Treo đầu dê” bán… bảo hiểm
Được mời đi dự tiệc tri ân khách hàng VIP của siêu thị, hãng điện tử nhưng đến nơi, nhiều khách mời mới “bật ngửa” khi chỉ có công ty bảo hiểm tổ chức diễn thuyết chào bán dịch vụ.
Treo đầu dê” bán… bảo hiểm
Được mời đi dự tiệc tri ân khách hàng VIP của siêu thị, hãng điện tử nhưng đến nơi, nhiều khách mời mới “bật ngửa” khi chỉ có công ty bảo hiểm tổ chức diễn thuyết chào bán dịch vụ.
Danh sách khách hàng rao bán trên mạng của đầu nậu Trung – Ảnh: Thanh Tùng |
Đây là chiêu mới của công ty bảo hiểm khiến không ít khách hàng sập bẫy, trong khi nhiều chủ thuê bao điện thoại liên tục bị gọi trực tiếp hoặc nhắn tin làm phiền từ các nhân viên bảo hiểm, môi giới bất động sản, bán sim điện thoại…
Mượn danh dụ khách
Chị Phan Thu Oanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn chưa hết bức xúc khi kể lại câu chuyện bị các đại lý bảo hiểm Dai-ichi Life dụ tới hội thảo vào ngày 12-7.
Theo đó, một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của hệ thống siêu thị Nguyễn Kim, muốn gửi cho chị thư mời dự tiệc kết hợp hội thảo của siêu thị này do chị Oanh nằm trong danh sách khách hàng VIP, nhưng phải đến tận nhà để trao tận tay thư mời thay vì gửi qua bưu điện.
“Dù tôi nói không cần tới, cứ gửi thư là được nhưng nhân viên này cứ nằn nì rằng tôi là khách VIP nên công ty bắt phải tới đưa tận tay. Sau khi tôi chấp nhận do không muốn làm khó, cô ta tới và gửi thư do Nguyễn Kim đứng tên mời” – chị Oanh cho biết.
Tuy nhiên, khi tới hội thảo tại trung tâm hội nghị ở Q.Phú Nhuận, chị Oanh không hề thấy chỉ dẫn của Nguyễn Kim đâu, mà tràn ngập biển hiệu và nhân viên bảo hiểm Dai-ichi Life.
Tưởng mình nhầm, chị đi khắp các phòng của trung tâm hội nghị để tìm vẫn không hề thấy hội thảo nào khác. Một nhóm đại lý bảo hiểm Dai-ichi Life tới xem thư mời và khẳng định chị đã tới đúng hội thảo, đồng thời thu mất giấy mời.
“Các đại lý bảo hiểm Dai-ichi Life từng nhiều lần gọi điện chào mời và bị tôi từ chối nhưng họ vẫn… không tha. Nếu biết công ty bảo hiểm này tổ chức hội thảo, chắc chắn tôi không đi vì không có nhu cầu. Họ đã lừa gạt tôi nhân danh Nguyễn Kim, nơi tôi là khách hàng thân thiết” – chị Oanh bức xúc.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Sen (Q.Tân Bình) cũng là một trong những khách mời đến tham dự hội thảo này theo đúng kịch bản như của chị Oanh, nhưng lại nhân danh người của Hãng Samsung.
“Tôi hơi ngạc nhiên vì dù có dùng sản phẩm Samsung nhưng đâu có nhiều tới mức được đối đãi trọng thị, tri ân này kia ghê vậy. Nhưng vì họ mời dữ quá nên tôi cũng tới, rồi phát hiện mình bị gạt tới để nghe hội thảo của đơn vị bảo hiểm này. Mất cả ngày nghỉ ngơi để tới nơi mình không có nhu cầu nào, hết sức bực bội” – chị Sen nói.
Do quá bức xúc, nhiều “khách mời” đã to tiếng, các đại lý bảo hiểm cho biết sẽ điều tra vụ việc và giải thích với các khách hàng sau. Tuy nhiên, đến nay những vị khách này vẫn không nhận được sự giải thích hay lời xin lỗi nào từ hãng bảo hiểm này.
Lỗi tại đại lý?
Trao đổi với chúng tôi về chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” này, bà Đinh Thị Phương Liên – cán bộ quan hệ công chúng của Dai-ichi Life (Q.Phú Nhuận) – cho rằng cần phải rà soát và xem lại, xác minh xem sự việc cụ thể ra sao mới có thể trả lời được.
“Chúng tôi hoạt động tại trụ sở này, song có khoảng 11 văn phòng đại lý trên toàn TP.HCM và có thể có những hoạt động hội thảo khách hàng do họ chủ động tổ chức” – bà Liên nói.
