Lớp trưởng tiểu học là chủ tịch: người lớn nghĩ khác con nít
Xung quanh chức danh của hội đồng tự quản học sinh được quy định trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học, ý kiến những người liên quan cũng rất khác nhau.
Lớp trưởng tiểu học là chủ tịch: người lớn nghĩ khác con nít
Xung quanh chức danh của hội đồng tự quản học sinh được quy định trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học, ý kiến những người liên quan cũng rất khác nhau.
Các tên gọi trong hội đồng tự quản học sinh |
* “Chủ tịch” cứ phải hét lên, đánh đá… thì bạn mới nghe!
Tôi không thể hiểu được tại sao Bộ GD-ĐT lại đặt ra những chức danh nghe to tát đến vậy mà lại bắt áp dụng trong nhà trường tiểu học.
Học sinh tiểu học bây giờ cũng tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin trên báo đài, các em sẽ hiểu được phần nào ý nghĩa của chức danh chủ tịch hội đồng tự quản và ý thức về quyền hành của mình (nếu được giao nhiệm vụ).
Cháu tôi học ở quận 3 (TP.HCM) là con gái mà được giao giữ chức “chủ tịch hội đồng tự quản”. Chỉ sau một tuần cháu về nhà quát nạt em út sa sả, ra lệnh cho em làm cái gì mà em không chịu làm theo là giơ chân lên đá em ngay.
Hỏi thì cháu kể: “Cô giáo giao cho con phải quản lớp, không được để các bạn nói chuyện. Con nói hoài mà các bạn không nghe, nên cứ phải hét lên hoặc đánh đá bạn thì bạn mới nghe”. Sợ quá, mẹ cháu phải lên trường xin cho con không giữ chức chủ tịch nữa.
Theo tôi, ở lứa tuổi tiểu học quá nhỏ này mà giao cho các em những nhiệm vụ đi kèm với chức tước, quyền hành thì chỉ tạo nên thói tự mãn, hống hách, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của các em sau này.
Bà NGUYỄN THỊ KIM HỒNG
(phụ huynh học sinh lớp 3, nhà ở phường Tây Thạnh, Q.Tân Phú)
* “Hội đồng tự quản” sẽ rất cực!
Trường chúng tôi bắt đầu giảng dạy theo chương trình VNEN từ đầu năm học 2014 – 2015. Nhận xét một cách khách quan thì chương trình này cũng có nhiều ưu điểm.
Đó là cách điều hành học sinh vào đầu giờ học, là cách sử dụng những bông hoa tiến bộ trong giờ làm bài tập nhóm…
Tuy nhiên, Bộ và Sở GD-ĐT nên xem lại cách tổ chức lớp học theo mô hình VNEN. Ở đây tôi không bàn về cái tên chủ tịch hay phó chủ tịch hội đồng tự quản. Tôi xin nói về nhiệm vụ mà học sinh phải làm khi giữ những chức danh này.
Một lớp học theo mô hình VNEN có một chủ tịch hội đồng tự quản, hai phó chủ tịch hội đồng tự quản, trưởng ban kỷ luật, trưởng ban phong trào, trưởng ban học tập, trưởng ban đối ngoại, trưởng ban sức khoẻ, trưởng ban văn nghệ…
Với mô hình này, giáo viên được học sinh hỗ trợ rất nhiều. Ví dụ: bắt đầu tiết học, trưởng ban học tập sẽ cho các bạn trong lớp đọc trước mục tiêu bài học. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, trưởng ban học tập sẽ hướng dẫn các bạn thực hiện từng nhiệm vụ theo bài học.
Trong khi các bạn làm bài, trưởng ban học tập đôi khi cũng phải quan sát để báo cáo với giáo viên (ngoài việc làm bài của mình). Nói chung là trẻ con nghe nói được làm chức danh này kia thì mê vậy thôi, chứ thật sự các em rất cực.
(Một thành viên ban giám hiệu trường tiểu học
thực hiện chương trình VNEN ở Củ Chi, TP.HCM)
* Thích gọi như trước vì dễ gọi hơn!
