừng lại ở những dấu hiệu của bí tích! Chúng ta chưa đi xa hơn để thấy rằng, qua Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta còn phải gặp được một con người sống động đang hiện diện giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Giống như người Do Thái không chỉ dừng lại ở sự kiện lạ lùng với vài cái bánh và con cá nhỏ mà nuôi tới vài ngàn người, nhưng họ phải khám phá ra Đức Giêsu là người Con được Chúa Cha sai đến để chuyển thông sự sống đời đời. Họ phải gặp gỡ để tin và yêu Chúa Giêsu, nhận ra Người không phải là “con của ông Giuse” bình thường mà là Con Thiên Chúa.

Trong năm Tân Phúc Âm hoá, nhiều người chúng ta hình như cũng chỉ dừng lại ý nghĩa của Phúc Âm như một cuốn sách chứa đựng Lời Chúa,  chứ không đi xa hơn để thấy rằng lời sống động của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu Kitô, đang ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Khi chúng ta đón nhận Người với tất cả tình yêu và sự hiểu biết thì chúng ta sẽ thở hít được Thần Khí của Người và lời của chúng ta biến thành lời kỳ diệu phi thường vì chúng ta trở thành một với Ngôi Lời của Thiên Chúa. Lúc bấy giờ chúng ta mới cảm nghiệm được sức mạnh kỳ diệu của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em một cảm nghiệm mới trải qua. Cách đây 3 tuần, khi tôi còn ở Florida, Hoa Kỳ, ngày thứ Bảy, 18/7/2015, có một người thuỷ thủ đau cột sống do vác một khúc gỗ rất nặng khiến anh đau nhức ở lưng, tê tay và chân. Anh đã đến nhiều bác sĩ khám và chữa nhưng không khỏi bệnh. Khi biết tôi ở Florida, qua tin nhắn của một người bạn, anh đã cố gắng lái xe đi suốt 1.200km từ Texas đến gặp tôi. Thấy lòng tin của anh, tôi nói: “Anh hãy tin vào Chúa Giêsu!”. Tôi cố gắng nắn bóp và cầu nguyện cho anh. Sau 1 giờ anh đứng dậy nói: “Thưa cha, bây giờ con khoẻ lắm rồi, Chúa đã chữa lành cho con!” Rồi anh vui vẻ lái xe trở về Texas. Cũng chiều hôm đó chúng tôi họp nhau cầu nguyện. Hai người trong nhóm cảm nghiệm rằng có một tinh thần nào đó làm cho họ mất bình an, luôn căng thẳng và mệt mỏi. Tôi giúp họ xưng tội, rồi làm phép xức dầu bệnh nhân và xức dầu trừ tà cho khoảng 20 người trong nhà. Khi vừa chạm tay lên trán để xức dầu thánh cho họ, hai người đó đã ngã xuống bất động trong vòng 5-10 phút. Khi tỉnh dậy họ nói: “Bây giờ chúng con cảm thấy hết sức khoẻ khoắn và bình an”.

Lời kết

Có lẽ chúng ta không cần cảm nghiệm như vậy để thấy được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa ở trong con người yếu đuối tầm thường của mình. Nhưng nếu ta tin cậy và yêu mến đón nhận Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa sẽ cho ta có dịp gặp gỡ Người và cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người. Điều cần thiết là ta cần phải vượt qua dấu hiệu của bánh và rượu, vượt qua cả dấu hiệu Mình và Máu để gặp được Ngôi Lời sống động là Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình.