28/11/2024

Nhiều bạn trẻ mê sân chơi “ngoại nhập”

Những tấm ván trượt, các thanh kiếm gỗ… một thời xa lạ với người Việt nay xuất hiện trên đường phố hoặc trong những phòng tập thể thao, theo chân một số bạn trẻ VN trong trào lưu say mê các môn thể thao du nhập từ nước ngoài.

 

Nhiều bạn trẻ mê sân chơi “ngoại nhập”

 

Những tấm ván trượt, các thanh kiếm gỗ… một thời xa lạ với người Việt nay xuất hiện trên đường phố hoặc trong những phòng tập thể thao, theo chân một số bạn trẻ VN trong trào lưu say mê các môn thể thao du nhập từ nước ngoài.


Vào các buổi chiều tại khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), nếu không cẩn thận mọi người sẽ dễ dàng bị… đâm sầm bởi một cô cậu trẻ tuổi nào đó đi ván trượt bất thình lình “mất lái”.

Sôi động trên đường phố

Dễ dàng thấy sự “chiếm ngự” của môn thể thao có tên gốc là “skateboard” (trượt ván) tại trung tâm Sài Gòn. Cứ bắt đầu khoảng 5-6g chiều, nơi đây lại có hàng chục bạn trẻ tập luyện trượt ván. Dù đa số đều là học sinh còn nhỏ tuổi nhưng họ cũng có hội hẳn hoi, với cái tên rất “chuyên nghiệp”: Cruiser Team.

Nguyễn Phạm Ngọc Mai – học sinh lớp 11, hiện là trưởng nhóm của hội – cho biết cách đây vài hôm hội vừa tổ chức kỷ niệm 100 ngày… thành lập. Hỏi Mai vì sao lại lập hội trượt ván thì chúng tôi nhận được câu trả lời khá hài hước: “Bọn em tập trượt ván để có phương tiện đi lại chứ tụi em đâu có tiền mua xe”. Quả thật, đi bằng tấm ván trượt nhanh hơn hẳn đi bộ. Tuy nhiên, khuyết điểm nằm ở chỗ: đường sá VN khác hẳn đường sá ở nhiều nước khi luôn đông đúc, gập ghềnh và lề đường dành cho người đi bộ rất hẹp. Nhưng với phong cách sôi động của giới trẻ thì điều này cũng không hề gì.

“Bọn em chỉ dùng ván trượt khi đi chơi nên cơ động lắm. Những nơi có lề đường bằng phẳng, vắng vẻ như ở quận 1 hay trong công viên thì đi ván trượt, đến những nơi nào khó đi thì lấy ván lên đi bộ. Tấm ván trượt rất nhẹ nên mang vác không hề gì”- Nguyễn Mỹ Phi Anh, một học sinh lớp 9, chia sẻ.

Nhưng để sử dụng ván trượt như một phương tiện đi lại quen thuộc không hề là điều dễ dàng. Nếu được xem một buổi tập của các cô cậu học sinh nhỏ tuổi ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ, bạn sẽ thấy vô số những… cú ngã nhào do người chơi còn chưa quen. Non trẻ và nghiệp dư đến vậy nhưng nhóm Cruiser Team thu hút được lượng thành viên đáng kể chỉ sau hơn 100 ngày thành lập, lên đến khoảng 500-600 người. Trong đó chỉ riêng nhóm tập luyện tại khu phố đi bộ Nguyễn Huệ mỗi ngày cũng lên đến 20-40 người.

Sự tràn ngập của môn ván trượt xuất phát từ “văn hoá Mỹ” trong cộng đồng giới trẻ VN. Tuấn Anh – một học sinh trung học phổ thông, thường tập trượt ván tại công viên Gia Định (Phú Nhuận) – cho biết sở dĩ anh tập môn này vì thần tượng ca sĩ Justin Bieber, người thường biểu diễn trượt ván trong các MV ca nhạc của mình. Cũng như Tuấn Anh, nhiều bạn trẻ khác mau chóng tiếp thu hình ảnh trẻ trung, sôi động của các môn skateboard, patin từ những bộ phim, MV ca nhạc… của Mỹ. Và thế là các tấm ván, patin trượt dần “chiếm lĩnh” đường phố VN trong phong cách sống sôi động của giới trẻ. Ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, người dân Sài Gòn có thể bắt gặp những hình ảnh tương tự ở công viên 23/9, công viên Gia Định, làng hoa Gò Vấp hoặc đơn giản là những tuyến đường có lề đường rộng rãi như Lê Duẩn (quận 1).

Không dày đặc như trượt ván nhưng cũng thu hút sự chú ý của một bộ phận đông đảo bạn trẻ là môn tricking, môn thể thao biểu diễn đẹp mắt pha trộn từ nhiều môn võ như taekwondo, wushu, karate lẫn nghệ thuật nhào lộn, breakdance (nhảy đường phố)… Bạn Anh Khoa, một thành viên hội tricking TP.HCM, cho biết đến với môn thể thao này vì yêu thích vẻ đẹp mắt và sôi động khi xem một số clip trên mạng của nước ngoài. Từ thị hiếu của đông đảo giới trẻ, cộng thêm kinh nghiệm của một số “dân chơi” tricking thứ thiệt từng học bài bản ở nước ngoài, các phòng tập luyện tricking ra đời và nhanh chóng thu hút đông đảo người tập. Trần Toàn Hữu Duy, hội trưởng Hội tricking TP.HCM, cho biết hội của anh có khoảng 200 thành viên, địa điểm tập luyện chính là Trung tâm TDTT quận 10. Chứng kiến những bước nhảy sôi động của môn tricking, chúng ta có thể nhận thấy vẻ quen thuộc của hip hop – một môn chơi đã tạo thành trào lưu trên toàn thế giới.

