Biên giới tây nam tháng 7…
Vào dịp tháng 7, thượng tá Trần Văn Hưng, chính trị viên Đồn biên phòng Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, H.Giang Thành, Kiên Giang) ngày nào cũng kiếm một bó sen hồng, đặt trước bia ghi danh 50 lính biên phòng Phú Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới tây nam…
Biên giới tây nam tháng 7…
Vào dịp tháng 7, thượng tá Trần Văn Hưng, chính trị viên Đồn biên phòng Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, H.Giang Thành, Kiên Giang) ngày nào cũng kiếm một bó sen hồng, đặt trước bia ghi danh 50 lính biên phòng Phú Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới tây nam…
Tượng đài Phú Mỹ
Bà Danh Thị Nho (58 tuổi), bán hàng cà phê – ăn sáng trong quán lá sát trụ sở UBND xã Phú Mỹ, ngay sau khu bia ghi danh 50 lính biên phòng (BP). Bao năm qua, cứ chiều tối là bà sang thắp hương và ngồi lặng trên bậc thềm trước lư hương, nhìn qua dòng kênh quốc phòng sang bên kia sông Giang Thành, nhớ lại ký ức về những người lính BP 38 năm về trước, từ miền Bắc vào Phú Mỹ dựng doanh trại, bảo vệ đất Kiên Giang. “Cuối năm 1976, Đồn BP được dựng ở ấp Trà Phô với gần 40 anh em, chủ yếu là người miền Bắc và hầu hết rất trẻ, chưa vợ con!”, bà Nho kể bằng tiếng Khmer, qua lời dịch của thiếu uý Chau Cuốn: “Nhớ nhất là anh Tần quân y, vì anh chuyên khám bệnh, cho thuốc dân trong ấp và rất hay lân la tìm hiểu đời sống, phong tục của đồng bào”.
Thượng tá Trần Văn Hưng, chính trị viên Đồn BP Phú Mỹ, kể đồn chính thức thành lập từ cuối tháng 11.1976, ngay sau đó phải đối mặt tình hình căng thẳng trên biên giới tây nam, đánh trả quân Polpot trên các tuyến biên giới. Ngày 18.12.1977 đã có 3 cán bộ chiến sĩ (CBCS) của đồn hy sinh. Ác liệt nhất là trận đánh kéo dài từ ngày đầu tháng 5.1978, nhiều tiểu đoàn Polpot chia các hướng bao vây, tập trung đánh vào chốt của đồn đang bảo vệ các ấp Rạch Cát, Mương Khai, Trà Phô, Trà Phọt, Giồng Kè. Do trang bị thiếu thốn, bị bao vây cô lập nên Ban chỉ huy đồn quyết định thành lập đội Cảm tử, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tất cả CBCS xung phong cảm tử. Sáng sớm 16.5, lính Polpot được chi viện thêm 4 tiểu đoàn, điên cuồng tấn công vào trận địa của đồn. 12 giờ trưa 16.5.1978, khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, toàn bộ CBCS nhất tề theo khẩu lệnh của đại uý Đồn trưởng Nguyễn Minh Phương, giương lê xung phong đánh giáp lá cà ngăn bước tiến của quân Polpot và cùng hy sinh tại trận địa.
