Từ mạng xã hội ảo đến bi kịch thật
Khi ngồi trước màn hình, không ít người chưa ý thức được hành vi xử sự của mình với mỗi cú click hoặc những dòng bình luận. Thế nên hệ luỵ từ mạng ảo đã thành vô số bi kịch thật.
Từ mạng xã hội ảo đến bi kịch thật: có cần khuôn khổ?
Khi ngồi trước màn hình, không ít người chưa ý thức được hành vi xử sự của mình với mỗi cú click hoặc những dòng bình luận. Thế nên hệ luỵ từ mạng ảo đã thành vô số bi kịch thật.
Tranh minh hoạ. |
Khi thảo luận dự án Luật an toàn thông tin mạng đã có đại biểu Quốc hội đề nghị đưa mạng xã hội vào khuôn khổ. Đó là khuôn khổ gì, nên hay không?
* Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông NGUYỄN BẮC SON:
Rất khó quản lý mạng xã hội
Có thể nói, công nghệ thông tin và Internet đang làm thay đổi xã hội hằng ngày, hằng giờ với những mặt tích cực và tiêu cực song hành tồn tại. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin trên mạng đứng trước thách thức rất lớn.
Tôi hiểu rằng thực tiễn luôn đi trước, công tác quản lý lại có độ trễ nhất định. Mong muốn của chúng tôi khi trình Quốc hội dự án Luật an toàn thông tin mạng là làm sao đưa ra được những quy định khả thi nhất, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, tác hại của Internet, mạng xã hội.
Đại biểu Quốc hội mong muốn rất cao là đạo luật này ra đời phải điều chỉnh được nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra như tin nhắn rác, mất an ninh thông tin, chuyện blog cá nhân, rồi các trang mạng bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ…
Tôi nghĩ, luật này khi ra đời hi vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề, nội dung trong việc bảo đảm an toàn thông tin chứ không thể giải quyết được tất cả những vấn đề đang gây bức xúc xã hội.
Để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, ở các nước người ta có nhiều đạo luật khác nhau, chẳng hạn như Úc có hẳn một đạo luật về an toàn cáp quang biển, nhiều nước có luật về an toàn thông tin cá nhân (như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan)…
Ông Nguyễn Bắc Son – Ảnh: Việt Dũng |
Khuyến khích đưa thông tin tốt
* Thưa ông, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến sự phát triển của các mạng xã hội và hệ luỵ mà nó gây ra, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, như có đại biểu đã dẫn chứng trường hợp nữ sinh ở Đồng Nai tự tử vì sức ép trên mạng… Làm sao để vừa quản lý vừa ngăn ngừa độc hại, vừa đảm bảo không gian dân chủ trên mạng?
– Từ chuyện này đặt ra nhiều vấn đề. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Thông tin – truyền thông, phải có trách nhiệm xem xét, hoàn thiện hành lang pháp lý.
Về phía các nhà dịch vụ mạng, phải thấy rằng anh đưa thông tin đó lên sẽ dẫn đến tổn hại đối với xã hội, không chỉ dẫn một con người đến chỗ suy nghĩ cực đoan do bị áp lực của dư luận, mà những hình ảnh đó còn tác động tiêu cực đến cộng đồng vì nó ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trách nhiệm của các nhà mạng là khi phát hiện những clip như vậy phải kịp thời ngăn chặn bằng biện pháp kỹ thuật, hạn chế tối đa sự lan truyền. Về phía các gia đình cũng phải có trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, hướng dẫn con cái khi tham gia mạng xã hội.
Đặc biệt, đối với mỗi người phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, góp phần làm cho xã hội tốt hơn, chứ anh đưa lên những thông tin bịa đặt, bôi nhọ, gây tổn hại đến người khác thì không thể chấp nhận được.
* Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc quản lý, kiểm soát đối với các cá nhân tham gia mạng xã hội như thế nào, từ việc truy cập, thu thập và cung cấp thông tin…?
– Cùng với việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý, đưa ra những chế tài thích đáng cho các hành vi sai trái, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người nhận thức được trách nhiệm, bổn phận của mình.
Mỗi người khi tham gia cộng đồng mạng phải có ý thức bảo vệ mình, đồng thời ý thức được mỗi việc mình làm, mỗi thông tin mình đưa lên không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và xã hội.