Hồi con học lớp 1, 2, 3, 4 thì lớp con chỉ có lớp trưởng, lớp phó và các tổ trưởng, tổ phó thôi. Đến lớp 5 thì không như vậy mà có chủ tịch hội đồng tự quản, phó chủ tịch hội đồng tự quản.
Ngoài ra, còn có trưởng ban văn nghệ chuyên tham gia các hoạt động múa hát ở trường và chọn lựa các bạn khác trong lớp cùng tham gia với mình; trưởng ban học tập thì truy bài cho các bạn trong lớp vào đầu giờ, nhắc nhở, giúp đỡ các bạn học; trưởng ban phong trào mời gọi các bạn tham gia phong trào, hội họp như tham gia phong trào kế hoạch nhỏ chẳng hạn; trưởng ban sức khoẻ thì kiểm tra móng tay, kiểm tra hộc bàn của các bạn xem có sạch sẽ không; trưởng ban kỷ luật thì nhắc nhở các bạn không được nói chuyện, bạn nào nói chuyện thì ghi vào sổ…
Thầy giáo lớp con phân công chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng tự quản – mỗi bạn sẽ quản lý hai bạn.
Con thì thích gọi như ngày xưa vì dễ gọi hơn. Gọi theo cách mới như hồi lớp 5 quá dài dòng, rắc rối và khó nhớ.
LÊ TRẦN HẢI QUỲNH
(học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM)
* Thích cách học mới!
Khi nhà trường áp dụng cách gọi chủ tịch hội đồng, cả lớp cười rần rần vì chưa quen. Giờ tụi con thường gọi chủ tịch hội đồng bằng tên, không gọi theo chức danh được thầy cô đặt trong lớp. Theo con, dù có nhiều điểm con chưa hiểu lắm, nhưng cách học mới khiến con và các bạn cảm thấy tự tin trao đổi, thoải mái phát biểu, không còn rụt rè như trước.
TRẦN THỊ TUYẾT TRINH
(học sinh lớp 3A Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, P.1, TP Đà Lạt)
* Con tôi trưởng thành hơn, tự tin hơn
Con tôi đã học theo mô hình trường học mới từ khi bước vào lớp 2, và ở lớp cháu đã có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản thay cho khái niệm lớp trưởng, lớp phó trước đây.
Từ góc nhìn phụ huynh, sau một năm con mình được trải nghiệm theo mô hình lớp học mới, tôi thấy rõ cháu trưởng thành hơn, chững chạc và tự tin hơn rất nhiều.
Mọi người băn khoăn chức danh “chủ tịch”, “phó chủ tịch hội đồng tự quản”, nhưng đây là do áp đặt chủ quan tư duy của người lớn, quan trọng hóa vai trò của chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản.
Trẻ con ngây thơ hơn chúng ta rất nhiều, các cháu hoàn toàn không nhận thức nặng nề về tên gọi này, hoặc xem đó là thứ quyền lực gì lớn lao.
Ở lớp con tôi đang học, hết mỗi kỳ, các cháu sẽ luân phiên bầu lại chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản. Có nhiều cháu còn đứng lên tự ứng cử, rồi vận động các bạn bầu cho mình theo cách thể hiện năng lực một cách rất chủ động.
Tôi chỉ băn khoăn về quy định yêu cầu sĩ số lớp tiểu học tối đa 35 em, liệu có phù hợp thực tế không?
Theo tôi tìm hiểu thì với mô hình trường học mới, lý tưởng là mỗi lớp chỉ nên tối đa 30 học sinh. Điều này có lẽ cũng là ước mơ của cả phụ huynh, giáo viên và của chính các trường tiểu học.
Có điều nhìn vào thực tế thì thấy rõ, ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không thể tồn tại được các lớp học như vậy nếu chính Bộ GD-ĐT hay chính quyền địa phương không có những biện pháp phối hợp hỗ trợ nhà trường mở rộng cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên. Theo tôi, vì thế cần xem lại quy định cứng nhắc này trong điều lệ.
Chị TRẦN THỊ HOA
(phụ huynh học sinh lớp 2 Trường tiểu học Đồng Tâm, Hà Nội)