28/11/2024

Hát nhạc sống gây ồn sẽ bị “bêu” tên

Đó là một trong những biện pháp chế tài mà UBND tỉnh Phú Yên vừa chỉ thị nhằm tăng cường quản lý, xử lý đối với tình trạng hát nhạc sống tự phát được cho là gây phiền toái xã hội.

 

Hát nhạc sống gây ồn sẽ bị “bêu” tên

 

Đó là một trong những biện pháp chế tài mà UBND tỉnh Phú Yên vừa chỉ thị nhằm tăng cường quản lý, xử lý đối với tình trạng hát nhạc sống tự phát được cho là gây phiền toái xã hội.



Hát nhạc sống ở một xã thuộc huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) - Ảnh: Duy Thanh
Hát nhạc sống ở một xã thuộc huyện Đông Hoà (tỉnh Phú Yên) – Ảnh: Duy Thanh

“Hát nhạc sống là nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hoá tinh thần chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên ở Phú Yên thời gian qua xảy ra tình trạng khắp nơi hát nhạc sống vô giờ giấc, âm thanh vượt quá mức cho phép, hát những ca khúc không được phép phổ biến… gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu chấn chỉnh, đưa hoạt động này đi vào nề nếp, lành mạnh, có văn hoá”, ngày 
24-7, ông Trần Quang Nhất – phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – giải thích lý do tỉnh ban hành chỉ thị trên.

Nêu tên lên đài, 
cắt danh hiệu văn hoá

Theo chỉ thị được ban hành ngày 20-7, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giao các ngành hữu quan nghiên cứu những quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động hát nhạc sống để hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố quản lý hoạt động này.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm hoạt động hát nhạc sống trên địa bàn; xây dựng quy định cụ thể về tổ chức hát nhạc sống ở địa phương phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, khi tổ chức hát không được để âm thanh phát ra vượt quá mức ồn tối đa cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn; không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh, sức khỏe, việc học tập, sinh hoạt của người dân và làm việc của các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện; không quá giờ giấc quy định (22g hôm trước đến 6g sáng hôm sau); không hát những bài hát không được phép phổ biến; không có những hành vi phản văn hoá trong khi hát.

Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về hát nhạc sống; kiểm điểm, nhắc nhở trước dân hoặc xử lý theo pháp luật đối với các gia đình, cá nhân tổ chức hát nhạc sống không đúng quy định.

Các biện pháp xử lý bao gồm: không xét công nhận các danh hiệu thôn, buôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa đối với các địa phương, gia đình để xảy ra vi phạm trong hát nhạc sống gây bức xúc trong nhân dân; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương những tổ chức, gia đình, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý vi phạm.

Xử lý: không dễ!

Chưa biết cụ thể nội dung chỉ thị trên nhưng bà N.T.L. ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), một trong những người tự nhận “mê” nhạc sống, bày tỏ: “Tui tán thành việc hát hò phải có lúc có nơi, tôn trọng giờ ngủ nghỉ của người ta. Thực tế như ở địa phương chúng tôi chỉ một số ít người, nhất là mấy ông nhậu nhẹt, mới hát xuyên trưa hay hát quá khuya, chứ hầu hết bà con đều đi làm, lúc rảnh hát vài bài cho vui chứ không vi phạm gì đâu”.

Tuy nhiên, ông N.V.P. ở xã HoàThành (huyện Đông Hoà) băn khoăn: “Làm sao tụi tui biết hát cỡ nào là vượt quá quy chuẩn về âm thanh, lỡ tụi tui hát không lớn mà cơ quan chức năng bảo lớn rồi xử lý thì sao? Tụi tui cũng không biết bài hát nào cấm, bài nào không, rồi vi phạm mức nào là bị nêu tên lên đài, lên báo…”.

Ông Nguyễn Trãi – chủ tịch UBND xã Hoà Thành – cho biết có chỉ thị trên thì chính quyền địa phương có cơ sở để xử lý tình trạng hát nhạc sống “tra tấn” xóm làng.

“Tuy nhiên sẽ rất khó xử lý bởi người ta hát chẳng qua vì yêu thích chứ đâu phải trộm cắp hay tội phạm gì mà kiểm điểm trước dân, hay nêu tên lên truyền thông đại chúng?” – ông Trãi nói.

Ông Huỳnh Ngọc Sương – phó chủ tịch UBND huyện Đông Hoà – cũng nêu khó khăn là địa phương không có thiết bị đo cường độ âm thanh, rồi làm thế nào để tuyên truyền cho dân biết danh mục những ca khúc không được phổ biến, lực lượng và thiết bị ở đâu để ghi âm hay ghi hình những người vi phạm trong hát nhạc sống nhằm có chứng cứ để xử lý…

Ông Hồ Văn Tiến – giám đốc Sở Văn hoá- thể thao và du lịch tỉnh Phú Yên – cũng thừa nhận việc “bắt quả tang” vi phạm trong hát nhạc sống hoàn toàn không dễ bởi “họ nhác thấy bóng dáng lực lượng chức năng là giảm âm lượng hay tắt máy thì khó có cơ sở để xử lý”.

“Nhưng dù khó cũng phải quyết tâm làm để chấn chỉnh tình trạng hát nhạc sống tự phát vô tội vạ thời gian qua. Trước mắt tuyên truyền, vận động nhân dân là chính. Những cá nhân, tổ chức nào cố tình vi phạm, nhắc nhở nhiều lần, bị phạt hành chính mà cố tình vi phạm nữa thì cân nhắc tính đến việc kiểm điểm trước dân, thông báo trên đài truyền thanh địa phương để giáo dục chung. Quy định không xét gia đình văn hóa, địa phương văn hoá nếu xảy ra vi phạm trong việc hát nhạc sống nhằm để mọi người cùng có ý thức, địa phương có trách nhiệm hơn” – ông Tiến nói.

* LS NGUYỄN HỒNG HÀ (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hoà):

“Bêu” tên là không đúng luật

Chỉ thị của chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhằm chấn chỉnh tình trạng hát nhạc sống gây phiền toái cho người dân có thể nhận được sự đồng thuận của nhiều người, tuy nhiên cần cẩn trọng với quy định thông báo danh tính cá nhân, tổ chức vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương như chỉ thị này nêu.

Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động hát nhạc sống mà vi phạm đến mức phải xử phạt hành chính thì phải xử lý, nhưng theo điều 72 của Luật xử phạt vi phạm hành chính thì đối tượng vi phạm trong lĩnh vực văn hoá, cụ thể ở đây là hát nhạc sống, không thuộc trường hợp công bố trên phương tiện truyền thông 
đại chúng.

DUY THANH