Chúng ta khuyến khích tổ chức, cá nhân đưa những thông tin tốt, thông tin có ích cho xã hội, phù hợp với pháp luật và đạo đức VN lên mạng. Khi mà mọi người đều có ý thức bảo vệ những thông tin tốt, chống lại thông tin xấu, độc thì an toàn thông tin mạng sẽ được đảm bảo.
Khi phát hiện những thông tin xấu, độc, mọi người cần lập tức báo cho cơ quan chức năng và đưa ra cảnh báo đối với cộng đồng thì tác dụng độc hại sẽ giảm bớt.
Thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật phải bị chế tài
* Có đại biểu đề nghị cần cấm mạo danh trên Facebook, ông nghĩ gì về đề xuất này?
– Facebook hoạt động xuyên biên giới, mọi người đều có quyền và có thể truy cập, tạo tài khoản cá nhân để tham gia, không cần phải đăng ký với ai cả. Nếu bây giờ chúng ta đặt vấn đề quản lý, cấm và ra chế tài thì đó là một thách thức rất lớn.
Bạn có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, lên mạng, tham gia Facebook bằng một nickname rất dễ dàng. Để cấm được như đại biểu đề xuất, ví dụ như buộc người sử dụng phải đến cơ quan nào đó đăng ký và cam kết dùng tên thật thì hiện nay là chưa thể.
Mong muốn của chúng ta là có khung khổ pháp lý để mọi hành vi của con người trong xã hội tự do trong khuôn khổ pháp luật, để tự do của người này không xâm phạm đến tự do của người khác.
Hiến pháp thừa nhận quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, nhưng nếu ai đó lợi dụng quyền tự do để xâm hại đến lợi ích chính đáng của người khác, xâm phạm đến lợi ích quốc gia phải bị nghiêm trị.
Lập một Facebook và đăng tải thông tin là quyền tự do cá nhân, nhưng nếu dùng Facebook đó để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm người khác hoặc đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật phải bị chế tài thích đáng bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật.
* Những thông tin xuất phát từ các blog, trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài như vừa qua có những trang mạng thu hút sự chú ý bằng cách đưa rất nhiều thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước… làm sao có thể hạn chế được?
– Những thông tin xuyên biên giới thì hiện nay không chỉ thách thức đối với VN mà là vấn đề thách thức đối với cả thế giới. Chúng ta cũng đã thực hiện nhiều biện pháp.
Hiện nay có tám công ty cung cấp dịch vụ này được phép hoạt động thì cũng đang phối hợp với cơ quan nhà nước dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn. Đương nhiên, các biện pháp kỹ thuật cũng không thể ngăn chặn được tuyệt đối.
Chính vì vậy, chúng ta cần có nhìn nhận khách quan và có hệ thống giải pháp đồng bộ cho vấn đề này. Tôi lấy ví dụ, trước đây những trang mạng như “quan làm báo”, “dân làm báo” lúc đầu người dân xem cũng nhiều, nhưng qua thời gian chúng ta tuyên truyền thì dân xem ít đi và cũng không xem nữa.
Vì vậy, quan trọng nhất là chúng ta tuyên truyền để mọi người có ý thức bảo vệ chính mình và bảo vệ cho xã hội, cho cộng đồng. Nếu trên mạng có nhiều thông tin chân thực, thông tin tốt, phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục VN sẽ góp phần đẩy lùi cái xấu.
* Như vậy ở đây phải đặt vấn đề về vai trò, trách nhiệm rất lớn của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin chính thống cho người dân, cho xã hội?
– Đúng như vậy. Từ năm 2008 Thủ tướng đã ban hành quy chế người phát ngôn. Sau đó, nhận thấy rằng quy định này không còn phù hợp về mật độ thời gian cung cấp tin tức nên đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.
Nếu trước đây có thể ba tháng họp báo một lần thì bây giờ phải họp báo hằng tháng. Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương phải đưa thông tin của mình lên cổng thông tin chính thức.
Đối với các sự kiện đột xuất trước đây quy định sau hai ngày mới họp báo, còn bây giờ với những thông tin nào ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội thì cơ quan có trách nhiệm phải cung cấp thông tin ngay trong ngày.