Chấm nước mắt, bà Danh Thị Nho nghẹn ngào: “Lính Polpot ác lắm. Chúng hành hạ thi hài, chất đống anh em ở sân đồn cả tuần, mãi sau này lực lượng phía sau đánh lên mới lấy được anh em. Tôi trong trung đội du kích mang anh em đi chôn, không nhận nổi mặt!”. Bà bảo, mở hàng cà phê sau bia ghi danh liệt sĩ, ngoài sự quan tâm của chính quyền xã, còn là để chờ thân nhân anh em từ bắc vào tìm hài cốt, đưa qua nghĩa trang tìm kiếm. Trong 3 năm chiến tranh biên giới tây nam, 50 người lính đồn Phú Mỹ đã ngã xuống, chủ yếu là quê Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh…
Nước mắt Tịnh Biên
Ở ấp Phú Hòa (An Phú, Tịnh Biên, An Giang), bà Lê Thị Bánh năm nay 81 tuổi vẫn được gọi là “Chủ tịch Hội Mẹ chiến sĩ”. Từ TP.Châu Đốc, tôi đi xe ôm gần 30 km lên gặp bà, nhưng chỉ gặp cô con gái út Huỳnh Thị Bạ (49 tuổi) bên thùng đá bán nước thốt nốt ngọt mát ven QL91. Bà Bạ nói: “Má vào rẫy rồi. Quay lại chỗ mấy chú hy sinh hồi đó, thắp nhang”.
Đêm 30.4.1977, khi cả nước kỷ niệm 2 năm ngày thống nhất đất nước thì ở biên giới tây nam quân Polpot đồng loạt tấn công vào các đồn, trạm, tổ công tác BP tỉnh An Giang, khắp 13/13 xã biên giới từ Phú Châu đến Bảy Núi, Vĩnh Xương đến Vĩnh Gia. Ngay trận đầu đánh trả quân xâm lược, các CBCS BP đã chiến đấu ngoan cường, nhiều người hy sinh: chốt Mương Hội Đồng của Đồn Bắc Đai – An Giang tất cả 8 CBCS hy sinh; chốt lộ 20 đi Tà Keo của Đồn BP Tịnh Biên cả chốt 10 chiến sĩ hy sinh… Tối hôm sau, khi bị đánh bật ra khỏi biên giới, lính Polpot lại chuyển hướng tấn công sang các đồn Vĩnh Gia, Lạc Quới (An Giang), Vĩnh Điều (Kiên Giang) gây rất nhiều thương vong cho BP.
Đại tá Chung Kỳ Tập, nguyên Đồn trưởng BP Tịnh Biên (An Giang), còn nhớ như in đêm 30.4.1977 khi ông là trung đội trưởng vũ trang của đồn lên tiếp viện giải vây cho tổ công tác bị địch tấn công: “Một binh nhất người Hồng Dân, Minh Hải vốn to con nên bị chúng hành hạ thi hài, phía sau lưng vẫn ngập nửa cán rìu, gỡ mãi mới ra. Hạ sĩ Nguyễn An Phú, quê An Biên, Kiên Giang khi gục ngã vẫn ôm cứng khẩu B41, địch gỡ ra định cướp không nổi. Bộ đội và du kích phải dùng nước ấm xoa hàng tiếng đồng hồ mới kéo được súng ra!”. Nhắc chuyện đồng đội, người lính già không ngăn được nước mắt: “Trong 19 liệt sĩ của đồn hy sinh, một số anh em vẫn chưa tìm thấy thi hài. Riêng số bị thương những năm đánh Polpot thì không đếm nổi!”.
Khi quân Polpot tràn vào Tịnh Biên, bà Huỳnh Thị Bạ (Tân Phú, Tịnh Biên, An Giang) mới 12 tuổi, theo mẹ ra Trạm xá thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên) tiếp tế thức ăn cho anh em bộ đội BP bị thương. “Số bị thương đều trẻ măng, băng bó đầy người và nói giọng bắc. Nhìn các anh, nước mắt ai cũng chảy tràn vì thương anh em ở mãi đâu đâu, vào đánh giặc bảo vệ bà con mình!”, bà Bạ thật thà kể lại: “Nhà tôi hồi ấy có 8 anh chị em, cũng đói lắm. Thấy má tôi làm bánh xèo, bánh khọt mang ra trạm xá cho bộ đội, đứa nào cũng đòi ăn. Má cho mỗi đứa một cái và khóc bảo: Các con thì sau này lớn lên ăn cũng được, nhưng các chú bộ đội đánh giặc nay sống mai chết thì chỉ được ăn 1 – 2 lần. Nghe vậy, tất cả anh chị em đều tự động lui ra, để dành bánh cho các chú…”.
