Dân dùng thiết bị kích sóng, lỗi tại ai?
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, tình trạng nhiễu sóng mạng di động xảy ra tại nhiều nơi do người dân tự ý dùng các thiết bị kích sóng không phù hợp. Lỗi có phải chỉ do người dân?
Dân dùng thiết bị kích sóng, lỗi tại ai?
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, tình trạng nhiễu sóng mạng di động xảy ra tại nhiều nơi do người dân tự ý dùng các thiết bị kích sóng không phù hợp. Lỗi có phải chỉ do người dân?
Thiết bị kích sóng được bán tràn lan trên mạng – Ảnh Đ.T. |
Theo phản ánh từ các nhà mạng, nhiều khu vực hiện nay xảy ra tình trạng nhiễu sóng mạng di động chủ yếu do người dân tự ý dùng thiết bị kích sóng trái phép, gây can nhiễu.
Do sóng mạng yếu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đình Trường, phó tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel, cho biết trong quá trình thực hiện lắp đặt thử nghiệm các trạm phát sóng 3G băng tần 900MHz tại Hà Nội, Viettel đã phát hiện 53 nguồn gây nhiễu sóng vô tuyến điện.
Nguyên nhân xuất phát từ bộ kích sóng (repeater) không tương thích, không hợp chuẩn do người dân tự mua và lắp đặt trong nhà.
Các thiết bị kích sóng tự phát này của người dân gây ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ của các nhà mạng nói chung, không chỉ riêng Viettel, có thể gây rớt cuộc gọi, gián đoạn liên lạc giữa thiết bị di động và trạm gốc.
Theo ông Trường, “thiết bị kích sóng gây ảnh hưởng đến chất lượng mạng của tất cả nhà cung cấp trong khu vực đó, không phân biệt người dân sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào”.
Ông Phạm Anh Tuấn, trưởng ban nghiên cứu thị trường và phát triển dịch vụ VNPT Vinaphone, cũng cho biết mạng Vinaphone từng bị sóng gây nhiễu tại một số khu vực làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ thông tin di động.
“Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Ở các địa phương khác chỉ xảy ra tại một số khu vực liên quan đến an ninh như trại giam, các địa điểm tổ chức sự kiện an ninh quan trọng” – ông Tuấn thông tin.
Theo vị đại diện của VNPT Vinaphone, cách đây 2 – 3 năm, mạng Vinaphone cũng như Viettel hay MobiFone thường gặp phải tình trạng bị nhiễu sóng do người dân tự lắp các thiết bị kích sóng (thiết bị khuếch đại).
Loại thiết bị này chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc, nhập lậu vào Việt Nam, không được hợp chuẩn, cấp phép của các cơ quan chức năng, chất lượng kém dẫn đến gây nhiễu cho nhà mạng.
Theo quy định pháp luật, việc sử dụng thiết bị kích sóng phải theo quy định, được sự cho phép của cơ quan chức năng. Cá nhân tự ý sử dụng trái phép có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.
Việc người dân tự ý dùng thiết bị kích sóng gây can nhiễu là vi phạm pháp luật nhưng xét cho cùng, nguyên nhân bắt đầu phải do chính từ phía nhà mạng.
Chính đại diện mạng di động MobiFone thừa nhận: “Khu vực khách hàng dùng thiết bị kích sóng gây can nhiễu thường là do sóng của một nhà mạng nào đó không tốt. Khách hàng dùng thiết bị để kích sóng của một nhà mạng nhưng lại gây nhiễu cho tất cả các nhà mạng khác”.
Nhà mạng phải chịu trách nhiệm trước
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thiết bị kích sóng di động được rao bán nhan nhản trên thị trường hiện nay. Người bán lẫn người mua đều công khai như mua rau ngoài chợ.
Giá bán các thiết bị này dao động trong khoảng vài triệu đồng tuỳ vào tính năng, phạm vi phủ sóng… Thiết bị kích sóng được lắp chủ yếu để kích sóng cho các khu vực trong các nhà cao tầng, nơi mà sóng nhà mạng không với tới được.