* Nhà sản xuất phim TRẦN THỊ BÍCH NGỌC: Tầm nhận thức và văn hoá của mỗi người Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời hữu ích để kết nối mọi người với nhau, giúp ta cập nhật thông tin và tiếp cận được với kiến thức văn minh nhân loại nhanh nhất. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, một trong những mặt trái của mạng xã hội là làm cho sự riêng tư của cá nhân được phơi bày nhanh và rộng rãi không kém. Tôi không ít lần cảm thấy bất an, khó chịu về sự tân tiến của mạng xã hội. Có lần khi vừa mua vé máy bay, tôi nhận được ngay một vài tin nhắn về dịch vụ xe đưa đón sân bay tại nơi tôi sắp đến, hay ví dụ ngày hôm nay tôi có một chuyến bay cần thực hiện thì rất bất ngờ Google cũng gửi thông báo cho tôi nhắc nhở về chuyến bay đó và còn chỉ rõ cửa ra máy bay! Thật sự tôi không cảm thấy vui vẻ gì khi nhận được những thông báo như vậy, cảm giác cuộc sống của mình không còn gì là cá nhân riêng tư, mà tất cả đều bị phơi bày với một đối tượng nào đó không lộ diện. Hoặc như tôi có đứa cháu gái mới 10 tuổi, cháu đã biết đến Facebook và rất thích. Tuy nhiên, cháu không thể lập Facebook cho cá nhân mình được vì biết chắc bố mẹ sẽ không đồng ý. Vậy là cháu lập một trang Facebook với tên của bà ngoại, dùng nó để lang thang trên mạng post và comment lung tung. Trong những trường hợp với thế hệ nhỏ như vậy thì sự giáo dục, hướng dẫn của người lớn là rất quan trọng. Tuy nhiên một công cụ hữu ích vậy không thể và không nên bị kiểm soát. Quan trọng là thái độ và cách sử dụng của mỗi cá nhân chúng ta đối với nó, gọi từ rất cũ là “văn hóa ứng xử” trên mạng. Mỗi cá nhân chúng ta có sự tôn trọng chính bản thân mình, tôn trọng mọi người xung quanh, tôn trọng các mối quan hệ xã hội của mình cũng đã giảm thiểu được rất nhiều phần tiêu cực trên mạng. Cuối cùng, theo tôi, vấn đề vẫn chỉ là tầm nhận thức và văn hoá trong mỗi cá nhân khi tham gia vào xã hội, dù đó là mạng ảo hay mạng thật ngoài đời.
* Bà LÊ ANH THƠ (phó giám đốc Hội đồng Anh VN): Nhiều người chưa ý thức được sự nguy hiểm đang rình rập Luật an toàn thông tin, đặc biệt là an toàn thông tin trên mạng, đã được các quốc gia tiên tiến áp dụng triệt để và được người dân thực hiện rất nghiêm túc từ khá lâu rồi. Ngày nay mạng xã hội bùng phát, với một dân số trẻ và đông như VN thì mạng xã hội đã thâm nhập rất sâu vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, ý thức về vấn đề an toàn thông tin này có vẻ chưa được nâng cao lắm. Bản thân tôi thấy trên các mạng xã hội đầy rẫy thông tin lẽ ra cần phải được bảo vệ mà mọi người vẫn cứ vô tư đem khoe. Đơn cử nhất là hình ảnh trẻ con không mặc quần áo, đến việc vô tư tiết lộ tên họ đầy đủ, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, chứng nhận sức khỏe một cách rất chi tiết của con trẻ lẫn của bản thân mình. Có vẻ mọi người vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm đang rình rập đến an nguy của chính chúng ta và những người thân của mình chỉ vì những cách chia sẻ thông tin tưởng chừng vô hại đó. Hay tôi cũng thật sự không thích việc trích các trạng thái trên Facebook hoặc copy các tin nhắn, đoạn chat và đưa lên trang của mình. Tôi vẫn hay thấy nhiều người so sánh về tự do ngôn luận ở VN với các nước khác, nhưng hình như các bạn quên không để ý rằng bên cạnh cái tự do đó là một số các luật khác, và chúng bổ sung rất chặt chẽ với nhau. |
