28/11/2024

Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá

Tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn TP.HCM”, các bác sĩ, chuyên gia… đã cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá kém vệ sinh.

 

Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá

 

Tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn TP.HCM”, các bác sĩ, chuyên gia… đã cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá kém vệ sinh.

 

 

Kinh doanh nước đá trên lề đường tại một cơ sở ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Đức Phú
Kinh doanh nước đá trên lề đường tại một cơ sở ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: Đức Phú

Hội thảo do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế TP.HCM) tổ chức sáng 22-7.

Nước gì cũng có đá

Lâu nay, người dân TP.HCM xem nước đá như một thực phẩm quen thuộc, hiện diện ở hầu hết các món nước uống.

Một nhân viên của tiệm chè trên đường Trần Quang Diệu (P.14, Q.3) cho chúng tôi biết mỗi ngày tiệm bán hàng trăm ly chè nên sử dụng khá nhiều nước đá, chủ yếu là các loại đá bi, đá tuyết…

Người này nói thêm tiệm lấy mối nước đá từ một vựa bỏ mối chở đến giao hằng ngày, loại đá bi có giá khoảng 20.000 đồng/bao/20kg, còn đá tuyết được quán tự xay ra từ đá ống (đá uống bia).

Dù nghĩ “đá cây không được sạch lắm, chỉ nên dùng ướp lạnh đồ uống”, nhưng chị N.T.B., bán chanh muối, đá me trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận), lại lấy loại đá này pha nước cho khách khi được yêu cầu dùng đá xay. Buôn bán nhỏ, không có máy xay riêng, chị cho đá cục dùng ướp lạnh vào một túi vải nhỏ (vốn là một ống quần cũ được may lại), kê lên cây cột nơi chị ngồi rồi đập cho vỡ vụn. Ly đá me mát lạnh được trao tới tay khách hàng trong một buổi trưa hè nắng cháy.

Còn tại tiệm cơm bình dân cách nơi chị B. bán hàng vài chục mét, một nhân viên đang dùng dao răng cưa cắt nhỏ cây đá, cho vào ly trà đá của khách. Quán chật hẹp, mấy cây đá được dựng tạm ở lối vào khu rửa chén, vệ sinh để nước đá tan ra thì chảy luôn xuống cống khỏi cần dọn dẹp. Vậy nên, nhân viên này nói dù làm việc cực, khát nước nhưng anh chẳng mấy khi dám uống nước đá!

59% nước đá 
làm từ nước giếng

Tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn TP.HCM”, các đơn vị, cơ sở đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng nước đá sạch cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp này còn không ít 
vướng mắc.

Báo cáo tình hình quản lý cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn TP, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP – cho biết TP hiện có 193 cơ sở sản xuất nước đá, cung ứng khoảng 500 tấn nước đá một ngày cho các cơ sở ăn uống, nhà hàng, quán cà phê…

Thống kê nguồn nước sản xuất nước đá cho thấy có 79 cơ sở sử dụng nước máy, trong đó có 27 cơ sở chưa xác minh nguồn nước máy sử dụng. Đáng lưu ý, đến 114 cơ sở (chiếm tỉ lệ hơn 59%) sản xuất nước đá từ nước giếng.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất nước đá từ nước giếng phải xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy chuẩn Việt Nam nhưng chỉ có 37/114 cơ sở này thực hiện đầy đủ.

Theo bà Mai, năm 2014 có 81 cơ sở sản xuất nước đá tự xét nghiệm nguồn nước dùng sản xuất nước đá và kết quả đều đạt 100%! Bà Mai cho rằng có thể nhiều cơ sở sản xuất khi đưa mẫu đi xét nghiệm thấy không đạt đã lấy mẫu nước khác đưa đi xét nghiệm lại cho đạt. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, các cơ sở này đưa các mẫu đạt tiêu chuẩn để đối phó.

Để có kết quả chính xác, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP và các cơ quan liên quan đã xét nghiệm lại 193 cơ sở thì có tới 83 cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều mẫu nước khi xét nghiệm cho ra kết quả bị nhiễm các loại vi sinh vật như Coliform, F. Streptoccoci…

Nhiều tồn tại 
cần chấn chỉnh

Nhận xét về thực trạng các cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn TP, bà Mai nói so với trước đây, các cơ sở sản xuất nước đá đã có nhiều cải thiện tốt hơn. Các đơn vị có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, số cơ sở vi phạm có giảm so với các năm trước.

Tuy nhiên qua kiểm tra, thanh tra sáu tháng đầu năm 2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP xử lý phạt gần 154 triệu đồng với 22 cơ sở sản xuất nước đá có các hành vi vi phạm. Bà Mai cho biết thêm còn khoảng 3% cơ sở chưa chấp hành các quy định và chưa đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nước đá.

Ở góc độ nhà sản xuất, bà Dương Thị Thu Dung – giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Phúc – cho biết các nước trên thế giới và khu vực đã sử dụng bao PE chứa nước đá từ lâu. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng yêu cầu các nhà máy sản xuất nước đá cam kết chuyển đổi bao bì từ bao PP sang bao PE để đảm bảo an toàn vệ sinh cho nước đá từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo bà Dung, do ngành nước đá có tổng công suất cao hơn nhu cầu thị trường nên cạnh tranh gay gắt về giá. Thực tế việc xử lý nguồn nước nguyên liệu để sản xuất nước đá sạch đạt chuẩn không quá khó. Ở các nhà máy có sự đầu tư nhất định thì nước đá viên ở đầu ra khuôn đá đều có kết quả xét nghiệm đạt chất lượng.

Tuy nhiên, nếu lấy mẫu nước đá viên đang lưu thông trên thị trường thì rất khó đạt do sản phẩm bị vấy bẩn trong quá trình đóng gói thành phẩm thủ công, vận chuyển bằng phương tiện không đảm bảo như xe máy cũ, xe ba gác…

Ngoài ra, ở khâu trung gian (đại lý bán nước đá) còn phổ biến tình trạng tái sử dụng bao PP khiến nước đá bị vấy bẩn càng trở nên khó kiểm soát.

Trước nhiều ý kiến về khâu đóng gói, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP kiến nghị Bộ Y tế nên có quy định loại bao bì sử dụng cho nước đá.

Nhiều loại bệnh do nguồn nước bẩn

Ông Dương Phát Chiếu – trưởng phòng quản lý ngộ độc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM – cho biết có nhiều loại bệnh ở người do ô nhiễm môi trường nước gây ra. Ô nhiễm nguồn nước có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo.

Tùy theo nguồn nước nhiễm vi khuẩn gì, chất gì (hợp chất vô cơ, kim loại nặng) mà khi sử dụng có thể gây ra một số bệnh như tả, kiết lỵ, viêm ruột, thương hàn, viêm gan, bại liệt, suy thận, nhiễm trùng máu, ung thư, đột biến…

 

LÊ THANH HÀ – ĐỨC PHÚ – ĐỨC THANH – MAI HOA