Chất cấm trong thịt heo tăng báo động
Kết quả thanh tra của Chi cục Thú y TP.HCM tại tám cơ sở giết mổ ở TP.HCM cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm và hàm lượng chất cấm trong heo ngày càng báo động.
Chất cấm trong thịt heo tăng báo động
Kết quả thanh tra của Chi cục Thú y TP.HCM tại tám cơ sở giết mổ ở TP.HCM cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm và hàm lượng chất cấm trong heo ngày càng báo động.
Đoàn thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tồn dư chất cấm (chất tạo nạc, tăng trọng) tại cơ sở giết mổ An Hạ (Củ Chi). Kết quả xét nghiệm lô heo ở cơ sở này dương tính với chất cấm – Ảnh: Chi cục Thú y TP.HCM cung cấp |
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, kế hoạch thanh tra việc sử dụng chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng cho heo) tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM (thuộc Q.8, Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn) được thực hiện từ đầu tháng 6-2015.
Đoàn kiểm tra đã lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn heo của tám tỉnh có lượng heo lớn nhập vào TP.HCM là Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng và heo ở TP.HCM để xét nghiệm.
Kết quả, lượng heo sử dụng chất cấm có nguồn gốc nhiều nhất từ Đồng Nai, đứng sau là Long An, Tiền Giang.
Hàm lượng chất cấm tăng gấp đôi
Theo đánh giá của ông Khương Trần Phúc Nguyên – trưởng phòng thanh tra chuyên ngành thú y của Chi cục Thú y TP.HCM, việc sử dụng chất cấm ở các hộ, trang trại chăn nuôi vẫn chưa được kiểm soát và có xu hướng tăng nhiều mặt như số cơ sở, số tỉnh, hàm lượng chất cấm.
Theo đó, đợt thanh tra lấy tổng số 222 mẫu nước tiểu trên 51 lô heo tại 8 cơ sở giết mổ, kết quả có 31 mẫu dương tính chất cấm. Trong đó, lượng heo xuất phát từ Đồng Nai chiếm lượng tồn dư chất cấm “áp đảo” với 20/31 mẫu, Long An 3/31 mẫu, Tiền Giang 8/31 mẫu.
Ngoài ra, trong tám cơ sở bị kiểm tra, đoàn phát hiện năm cơ sở có các lô heo dương tính với tồn dư chất cấm gồm cơ sở giết mổ Nam Phong (Q.Bình Thạnh), cơ sở giết mổ Bình Tân (Q.Bình Tân), cơ sở giết mổ An Hạ (H.Củ Chi), cơ sở giết mổ trạm 4 (Q.8) và cơ sở giết mổ Phước Kiển (H.Nhà Bè), tăng hai cơ sở so với năm 2014.
Trong đó, cơ sở giết mổ Bình Tân tái phạm lần thứ 2.
Đáng chú ý là kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đưa về cơ sở giết mổ khá cao, dao động từ 34,4 – 1.391ppb (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định thì từ 2ppb trở lên đã là dương tính).
Trong đó, nguồn gốc heo xuất phát từ Đồng Nai có hàm lượng chất cấm cao nhất là 1.391ppb, kế đến là Long An với 969ppb và Tiền Giang là 547ppb.
“Hàm lượng trên có nghĩa là trong cơ thể mỗi con gia súc năm 2014 trung bình chỉ 227ppb nhưng đến năm 2015 hàm lượng này đã tăng lên trên gấp đôi 526ppb, tức là tình trạng đưa chất cấm vào cơ thể gia súc ngày càng báo động.
Kết quả trên cũng cho thấy việc sử dụng chất cấm của các hộ, trại chăn nuôi heo ở các tỉnh rất cao, người nuôi vẫn còn thiếu hiểu biết hoặc cố tình thiếu hiểu biết đối với tác hại nguy hiểm của loại chất cấm beta-agonist.
Ngoài ra một số thương lái, người chăn nuôi còn hám lợi khi sử dụng chất cấm để kích thích gia súc tăng trưởng, tăng nạc cho heo bất chấp sức khoẻ của người tiêu dùng” – một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM phân tích.
Đồ hoạ: Tấn Đạt |
Xử lý cơ sở giết mổ và trang trại
Kết quả thanh tra chỉ ra rằng trong năm cơ sở giết mổ có heo dương tính với tồn dư chất cấm thì có đến ba cơ sở có nguồn heo xuất phát từ Đồng Nai, gồm các cơ sở Nam Phong, An Hạ và trạm 4.