* Đại biểu NGUYỄN THANH HẢI (phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội): Đừng bỏ mặc trẻ em với chiếc máy tính nối mạng Tôi cho rằng tác động xấu của Internet, mạng xã hội là khó tránh khỏi và những rủi ro đau lòng có thể vẫn tiếp tục diễn ra. Vừa rồi, tôi tham dự diễn đàn nghị sĩ trẻ toàn cầu ở Nhật Bản, tại đây chủ đề làm thế nào để thanh thiếu niên tránh được những tác động tiêu cực của Internet đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nghị sĩ, thảo luận rất sôi nổi. Người ta thấy rằng mặt trái của môi trường mạng luôn phát triển song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao vừa thúc đẩy mặt tích cực của Internet, công nghệ thông tin và giảm thiểu đến mức tối đa mặt tiêu cực chứ không thể triệt tiêu mặt tiêu cực được. Tôi nghĩ rằng trước hết mỗi người phải tự bảo vệ chính mình. Nhưng đặc biệt nhất vẫn phải là vai trò của giáo dục. Hiện nay tôi thấy các em nhỏ chỉ lớp 2, lớp 3 đã sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại để truy cập vào mạng, tự tìm kiếm thông tin, hình ảnh trên mạng. Với các em nhỏ thì tác động tiêu cực lại càng lớn vì khả năng nhận thức, khả năng tự bảo vệ của các em vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, ngành giáo dục cần phải có chương trình trang bị kiến thức cho các em học sinh từ cấp tiểu học để các em biết cách tự bảo vệ mình trước những rủi ro khi sử dụng Internet. Bố mẹ, gia đình không thể bỏ mặc trẻ em với cái máy tính được kết nối Internet. Đồng thời, chúng ta cần đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của các nhà cung cấp dịch vụ, quy định các chuẩn mực khắt khe buộc họ phải tuân thủ, ví dụ đưa một bộ phim lên mạng phải kèm lời cảnh báo như đây là phim bạo lực, đây là phim chỉ dành cho người 18 tuổi trở lên… Trong thực tế, tôi nghĩ rằng các nhà mạng biết có những thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng xấu đến người dùng bị phát tán, nhưng nhà cung cấp dịch vụ vẫn làm ngơ, thậm chí hỗ trợ kỹ thuật để nó lan truyền vì mục đích lợi nhuận của mình. Quan điểm của tôi là các chế tài xử lý cần phải thực hiện nghiêm minh, thậm chí khắc nghiệt để chấm dứt tình trạng sai phạm, có như vậy mới giảm thiểu được những tác hại khôn lường như chúng ta đã thấy.
* Đại biểu NGUYỄN THANH PHƯƠNG (TP Cần Thơ): Sử dụng thông tin cá nhân phải được đồng ý Tôi thống nhất cao với nguyên tắc nêu trong dự án luật này là thông tin của cá nhân thì cá nhân phải bảo vệ trước tiên. Khi thông tin của cá nhân được các cá nhân khác, các tổ chức thu thập và được sự đồng ý của cá nhân đó thì phải có trách nhiệm bảo vệ thông tin. Tôi đề nghị tới đây cần bổ sung các quy định về trách nhiệm cá nhân, tổ chức thu thập thông tin nhưng sử dụng sai mục đích ban đầu và làm phát tán thông tin cá nhân khi không được phép của người cung cấp thông tin phải bị xử lý. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi sử dụng thông tin cá nhân của người khác phải được sự đồng ý và khi sử dụng phải đúng mục đích. Thực tế hiện nay cho thấy việc phát tán thông tin cá nhân đang xảy ra và gây những tác hại rất lớn nhưng lại khó truy trách nhiệm của các cá nhân hay tổ chức thu thập làm phát tán thông tin đó.
* Đại biểu NGUYỄN QUỐC BÌNH (TP Hà Nội): Không được thoái thác trách nhiệm khi phát tán thông tin Tôi nghĩ cần có quy định về chống thoái thác thông tin, đảm bảo mọi thông tin đều có thể truy nguồn, đây là một điều kiện để hài hòa việc tôn trọng riêng tư cá nhân nhưng đồng thời đảm bảo lợi ích chung. Chống thoái thác thông tin tức là quy trách nhiệm về việc cung cấp thông tin tới từng cá nhân, tổ chức, như vậy sẽ làm giảm những luồng tin sai gây bất ổn trong xã hội, góp phần xây dựng nề nếp trao đổi thông tin văn minh hơn. Tình trạng nói sai, xuyên tạc có dụng ý hay không dụng ý trên mạng hiện nay đang phát triển rất mạnh, gây ra nhiều hậu quả, trong đó làm xói mòn văn hóa cộng đồng, gây mất niềm tin vào xã hội, gốc của vấn đề là chưa có một luật nào ghi rõ trách nhiệm về việc này. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật an toàn thông tin mạng nguyên tắc tổ chức, cá nhân khi tham gia cung cấp thông tin có trách nhiệm với các thông tin cung cấp, chống thoái thác trách nhiệm. |