Màu sơn lạ của Nhà hát Lớn Hà Nội – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nhà hát Lớn Hà Nội vừa được sơn sửa trong tháng 7, mang một màu vàng chói lọi rất khác lạ. “Theo mắt nhìn của tôi thì màu sơn đó đã khác đi rất nhiều so với màu sơn của đợt trùng tu hồi 1996”, một chuyên gia bảo tồn nói.
Sơn sửa không phép
|
|
|
Sở VH-TT-DL Hà Nội hoàn toàn không hay biết gì về việc sơn sửa này, cũng không hề được hỏi ý kiến
|
|
|
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội
|
|
|
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết Nhà hát Lớn Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt, thuộc danh mục các công trình kiến trúc trước 1954 cần được bảo tồn. Chính vì thế, theo luật, muốn tu bổ nhà hát cần phải có thỏa thuận của Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, cũng như ý kiến đóng góp của Sở. Ông Tiến cũng khẳng định “Sở VH-TT-DL Hà Nội hoàn toàn không hay biết gì về việc sơn sửa này, cũng không hề được hỏi ý kiến”.
Một lãnh đạo Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) cũng cho biết cho tới chiều 21.7 Cục vẫn chưa nhận được hồ sơ xin phép sửa sang công trình này.
Di tích đặc biệt, sơn như nhà dân
Việc sửa sang công trình khi chưa xin phép đối với Nhà hát Lớn thật khác so với lần tu bổ trước đây, hồi 1996. Khi đó, Nhà hát Lớn thậm chí còn chưa được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, nhưng các chuyên gia cho biết việc trùng tu đã được Bộ thực hiện một cách khoa học, quy mô với tinh thần trùng tu một di sản văn hóa quan trọng. Bên cạnh các chuyên gia của Viện Bảo tồn, đứng đầu là GS Hoàng Đạo Kính khi đó, còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia Pháp, trong đó có KTS Hồ Thiệu Trị.
Tinh thần của cuộc trùng tu rất tương xứng với giá trị của Nhà hát Lớn Hà Nội. Bởi đây chính là một công trình quý giá mà người Pháp khi xây dựng các đô thị đã để lại. Các công trình thuộc địa đó mang đặc điểm của kiến trúc Pháp nhưng nó cũng có những biến đổi cho phù hợp với bản địa. Và Nhà hát Lớn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của kiến trúc thuộc địa.
Cũng theo các chuyên gia, từ khi khánh thành 1911, phải đến 1996 mới có một đợt trùng tu Nhà hát Lớn. Trước đó, chúng ta chỉ có vài đợt sửa sang nhỏ. Đợt trùng tu hồi 1996 đã giữ được toàn bộ giá trị của Nhà hát Lớn mà người Pháp đã tạo dựng. “Cũng có những nâng cấp, nhưng nâng cấp đấy không phá vỡ bất cứ giá trị nào. Chẳng hạn, việc nâng cấp được thực hiện là đưa máy điều hòa vào, nhằm phục vụ con người tốt hơn. Nhưng chúng ta nhìn thì thấy không có một biểu hiện bên ngoài nào làm ảnh hưởng tới nhà hát”, một chuyên gia cho biết.
Để có được sự nguyên vẹn, các chuyên gia Pháp đã sang tận nơi tính toán cách đặt điều hòa, đường dây kỹ thuật sao tới từng góc nhỏ để không ảnh hưởng tới nhà hát.
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng khiến việc trùng tu có những thoả hiệp nhỏ. Chẳng hạn, trên tầng 3 lát gạch bình thường chứ không có được loại chất lượng tốt hẳn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều đó không làm ảnh hưởng, tinh thần của kiến trúc vẫn giữ được. Các nhà trùng tu cũng có ý sau này nếu có tiền thì mình sẽ làm lại.
“Việc trùng tu được nghiên cứu rất tỉ mẩn từng ngóc ngách một. Nhóm của ông Hồ Thiệu Trị từ Pháp vào kèm theo nhiều công ty chuyên về trùng tu”, một chuyên gia nhớ lại.
Cũng theo chuyên gia này, việc chọn màu sơn cũng được làm rất dụng công. Các chuyên gia có những nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đồng thời cũng có điều chỉnh sao cho phù hợp màu sơn của quảng trường. “Màu sơn đã được tính toán rất kỹ, pha chế rất cẩn thận. Người ta không sử dụng màu sơn có sẵn vì không đáp ứng được yêu cầu thực tế”, chuyên gia cho biết.
Cũng chính vì vậy, màu sơn hiện nay tại Nhà hát Lớn khiến các nhà chuyên môn nghi ngại. Họ cho rằng việc sơn mới vừa qua đã được làm theo kiểu tu sửa nhà cửa thông thường, mà không sử dụng kết quả nghiên cứu trước đây của các chuyên gia.
Điều đáng nói, đơn vị chủ quản của Nhà hát Lớn cũng chính là một đơn vị của Bộ VH-TT-DL.
Thanh Niên cũng đã liên lạc với lãnh đạo Nhà hát Lớn và được hẹn sẽ trả lời sau.