Qua thanh tra cho thấy có một lô heo xuất phát từ Công ty Anco (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) được Chi cục Thú y Đồng Nai cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngày 9-6 chuyển về cơ sở An Hạ (Củ Chi) giết mổ.
Lô heo khác xuất phát từ trại Nguyễn Đức Thịnh (H.Trảng Bom, Đồng Nai) cũng được Chi cục Thú y Đồng Nai cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngày 2-6 về lò mổ trạm 4 (Q.8).
Đặc biệt, trong số các lô heo dương tính chất cấm này có hai lô heo xuất phát từ trạm trung chuyển của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Biên Hoà, Đồng Nai) về cơ sở giết mổ Nam Phong (Q.Bình Thạnh), giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Thú y Đồng Nai cấp ngày 2-6.
Trong quá trình lưu trữ, ba con heo (trong lô 79 con) tại lò mổ Nam Phong bị chết có nguồn gốc xuất xứ từ trạm trung chuyển heo của Công ty CP nên Trạm thú y Bình Thạnh đã tiêu hủy.
Theo một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM, thường khi có kết quả dương tính với chất cấm, các chủ cơ sở đổ lỗi cho người chăn nuôi, không biết heo sử dụng chất cấm. Có một số mẫu phải xét nghiệm lại lần 2.
Từ các sai phạm, đoàn kiểm tra đề xuất lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính bảy trường hợp với tổng số tiền hơn 87 triệu đồng.
Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở chăn nuôi, giết mổ lưu trữ lô heo có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm để các trạm thú y quận, huyện lấy mẫu xét nghiệm cho đến khi ra kết quả âm tính mới được giết mổ.
Chi cục Thú y TP.HCM cũng gửi công văn đến chi cục thú y ba tỉnh Đồng Nai, Long An và Tiền Giang đề nghị phối hợp xác minh truy xuất nguồn gốc heo dương tính với chất cấm nhập vào TP.HCM, có biện pháp kiểm soát, xử lý.
Đây cũng là cơ sở để Chi cục Thú y Đồng Nai vào cuộc xử lý đối với các trang trại sử dụng chất tạo nạc, tăng trọng trong chăn nuôi vừa qua mà Tuổi Trẻ đã thông tin.
Beta-agonist là chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi Theo một cán bộ thú y, chất tăng trọng, tạo nạc là một hợp chất hoá học thuộc họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Trong những chất kể trên thì salbutamol, clenbuterol và ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hoá chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Việc sử dụng các loại chất này tồn dư trong thịt sẽ gây ra hội chứng ngộ độc gồm các triệu chứng như: run cơ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, căng thẳng, đau đầu, đau cơ, choáng váng, buồn nôn, ói, sốt và ớn lạnh. |
Bêu tên hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, từ công văn đề nghị phối hợp xác minh, xử lý của Chi cục Thú y TP.HCM, đến thời điểm này đã có chi cục thú y hai tỉnh Long An và Tiền Giang trả lời phúc đáp kết quả xử lý. Theo đó, Chi cục Thú y Long An cho biết lô heo 26 con được phát hiện dương tính với chất cấm tại lò giết mổ Phước Kiển (Nhà Bè) là của bà Nguyễn Thị Như Hiền (xã Vĩnh Ngãi, TP Tân An, Long An). Thương lái thu mua cho bà Hiền là ông Võ Văn Lộc thu gom từ trại tại xã Phú Khiết (H.Chợ Gạo, Tiền Giang), ông Lộc cho hay không biết lô heo trên sử dụng chất cấm. Chi cục Thú y Tiền Giang cho biết hai lô heo phát hiện dương tính với chất cấm tại hai cơ sở giết mổ Phước Kiển (Nhà Bè) và cơ sở giết mổ Bình Tân (Q.Bình Tân) đều xuất phát từ hộ chăn nuôi tại hai xã Xuân Đông và An Thạnh (H.Chợ Gạo). Chi cục Thú y Tiền Giang đã trực tiếp làm việc, yêu cầu hai hộ chăn nuôi trên cam kết không sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta-agonist và các hoá chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức tập huấn tuyên truyền tác hại, vận động người dân không sử dụng chất cấm. Đối với những hộ bị cơ quan phát hiện heo dương tính với chất cấm sẽ bị thông báo “bêu” nội dung vi phạm đến bà con trong vùng biết để cảnh giác. |