28/11/2024

“Úm” và “thả” con

Tôi đang làm việc ở một trường mầm non nên hằng ngày chứng kiến nhiều chuyện dở khóc dở cười.

 TUỔI 18 ĐÃ LỚN CHƯA?

 “Úm” và “thả” con

 

Tôi đang làm việc ở một trường mầm non nên hằng ngày chứng kiến nhiều chuyện dở khóc dở cười.

 

 

Nhiều trẻ đến trường đã tự ăn, nhưng về nhà vẫn phải có người đút cơm, tại ai? Trong ảnh: một buổi tiệc buffet dành cho các bé tại Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM, các bé được tự do chọn món ăn mình yêu thích - Ảnh: Như Hùng
Nhiều trẻ đến trường đã tự ăn, nhưng về nhà vẫn phải có người đút cơm, tại ai? Trong ảnh: một buổi tiệc buffet dành cho các bé tại Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM, các bé được tự do chọn món ăn mình yêu thích – Ảnh: Như Hùng

1 Qua camera trực tuyến, nào là cha mẹ ở nơi làm việc, nào thì ông bà ở nhà ngồi ôm máy tính, điện thoại dõi theo “cục cưng” ở trường từng giây từng phút. Hầu như ngày nào cũng có phụ huynh gọi đến thắc mắc “con em lẽo đẽo theo cô xin ly nước mà sao cô không cho bé?”, “sao con em khóc mà cô không dỗ?”, “sao cô cho bé mặc áo trái vậy?”… Cô giáo “khổ” đến nỗi nhìn thấy số phụ huynh là không muốn nghe.

Điều đáng nói là đa số hình ảnh trên camera đều không đúng thực tế. Cô không cho bé uống nước vì bé đã uống một ly nước rồi và đang mè nheo cô. Bé mặc áo trái, cô nhắc bé cởi ra mặc lại nhưng bé nhất định không chịu vì: “Mẹ con nói mặc áo quay cái mạc ra ngoài mới đúng!”. Camera trực tuyến cả ngày rồi mà phụ huynh vẫn chưa yên tâm. Cá biệt, có phụ huynh còn “ăn dầm nằm dề” ở trường từ sáng tới chiều, từ ngày này qua ngày khác để “lỡ bé khóc thì có người dỗ”.

2 Nhưng lạ lùng nhất vẫn là cách chăm sóc và giáo dục con cái của vị phụ huynh sau đây. Quan điểm của người này là “để bé phát triển tự nhiên!”. Bé thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, thích học thì học, thích chơi thì chơi, không thích thì thôi, không ép! “Cô giáo cứ ghi nhớ điều này là được, tuyệt đối không la rầy, không phạt” – vị này đề nghị. Và đây là kết quả của quá trình “phát triển tự nhiên”: 5 tuổi rồi mà bé chưa biết tự vệ sinh cá nhân, thậm chí nhiều hôm còn ị luôn trong quần. Bé hay đánh bạn, giấu đồ đạc của bạn và xách giày dép của bạn ném ra sân. Khi các bạn cùng lớp ngủ trưa thì bé lục đục chơi một mình hoặc chọc phá hết bạn này đến bạn khác. Các bạn thức dậy sinh hoạt, học hành thì bé gục lên gục xuống. Đi học về thì bé ngủ thẳng một giấc và sau đó thức đến 1 – 2g sáng. Cô giáo khuyên phụ huynh nên đưa bé vào nề nếp, chứ nếu kéo dài tình trạng này bé sẽ rất khó hoà nhập khi vào lớp 1. Trái hẳn với sự lo lắng của cô, người nhà tỉnh bơ: “Nếu có ở lại lớp 1 thì năm sau học lại cũng được, không có vấn đề gì cả!”. Bé không hề biết phân biệt phải trái, đúng sai, không biết sợ là gì!

Cách đây vài hôm, cô giáo dẫn bé đi tắm nhưng bé vùng vẫy bỏ chạy. Vì bé dơ quá thể nên cô giáo quyết không chiều ý bé. Thế là bé gầm gừ tức tối, đánh đấm túi bụi vào người cô. Khi cô nói lại chuyện này với phụ huynh thì nhận được câu trả lời: “Bé không thích tắm thì thôi, kệ bé đi cô! Bé nói là trong nhà tắm có cái gì đó bé không thích! Bộ trong nhà tắm có cái gì hả cô?”. Đến nước này cô giáo bó tay toàn tập!

Cả hai câu chuyện trên đều phải suy nghĩ nhiều. Trẻ cần lắm sự dạy dỗ, uốn nắn đúng lúc, kịp thời nhưng cũng rất cần khoảng không gian riêng để có những trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi. Trưởng thành là cả một quá trình tích lũy, rèn luyện kỹ năng, kiến thức. Quá trình đó diễn ra từng ngày một và ngay từ những năm tháng đầu đời. Không thể “úm” trẻ hoặc “thả” trẻ phát triển tự do, chờ đến ngày trẻ khôn lớn, đến một thời điểm nào đó trẻ sẽ hiểu ra rồi tự khắc trưởng thành được.

Trường học muốn giúp trẻ lớn lên, nhưng…

Tôi dạy ở trường mầm non gần 20 năm nay và nhận thấy cần rèn tính tự lập ngay khi trẻ còn trong tuổi mẫu giáo.

Hầu như lớp nào cũng có hai trường hợp phổ biến. Ở nhóm đầu tiên, các bé hòa nhập rất nhanh. Điều dễ thấy nhất là những bé này chỉ khóc một vài hôm khi mới vào lớp mầm, còn sau đó thích đi học hơn ở nhà.

Chuyện sinh hoạt, ăn uống cũng khá dễ chịu. Nhiều bé tự tháo giày dép, thay quần áo, có bé đến bữa ăn không cần đến cô. Các bé tham gia trò chơi, hoạt động rất hào hứng. Mỗi khi lớp chọn ra đội hình tham dự những cuộc thi văn nghệ hay năng khiếu khác thì các bé này thường làm nòng cốt.

Với nhóm thứ hai, do mọi thứ được người thân “bao cấp” từ lúc lọt lòng nên những ngày đầu tiên đi học cô giáo luôn phải dành nhiều thời gian dỗ dành, làm tất cả công việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân cho bé.

Vất vả nhất là chuyện ăn uống, các em vốn quen thích gì được nấy nên khi ở lớp cũng vậy, cứ đòi ăn những món không có trong thực đơn của trường. Nhiều phụ huynh còn soạn hẳn một danh sách liệt kê các món con mình muốn ăn, thậm chí nhắc cô giờ nào cho cháu uống sữa.

Có người còn mang theo cả thú bông đến lớp vì không có gì để ôm bé sẽ… không ngủ được. Hỡi ôi! Nếu tất cả cha mẹ của 40 cháu đều làm như vậy thì mỗi lớp cần bao nhiêu cô mới đáp ứng được?

Thay đổi một thói quen đã hình thành từ lâu không phải chuyện dễ dàng. Có lần tôi đề xuất ban giám hiệu trường cho mời một vài phụ huynh đến dự giờ ăn, giờ học.

“Tai nghe không bằng mắt thấy”, họ đã nhận ra những ưu, nhược điểm của phương pháp nuôi dạy con cái lâu nay, từ đó đồng ý “đổi mới tư duy” và tham khảo ý kiến của chúng tôi để áp dụng khi bé ở nhà. Đối với những trẻ này, giáo viên cần quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho các bé, khuyến khích và khen ngợi, động viên tinh thần các bé. Trẻ em nào chẳng thích được khen, sau nhiều lần như vậy các bé đã tiến bộ rõ rệt. Có bé đầu năm còn e dè, nhưng cuối năm lại có mặt trong đội múa của trường biểu diễn phục vụ lễ tổng kết năm học. Nhìn nụ cười mãn nguyện của phụ huynh, chúng tôi thấy rằng mình mới là người hạnh phúc nhất.

HẰNG NGA

 

T.L.