29/11/2024

Chới với vì “mặc đồ ngủ” xuống biển

Câu chuyện người dân nên mặc áo tắm xuống biển bất ngờ trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trong ngày làm việc cuối cùng (9.7) của kỳ họp lần thứ 14, HĐND TP.Đà Nẵng – thành phố chọn phát triển du lịch là ngành mũi nhọn.

 

Chới với vì “mặc đồ ngủ” xuống biển

 

Câu chuyện người dân nên mặc áo tắm xuống biển bất ngờ trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trong ngày làm việc cuối cùng (9.7) của kỳ họp lần thứ 14, HĐND TP.Đà Nẵng – thành phố chọn phát triển du lịch là ngành mũi nhọn.

 

 

Mặc trang phục bình thường khi tắm biển vô hình trung sẽ gây mất an toàn khi xuống nước - Ảnh: An Dy

Mặc trang phục bình thường khi tắm biển vô hình trung sẽ gây mất an toàn khi xuống nước – Ảnh: An Dy

Tại kỳ họp, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng, chia sẻ hầu hết du khách đến Đà Nẵng đều rất thích biển, muốn tắm biển nhưng nhiều người, nhất là khách nước ngoài, “dị ứng” với những phụ nữ “mặc đồ ngủ” đi tắm biển. Khái niệm “mặc đồ ngủ” này được hiểu rằng phụ nữ ra biển với bất kỳ trang phục bình thường nào, mà không phải trang phục tắm, nên khi bị ướt, quần áo dính chặt vào người vừa không đẹp mắt vừa rất phản cảm.
Phản cảm, luộm thuộm
Ông Alan Row (quốc tịch Úc), người gắn bó nhiều năm với Đà Nẵng, đặc biệt là những bãi tắm xinh đẹp, mà chúng tôi có dịp gặp trên bãi biển Phạm Văn Đồng (TP.Đà Nẵng) ngày 10.7, cho biết ban đầu khi thấy người dân xuống biển với bất cứ trang phục thường ngày nào, ông rất tò mò và lạ lẫm. Ông nghĩ có lẽ họ cảm thấy không được dạn dĩ, tự tin khi mặc áo tắm nơi công cộng. Theo Alan, mặc gì khi tắm là quyền của mỗi người, nhưng “điều quan trọng nhất là yếu tố an toàn”. “Tôi đã từng phải trợ giúp một cô gái trên biển khi cô ấy gặp nguy hiểm với chính bộ “quần áo tắm” là quần thun với chiếc áo vải rộng. Khi những đợt sóng mạnh tới tấp ập vào, cô gái luống cuống với chiếc quần dây thun mỏng manh có thể bị sóng đánh tuột bất kỳ lúc nào, đã vậy tay cô còn lóng ngóng kéo chiếc áo rộng xuống vì nó bị tốc ngược lên cao. Sự chới với lúc ấy khiến cô gái thực sự nguy hiểm trước những đợt sóng lớn”, Alan chia sẻ. Ông cũng nói thêm, các bạn của ông vẫn thích được tắm ở một bãi biển mà những người xung quanh đều mặc trang phục tắm hơn là trang phục bình thường.
Bà Nguyễn Thị Bích Trâm, du khách đến từ TP.Huế, bày tỏ quan điểm: “Không riêng gì ở biển Đà Nẵng, mà bãi biển ở nhiều tỉnh thành miền Trung, người dân địa phương đều có thói quen mặc trang phục bình thường khi ra biển. Bộ đồ đó mặc bình thường thì không sao, nhưng khi bị ướt, dính sát vào người, để lộ nội y nhìn rất phản cảm, luộm thuộm.
Tôi nghĩ mặc đồ tắm khi ra biển chính là tôn trọng bản thân và tôn trọng những người xung quanh”.
Xây dựng bãi tắm kiểu mẫu
Là đơn vị quản lý các bãi biển tại Đà Nẵng, cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với các đơn vị lữ hành, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng ghi nhận nhiều ý kiến từ du khách, những người làm du lịch về hình ảnh phản cảm khi người dân ra biển mà không mặc trang phục tắm. “Từ năm 2012, song song chuỗi hoạt động Mùa du lịch biển Đà Nẵng, chúng tôi tổ chức chương trình Đồng diễn flashmob ấn tượng với trang phục đồ tắm để tuyên truyền, khuyến khích người dân tắm biển với trang phục phù hợp. Sự kiện này thu hút hàng trăm bạn trẻ tham gia, lan toả thông điệp tắm biển văn minh với trang phục đẹp mắt”, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết.
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Trường tiểu học – THCS chất lượng cao Sky-Line, đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng khóa 8, góp ý thêm: “Không riêng gì phụ nữ, mà nam giới cũng nên mặc trang phục tắm khi ra biển. Đà Nẵng nên đưa vấn đề này vào bộ quy tắc ứng xử, dự kiến ban hành trong Năm văn hoá, văn minh đô thị 2015 để cùng chung tay làm đẹp thành phố, thu hút du khách, thu hút đầu tư”.
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, đảm bảo mỹ quan các bãi tắm, ông Ngô Quang Vinh thông tin ngành du lịch thành phố cũng nhiều lần đề xuất xây dựng những khu vực bãi tắm kiểu mẫu như chất lượng dịch vụ, khu tắm nước ngọt, bao gồm cả yêu cầu mặc trang phục tắm phù hợp để phục vụ người dân và thu hút du khách, nhưng vì còn nhiều vướng mắc, nên trước mắt vẫn là vận động, khuyến khích người dân sử dụng trang phục đi biển sao cho đảm bảo mỹ quan.
Khi được hỏi về trang phục tắm biển, nhiều người dân cho rằng không nhất thiết phải có khu vực riêng chỉ vì bộ đồ tắm, bởi biển là không gian chung, tự do. “Có thể khuyến khích người dân bằng cách tuyên truyền, chứ chẳng nên phân chia này nọ để gây bất bình đẳng và tranh cãi không cần thiết”, ông Nguyễn Chí Bình, một cán bộ hưu trí sống tại TP.Đà Nẵng, nói.

 

An Dy