Tịnh tâm sau giờ làm việc

Đối lập với hình ảnh sôi động, nhộn nhịp của trượt ván, patin là sự điềm tĩnh của các môn thể thao xuất phát từ Nhật Bản. Ngoài môn võ judo hoặc aikido vốn đã quá quen thuộc với người Việt, kendo (kiếm đạo) thời gian gần đây trở thành một xu hướng mới. Cứ đến mỗi tối các ngày trong tuần, CLB Lê Hồng Phong (quận 5) lại xuất hiện hàng chục bạn trẻ xách kiếm gỗ đến đây tập luyện kendo.

Huy Khôi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, cho biết đã tập luyện kendo được nửa năm và đạt chuẩn cấp ba. “Tôi tập luyện kendo một phần vì yêu mến nét văn hoá của Nhật. Sau một ngày đi học lẫn đi làm mệt mỏi, áp lực, các phòng tập tịnh tâm kiểu Nhật giúp tôi giải toả phần nào căng thẳng”. Khác với các bạn trẻ chơi trượt ván đa số đều là học sinh trung học, đối tượng tập luyện môn kendo lớn tuổi hơn với phần lớn là sinh viên hoặc đã đi làm.

Khi bước vào một lớp học kendo, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là vẻ nghiêm trang, chỉnh tề của nơi đây. Trước giờ học, tất cả học viên đều phải tham gia quét lớp, lau sàn thật sạch sẽ. Sau đó mọi người bắt đầu cất đồ, lấy kiếm trong tư thế ngay ngắn theo đúng phong cách các võ sĩ Nhật. Tất cả các bộ giáp, mũ được đặt bên lề sàn tập đều phải ngay ngắn, cách đều nhau chứ không thể lộn xộn. Và chỉ khi mọi thứ đã thật chỉnh tề, các võ sĩ đứng đầu lớp mới cho buổi học bắt đầu.

Gọi là “yên tịnh” cũng không thật sự đúng lắm khi ngay từ bài tập khởi động lớp học đã… ồn rần trời với những tiếng hét cực to, đều đặn của các học viên. Cứ mỗi một động tác vung kiếm, chém kiếm, thủ thế lại đi kèm với một tiếng hét. Anh Trần Tuân, kiếm sĩ đứng đầu lớp học, giải thích: “Những tiếng thét này thể hiện đúng tinh thần trận mạc của các võ sĩ đạo Nhật Bản ngày xưa. Riêng chúng tôi rất thích điều này vì nó chứng tỏ sức mạnh của tinh thần, tiếng thét còn là một sự giải toả. Ban đầu tôi đi tập kendo chỉ vì yêu thích văn hoá Nhật Bản, thích thú với hình ảnh các bộ áo giáp, trường kiếm trong phim truyện Nhật, nhưng càng tập càng thấy kendo thích hợp trong việc giải toả tâm lý căng thẳng sau một ngày làm việc”.

Thành lập được khoảng 5 năm, CLB kendo Lê Hồng Phong từ chỗ chỉ có 5-6 người nay đã thu hút hơn 60 thành viên thời điểm hiện tại. Anh Tuân cho biết ở TP.HCM còn có nhiều CLB kendo khác như CLB Tinh Võ (quận 5), Nhà Thiếu nhi quận 10, CLB kiếm đạo Phong kiếm (quận 10)… Mỗi nơi đều có ít nhất khoảng 20-30 học viên.

 

Tập luyện trượt ván ở phố đi bộ Nguyễn Huệ – Ảnh: H.Đ.

Giá cả vừa phải

Một yếu tố giúp các môn thể thao kể trên dễ dàng “lên ngôi” trong cộng đồng giới trẻ là giá cả vừa phải và có thể tự học. Học phí một tháng của CLB kendo Lê Hồng Phong chỉ ở mức 150.000-200.000 đồng, tương đương với mức học phí của lớp học tricking. Trong khi đó, các bạn trẻ chơi môn ván trượt không cần đến những lớp học bài bản và chỉ cần bỏ tiền tự mua ván trượt cho mình. Giá một chiếc ván trượt từ 500.000 đồng trở lên.

 

Trượt patin trên đường phố có thể bị xử phạt

Một lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết theo quy định tại điều 3 của Luật giao thông đường bộ Việt Nam 2008, đối với hành vi vi phạm “đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường giao thông; sử dụng bàn trượt, patin, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy” có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm C, khoản 1, điều 11, nghị định 171/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 107/2014/NĐ-CP).

Phòng PC67 khuyến cáo mọi người tham gia giao thông đều phải đảm bảo đủ các điều kiện của người và phương tiện tham gia giao thông, trong khi lưu thông trên đường phải chấp hành các quy tắc an toàn được quy định trong Luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người khác cùng lưu thông trên đường.

ĐỨC THANH

 

H.ĐĂNG – Đ.VUI – Đ.THIỆN