Về chuyện các đại lý của công ty này liên tục gọi điện, chào mời dịch vụ bảo hiểm dù khách đã từ chối nhiều lần, bà Liên cho rằng hệ thống tổng đài ở trụ sở công ty có quy định không gọi quá nhiều lần cho khách trong một khoảng thời gian nhất định để tránh làm phiền khách, song việc các đại lý tự gọi ở ngoài thì công ty không kiểm soát được.
“Chúng tôi sẽ xem xét việc này và có quy trình thích hợp hơn để tránh gọi điện quá nhiều, gây phiền toái cho chủ thuê bao, nhất là những người đã từ chối dịch vụ rồi” – bà Liên cho biết.
Trong khi đó, đại diện của Nguyễn Kim và Samsung cũng đều cho biết không có bất cứ sự hợp tác tổ chức hội thảo nào với đơn vị bảo hiểm vào thời gian và địa điểm như trên.
Chị Oanh – “khách mời” tham dự cuộc hội thảo trên – cũng cho biết đã gọi điện tới phòng chăm sóc khách hàng của Nguyễn Kim để yêu cầu làm rõ vì sao danh sách khách VIP của siêu thị này lọt ra ngoài và rơi vào tay các đại lý bảo hiểm, nhưng phía siêu thị này không hề cung cấp danh sách ra bên ngoài. Như vậy, các đại lý bảo hiểm này lấy danh sách khách hàng từ đâu?
Danh sách khách hàng rẻ như bèo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhu cầu chăm sóc khách hàng, các siêu thị, ngân hàng hay công ty bất động sản thường giao cho nhân viên ở các bộ phận, đặc biệt là bộ phận chăm sóc khách hàng, danh sách toàn bộ hoặc một nhóm khách hàng để chăm sóc. Dù hầu hết đơn vị đều yêu cầu phải bảo mật danh sách này nhưng trên thực tế, sự bảo mật này rất lỏng lẻo.
Nhân viên ở các bộ phận này lại thường xuyên biến động, người nghỉ việc hoàn toàn có thể giữ lại danh sách khách hàng này để tiếp tục liên hệ khi sang làm chỗ khác, một số chuyển nghề đã sẵn sàng bán lại danh sách này cho các đầu nậu với giá rất rẻ.
“Thường một danh sách khách hàng cả vài ngàn số, chúng tôi có thể mua với giá vài trăm ngàn đồng để bán lại. Với danh sách khách VIP ở những đơn vị lớn, giá trị cao và khó kiếm, giá chừng trên dưới 1 triệu đồng” – Trung, một đầu nậu chuyên săn danh sách khách hàng để bán lại, cho biết.
Sưu tập dễ dàng các danh sách khách hàng, Trung rao bán tràn lan trên mạng với giá 200.000 – 600.000 đồng một gói cho bất cứ ai có nhu cầu mua.
Trung thừa nhận số điện thoại của cá nhân nào đã bị lọt vào danh sách sẽ không bao giờ có thể hết bị làm phiền. Người mua danh sách đầu tiên gọi tới làm phiền bị nạn nhân chặn lại (block số), hôm sau lại bị đơn vị khác làm phiền bằng các cuộc gọi và tin nhắn, bởi người mua mới dùng đầu số mới.
Chặn được nhân viên bảo hiểm, môi giới nhà đất sẽ gọi mời, chặn nhà đất tới lượt nhận tin nhắn chào mời mua sim… Đặc biệt, nhiều đầu nậu sẵn sàng cho khách xài thử vài gói miễn phí danh sách ngay từ giao dịch email đầu tiên để lấy uy tín làm ăn về sau.
“Tôi gửi cho khách mục lục hàng ngàn danh sách thuộc các lĩnh vực khác nhau ở từng tỉnh. Khách chọn một vài danh sách để kiểm tra, tôi sẽ gửi luôn danh sách đó, đầy đủ luôn, để xài thử. Thấy thích thì mua thêm các danh sách khác, không thích mà xù luôn danh sách xài thử cũng không sao, sau này cần họ sẽ liên lạc lại” – Ngọc Tùng (một đầu nậu danh bạ tại TP.HCM) nói, đồng thời khẳng định danh sách do mình cung cấp chính xác, khách gọi kiểm tra là thấy “nể” liền nên khả năng quay lại giao dịch rất cao.
* LS VÕ THỊ ANH LOAN (Công ty Luật Việt Phương): Bán thông tin cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý… trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Ngoài ra, điều 15 nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật viễn thông cũng quy định thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông… Việc rao bán các thông tin cá nhân của chủ thuê bao là vi phạm pháp luật, tuỳ từng mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 50 – 70 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |