27/11/2024

Sài Gòn – Gia Định một thời để nhớ: Dinh Xã Tây

Hơn nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn và gần 40 năm gắn bó với nghề báo, nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang đã tiếp xúc với những nhân vật nổi danh cùng kho tư liệu quý giá về miền Nam, nhất là địa danh của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Thanh Niên xin giới thiệu loạt bài về đất Sài Gòn – Gia Định xưa.

 

Sài Gòn – Gia Định một thời để nhớ: Dinh Xã Tây

 

Hơn nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn và gần 40 năm gắn bó với nghề báo, nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang đã tiếp xúc với những nhân vật nổi danh cùng kho tư liệu quý giá về miền Nam, nhất là địa danh của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa.Thanh Niên xin giới thiệu loạt bài về đất Sài Gòn – Gia Định xưa.


 

Dinh Xã Tây nay là trụ sở UBND TP.HCM - Ảnh: Tư liệu của tác giảDinh Xã Tây nay là trụ sở UBND TP.HCM – Ảnh: Tư liệu của tác giả
Ngay khi người Pháp tới Sài Gòn, họ đã đặt nền hành chính theo tổ chức một nước thuộc địa: tỉnh, quận, xã. Sài Gòn lúc đó có Hội đồng thị xã để điều hành cả vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.
Người Pháp thuê ngôi nhà của một người tên là Đoàn Tại ở đường Rue aux Fleurs nằm ở khoảng giữa Nguyễn Huệ – Hàm Nghi (bây giờ là trụ sở Hải quan) vừa làm Hội đồng thị xã, vừa là cơ quan hành chính, có phòng Thương mãi, phòng Chứng khoán để cấp môn bài, chứng nhận giấy tờ mua bán bất động sản, làm sở hữu chủ đất ruộng cho người Việt và các kiều dân Pháp, Hoa, Chà… Số Pháp kiều ở thành phố chỉ có vài chục người và thêm vài trăm người Hoa, Chà, nhưng về sau đã gia tăng. Nhiều người Việt vì muốn được dễ dàng buôn bán, đi làm hoặc cho con cái du học nên nhập quốc tịch Pháp ngày một đông, vì vậy người Pháp quyết định chọn khu kinh Lấp (con kinh được lấp lại) nằm theo đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ bây giờ) xây Toà thị sảnh của thủ phủ Nam Kỳ.
Hơn 40 năm thiết kế và thi công
Các kiến trúc sư ở Pháp được mời sang dự thi và hàng chục người đưa ra hoạ đồ đủ kiểu mới lạ. Kết quả, hoạ đồ của kiến trúc sư Codry trúng giải. Một năm sau đó, hoạ đồ trên vẫn chưa được kiến trúc sư Codry thực hiện, nên nhà cầm quyền Pháp đã phải mời một kiến trúc sư Pháp khác vẽ lại. Mãi tới năm 1870, khi Blancsubé sang nhậm chức Thị trưởng Sài Gòn, ông ta định đem đồ án trên ra thực hiện, nhưng gặp trở ngại là Hội đồng thị xã bàn ra tán vào, nên công việc lại nằm yên một chỗ.
Năm 1893, vấn đề xây cất Toà thị sảnh lại được Hội đồng thị xã đem ra bàn. Đến năm 1898, Hội đồng thị xã mới đồng ý chấp thuận xây tại địa điểm cũ nhưng bắt vẽ lại hoạ đồ khác cho hợp với các công trình ở thành phố đã được thực hiện mới lạ và đồ sộ. Việc khởi công toà nhà vào năm 1899, do kiến trúc sư Gardès vẽ đồ hoạ mới. Còn phần trang trí và thiết kế hoa văn phù điêu trong ngoài Toà thị sảnh được giao cho hoạ sĩ Ruffier thực hiện. Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì có sự bất đồng ý kiến giữa hoạ sĩ Ruffier với các nghị viên Hội đồng thị xã về việc thay đổi vài chi tiết phần thiết kế nội sảnh.
Họa sĩ Ruffier muốn sửa đổi một vài chi tiết nội thất, ông phải về Pháp nghiên cứu lại, nên cần một số tiền mới có thể làm được. Hội đồng thị xã cũng chấp thuận. Việc trang trí tiền sảnh, nội sảnh bắt đầu vào ngày 21.3.1903 đến năm 1906, hoạ sĩ Ruffier mới làm được hai phần ba tổng số công việc, nên thị trưởng mới là ông Cuniac lo lắng, hối thúc họa sĩ Ruffier mau chóng hoàn tất công việc. Đến đây lại gặp trở ngại. Hội đồng thị xã nhận ra rằng vì kiểu cách thay đổi mà mặt tiền của toà nhà trông có vẻ kỳ dị quá nên đưa ra đề nghị là phải phá bỏ cái lầu cao chênh vênh đằng trước (lầu đồng hồ như gác chuông). Viên thị trưởng muốn công việc sớm hoàn tất, nên đã cho chụp ảnh lầu chuông tiền sảnh gửi về bên Pháp để hoạ sĩ Ruffier xem rồi tìm một kiến trúc khác thiết kế lại, thay cái lầu chuông đồng hồ không đẹp ấy. Đến đây, thấy việc xây cất tốn kém và lại chậm trễ, nên viên Thống đốc Rodier đã từ chối cấp thêm kinh phí. Năm 1907 vẫn chưa xong công trình, nên hợp đồng của họa sĩ Ruffier bị bãi bỏ và họa sĩ Bonnet đứng ra thay thế, đảm nhận hoàn tất trang trí những phần còn lại. Còn họa sĩ Ruffier bị Hội đồng thị xã đem ra Tham chính viện kiện vì không thực hiện đúng hợp đồng, do kéo dài đến năm 1914. Kết quả toà đã bác đơn của hoạ sĩ Ruffier và xử ông phải trả hai phần ba án phí, cộng thêm khoản bồi thường thiệt hại cho Hội đồng thị xã nhưng Ruffier vắng mặt vì… không có tiền nên kết quả huề cả làng và cũng chẳng biết sau đó hoạ sĩ Ruffier lưu lạc nơi đâu.
Kiến trúc cổ nổi tiếng
Ngày Toà thị sảnh được khánh thành, người ta đọc thấy hàng chữ ở mặt tiền sảnh như sau: Hôtel de Ville nhưng người dân Việt lại gọi đơn giản: Xã Tây. Theo tự điển Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ là “Tòa đô sảnh một thành phố đời Pháp: Xã Tây Sài Gòn”. Xã Tây theo nghĩa dân gian là làng của Tây, do các viên chức Pháp làm việc, công việc của Xã Tây do một viên thị trưởng người Pháp điều hành, và bên cạnh có một Hội đồng thị xã đều do nhà cầm quyền Pháp chỉ định.
Xã Tây trên giấy tờ gọi là Toà thị sảnh. Đến thời Bảo Đại thì được đổi lại là Toà đô sảnh và do các đốc phủ sứ được bổ nhiệm làm thị trưởng. Chế độ Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại, dinh Xã Tây do những đốc phủ sứ làm đô trưởng (1954 – 1963). Khi chế độ quân nhân lên thay Ngô Đình Diệm, các tướng tá lần lượt thay nhau làm đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn. Người đô trưởng cuối cùng, trước ngày 30.4.1975 là đại tá Đỗ Kiến Nhiễu.
Sau giải phóng, dinh Xã Tây trở thành trụ sở làm việc của UBND TP.HCM, là một di tích kiến trúc cổ nổi tiếng thu hút khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.

 

Lý Nhân Phan Thứ Lang 
L.C.S (lược trích)