Sen hồng nở nơi các anh ngã xuống
Tôi đi dọc biên giới tây nam, qua Đồn BP Giang Thành (Kiên Giang) nằm sát ngã ba sông, bước vài bước chân là sang nước bạn Campuchia, đúng lúc trung tá Lê Văn Na, chính trị viên đồn đang đăm chiêu trước bức điện của Bộ Chỉ huy Bộ đội BP tỉnh gửi xuống, yêu cầu xác minh – tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của đồn đã hy sinh 38 năm trước. Đó là liệt sĩ Lê Ngọc Tỵ (sinh 1953, ở Xuân Sơn, Đô Lương, Nghệ An), nhập ngũ ngày 25.5.1972 và hy sinh ngày 14.6.1977, mai táng tại xã Tân Khánh Hoà, Giang Thành. “Chỗ này dân gọi là Vườn Xoài, tìm mãi rồi có thấy gì đâu”, giọng trung tá Na trầm xuống: “Chiến tranh qua gần 40 năm rồi, nhưng các đồn vẫn đón tiếp các thân nhân liệt sĩ đến tìm thi hài, khắp ngoài bắc – trong nam”.
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội BP, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam, hàng nghìn CBCS BP đã ngã xuống, trong đó nhiều nhất là An Giang 111 người, Kiên Giang 90 người, Đồng Tháp 26… Đại tá Chung Kỳ Tập kể: “Hồi ấy địch đánh bất ngờ, ta lại đang khó khăn sau chiến tranh nên nhìn anh em chiến đấu mà thương. Ví như Đồn Hoa Lư, Sông Bé (nay là Bình Phước) chiến đấu đơn độc; Đồn Long Khốt (Long An) ròng rã đánh trả 2 trung đoàn địch suốt 2 tháng trời. Nhưng dù khó khăn, thiếu thốn thậm chí đơn độc, không một ai nao núng lùi bước, rút về phía sau”.
Dọc biên giới tây nam những ngày cuối tháng 7, từ Xà Xía sang Phú Mỹ, Giang Thành, Vĩnh Gia, Tịnh Biên lên tới Bắc Đai, đến Đồn BP nào tôi cũng gặp những ao sen lá cháy táp rồi nhưng hoa hồng đỏ vẫn vươn cao. Hỏi, cả bộ đội và người dân đều bảo: Những chỗ sen còn mọc, đều là những nơi ngày xưa anh em chiến đấu – hy sinh, chỉ qua 27.7 sen mới chịu ngưng cao đầu bất khuất, hoà vào sông ngòi kênh rạch, như những người lính BP không lùi bước khi chiến đấu giữ vững từng tấc đất Tổ quốc…
Mời linh hồn Bộ đội VN cùng vào mâm
Trong chuyến công tác biên giới tây nam, tôi cùng chỉ huy Đồn BP cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) sang làm việc với Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Lục Sơn (Công an tỉnh Kampot, Campuchia). Kết thúc làm việc, bạn tha thiết mời ở lại dự bữa cơm trưa cùng CBCS trong bếp ăn mái lá đơn sơ. Trước khi ăn, đại uý Pen Dươn, Đồn trưởng cùng mấy CBCS nhắm mắt, lầm rầm mấy câu tiếng Khmer và cùng đổ chút bia xuống nền đất. Hỏi ra mới biết: Khu vực Xà Xía, Hà Tiên trong chiến tranh biên giới có rất nhiều bộ đội VN hy sinh khi bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, nên người dân và lực lượng vũ trang bạn đã hình thành phong tục “trước khi ăn uống, mời linh hồn bộ đội cùng vào mâm”. Hằng năm, người dân ở đây còn cúng riêng các liệt sĩ VN.
|
Mai Thanh Hải