Tuy nhiên tuỳ thông số kỹ thuật, tần số của vị trí đặt ăngten mà thiết bị kích sóng có thể gây nhiễu gần hay xa (có thể lên đến 300 – 1.000m).
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông (đề nghị không nêu tên) cho rằng việc người dân tự ý dùng thiết bị kích sóng là do các nhà mạng đã không đảm bảo sóng tốt ở khu vực đó.
Thực trạng này không thể giải quyết theo cách xử phạt người dân mà chính các nhà mạng phải thể hiện trách nhiệm của mình trước. Họ phải cùng phối hợp với nhau để tối ưu, tăng cường chất lượng mạng của mình nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dịch vụ di động của khách hàng.
Đồng thời, các nhà mạng cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho người dân biết về việc sử dụng thiết bị kích sóng không theo quy chuẩn của Nhà nước là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, họ cần phải nghiên cứu, triển khai ngay các công nghệ mạng mới để đảm bảo chất lượng sóng tốt nhất phục vụ khách hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, MobiFone cho biết họ đang triển khai phương án xử lý các điểm chất lượng kém bằng các thiết bị mạng thông minh, kích thước gọn nhẹ để tăng cường vùng phủ sóng.
Vinaphone cũng đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao vùng phủ sóng, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn.
Giải pháp của nhà mạng này là bên cạnh việc lắp đặt thêm nhiều trạm thu phát sóng mới, họ cũng lắp thiết bị khuếch đại cho một số khu vực nhà cao tầng, ngõ hẹp.
Về phía Viettel, ông Trường cho biết tính đến hết tháng 6-2015, Viettel đã đầu tư triển khai phủ sóng cho gần 400 toà nhà tại Hà Nội bằng nhiều giải pháp như sử dụng hệ thống ăngten phân tán DAS lắp trong toà nhà; phủ sóng từ bên ngoài toà nhà vào; sử dụng trạm phát sóng mini, các bộ tiếp sóng…
Các nhà mạng đều khuyến cáo các tổ chức, cá nhân chủ động phản ảnh tình trạng chất lượng mạng lưới trên địa bàn đến tổng đài nhà mạng để họ kịp thời có giải pháp kỹ thuật xử lý, nâng cao chất lượng phủ sóng, phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
Rao bán công khai Chỉ cần lên mạng tìm kiếm cụm từ “thiết bị kích sóng”, người dùng dễ dàng tiếp cận với hàng loạt địa chỉ rao bán công khai. Chẳng hạn trang kichsongdienthoai rao bán thiết bị “Khuếch đại tín hiệu cho tất cả các mạng di động GSM băng tần 900MHz. Thiết bị nhỏ gọn, lắp đặt đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Chi phí thấp, phù hợp cho toà nhà, khách sạn, quán bar, tầng hầm, văn phòng và gia đình…”. Trang kichsong giới thiệu thiết bị có phạm vi kích sóng rộng đến 10.000m với lời quảng cáo: “hàng sản xuất tại Đài Loan đã được lắp đặt tại nhiều căn hộ và toà nhà Việt Nam, thiết bị đạt chứng nhận tiêu chuẩn viễn thông của EU”. Các thiết bị này đều có giá bán vài triệu đồng, có loại đến 10 triệu đồng. Trong khi đó, theo Cục Tần số vô tuyến điện, can nhiễu liên quan đến 3G đã gia tăng đột biến tại Hà Nội trong sáu tháng đầu năm 2015, đặc biệt bùng phát mạnh sau khi các nhà mạng viễn thông tiến hành thử nghiệm HSPA trên băng tần 900MHz. Khu vực xảy ra can nhiễu gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân… Đơn vị này cũng đã tiếp nhận và xử lý 61 vụ can nhiễu sóng di động từ đầu năm 2015 đến nay. Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu các đơn vị chức năng chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời ngăn chặn hiện tượng mang trái phép thiết bị viễn thông không phù hợp quy định vào lãnh thổ Việt Nam. |