Đừng để cuộc vui thành nỗi buồn
Chẳng ai có thể ngờ một chùm bóng bay trong tiệc sinh nhật hay loại bột dùng tạo hiệu ứng sân khấu bỗng dưng phát nổ, biến những cuộc vui trở thành thảm hoạ.
Đừng để cuộc vui thành nỗi buồn
Chẳng ai có thể ngờ một chùm bóng bay trong tiệc sinh nhật hay loại bột dùng tạo hiệu ứng sân khấu bỗng dưng phát nổ, biến những cuộc vui trở thành thảm hoạ.
Minh hoạ: Lap |
Ở nhiệt độ nào khí hydro cũng có thể phản ứng với oxy trong không khí gây phản ứng cháy nếu có mồi lửa. Thế nhưng, ở nhiệt độ tương ứng với tỉ lệ tới hạn giữa hydro và oxy cũng có thể gây phản ứng cháy nổ, đó là phản ứng tự bốc cháy. Do đó người dân, đặc biệt các em nhỏ, cần cẩn trọng với thứ đồ chơi tưởng vô hại này |
GS TRẦN HỒNG CÔN |
Bóng bay hydro phát nổ gây thương tích không là chuyện mới, nhưng gần đây vẫn có trường hợp bị phỏng, bị thương do nổ bóng bay. Đáng nói là nạn nhân của những vụ nổ này đa số là trẻ em vì bóng bay rất được các em yêu thích.
Chùm bóng bay tự nổ
Vào tháng 5-2015, ba sinh viên tại Huế bị phỏng phải nhập viện do nổ bóng bay trong buổi chụp hình kỷ yếu (Tuổi Trẻ ngày 13-5 đưa tin).
Trước đó tháng 1-2014, bốn người trong một gia đình, gồm ba cha con và một người cháu, đã bị phỏng nặng do người cha dùng bật lửa đốt sợi dây để tách chùm bóng bay chia cho những đứa trẻ…
Cũng tại thủ đô Hà Nội, đầu tháng 7 này đã có hai nạn nhân của bóng bay là bà N.T.Y. (56 tuổi) và cháu ngoại là C.M.H. (3 tuổi) ở phố Trần Duy Hưng bị phỏng phải nhập viện.
Nằm điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, bà Y. chưa thôi ngỡ ngàng khi nhớ lại phút giây đáng sợ ấy. Bà Y. kể: “Ngày 1-7, tôi mua một chùm bóng bay 40 quả được bọc trong túi nilông mang tới lớp của cháu H. tổ chức tiệc sinh nhật cho cháu.
Khi tôi cầm chùm bóng bay bước vào lớp, bỗng dưng một tiếng nổ lớn ngay trên đầu, toàn bộ số bóng bay tôi cầm trên tay đã phát nổ khiến tôi bị phỏng ở cổ, hai cánh tay. Cháu H. đứng gần tôi nên cũng bị phỏng ở vùng trán, mặt. Hai cháu khác cũng bị bóng nổ bắn vào người nhưng chỉ bị phỏng nhẹ ở vài chỗ trên cánh tay”.
Tại bệnh viện, bà Y. được xác định phỏng 10%, bé H. bị phỏng nhẹ 2% cơ thể, may mắn hơn là cháu H. chỉ bị phỏng ngoài mí mắt mà không ảnh hưởng đến thị lực.
Theo bà Y., lúc đó không hề có nguồn nhiệt, lửa khiến chùm bóng phát nổ, do đó bà Y. phán đoán chùm bóng phát nổ có thể do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ ngoài trời nắng nóng bước vào trong phòng điều hòa lạnh.
Chưa thể khẳng định nguyên nhân khiến chùm bóng phát nổ nhưng bà Y. chắc chắn sau vụ việc sẽ không bao giờ cho con, cháu mình đụng vào bóng bay.
Trao đổi về điều này, GS Trần Hồng Côn, bộ môn hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Ở nhiệt độ nào khí hydro cũng có thể phản ứng với oxy trong không khí gây phản ứng cháy nếu có mồi lửa.
Thế nhưng, ở nhiệt độ tương ứng với tỉ lệ tới hạn giữa hydro và oxy cũng có thể gây phản ứng cháy nổ, đó là phản ứng tự bốc cháy. Do đó người dân, đặc biệt các em nhỏ, cần cẩn trọng với thứ đồ chơi tưởng vô hại này”.
Ông Côn thông tin thêm khí hydro và heli nhẹ hơn không khí nên được sử dụng bơm bóng bay. So với heli, khí hydro rẻ hơn 1.000 lần, thậm chí có thể thu được khí hydro từ phản ứng rẻ tiền như ngâm nhôm với nước vôi, nên chúng được sử dụng phổ biến để bơm bóng bay, nhưng lại nguy hiểm hơn heli vì dễ bắt cháy.
Cẩn trọng với khí gas
Ngày 27-6, vụ nổ chất bột màu vàng dùng tạo hiệu ứng sân khấu tại công viên nước Formosa Fun Coast thuộc Đài Bắc, Đài Loan khiến hơn 500 người bị phỏng phải nhập viện, trong đó có nhiều ca rất nặng, thậm chí có người tử vong.
GS Trần Hồng Côn phán đoán có thể chất bột màu dùng tạo hiệu ứng sân khấu là thứ bột hữu cơ giống như bột mì, bột sắn – những chất này đều có ngưỡng nhiệt bắt cháy, ở điều kiện nhiệt độ, nồng độ thích hợp có phản ứng oxy hóa tạo ra nhiệt độ.
Khi ở dạng bụi, có điều kiện bắt cháy, chúng sẽ cháy theo kiểu dây chuyền từ phần tử này lan sang phần tử khác với tốc độ rất lớn, thổi mạnh hơi nhiệt tạo tiếng nổ, đám cháy lớn.
“Ví dụ có chất bột hữu cơ được phát tán ở dạng mù có nhiệt độ bắt cháy ở ngưỡng 300 – 4000C, khi gặp tia lửa điện có nhiệt cao hơn nhiệt độ bắt cháy sẽ tạo ra phản ứng cháy giống như ở buồng đốt xe máy, hay như nghệ sĩ xiếc ngậm xăng, phun lửa” – ông Côn nói.
Ông Côn cũng khuyến cáo để phòng cháy nổ, người dân cần thực hiện nghiên túc an toàn cháy nổ, nhất là với gas. Khi bước vào phòng kín thấy hơi gas phải mở cửa thông thoáng cho hơi gas bay ra ngoài, không bật điện ngay vì lúc này sẽ tạo thành tia lửa điện bắt cháy gây nổ gas rất nguy hiểm.
Các cơ sở sản xuất nhựa, polime, PP càng phải cẩn trọng vì trong quá trình sản xuất sẽ tạo ra bụi nhựa, polymer, PP có thể tự cọ vào nhau, tạo ma sát phóng tia lửa điện gây cháy nổ.