28/11/2024

Đảm bảo vẻ đẹp nguyên thuỷ của nhà thờ Đức Bà

Vương cung thánh đường Chánh toà Đức Bà Sài Gòn (người dân hay gọi là nhà thờ Đức Bà) sắp được trùng tu với quy mô lớn sau hơn 135 năm tồn tại giữa trung tâm Q.1, TP.HCM.

 

Đảm bảo vẻ đẹp nguyên thuỷ của nhà thờ Đức Bà

 

Vương cung thánh đường Chánh toà Đức Bà Sài Gòn (người dân hay gọi là nhà thờ Đức Bà) sắp được trùng tu với quy mô lớn sau hơn 135 năm tồn tại giữa trung tâm Q.1, TP.HCM.


 

Nhà thờ Đức Bà hiện nay - Ảnh: Diệp Đức Minh

Nhà thờ Đức Bà hiện nay – Ảnh: Diệp Đức Minh

Ngày 14.6, liên quan đến kế hoạch trùng tu, linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM kiêm Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà, cho biết thời gian dự kiến bắt đầu trùng tu vào đầu quý 4/2015, được phân thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 trùng tu phần mái, giai đoạn 2 trùng tu phần nội thất, giai đoạn 3 trùng tu tháp chuông nhà thờ.

 
 
Đảm bảo vẻ đẹp nguyên thủy của nhà thờ Đức Bà - ảnh 2
Chúng tôi rất mong muốn việc viết, vẽ lên tường nhà thờ sẽ được chấm dứt để giữ vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc
Đảm bảo vẻ đẹp nguyên thủy của nhà thờ Đức Bà - ảnh 3
 
Linh mục Hồ Văn Xuân
 
Vẫn tổ chức thánh lễ trong quá trình trùng tu
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, nhà thờ Đức Bà không bị thiệt hại gì do chiến tranh, nhưng hiện có nhiều hạng mục xuống cấp do thời tiết sau hơn 135 năm đưa vào sử dụng. Ban trùng tu nhà thờ Đức Bà đã mời Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn tiến hành kiểm định mức độ xuống cấp của công trình. Ưu tiên số một hiện nay là chống dột phần mái. Ước lượng các mái của nhà thờ có khoảng 50.000 viên ngói.
Sau một số đợt sửa chữa nhỏ trước đây, mái ngói nhà thờ ngoài loại nguyên thuỷ là ngói Marseille của Pháp còn có ngói Indochinois, ngói Phú Hữu. “Yêu cầu đặt ra là phải tuyệt đối giữ được nguyên trạng kiến trúc công trình, đảm bảo được độ chắc chắn, bền vững và an toàn. Ban trùng tu đã chọn được đơn vị thi công trong nước để triển khai việc trùng tu. Mặc dù phía dưới mái ngói có vòm bê tông kiên cố nhưng đơn vị thi công sẽ dựng một hệ thống giàn giáo bao quanh, phía trên phủ mái tôn che toàn bộ nhà thờ đảm bảo tránh được nắng, mưa. Trong quá trình trùng tu, tại nhà thờ vẫn tổ chức thánh lễ cho giáo dân”, linh mục Hồ Văn Xuân cho biết.
Cũng theo linh mục Hồ Văn Xuân, hiện nay trên thị trường không còn xuất hiện loại ngói Indochinois, ngói Phú Hữu. Ngói nguyên thuỷ Marseille cũng ít được nhắc đến tại VN. Linh mục Hồ Văn Xuân nói: “Giải pháp thi công không khó nhưng khó nhất là nguồn vật liệu phục vụ cho việc trùng tu. Ban trùng tu đã đưa ra tiêu chuẩn, quy cách nhưng các đơn vị sản xuất ngói trong nước cho rằng không thể nào làm được. Tháng 7 tới trong chuyến sang Pháp, chúng tôi sẽ liên hệ với nhà máy sản xuất ngói nguyên thủy Marseille. Nếu nhà máy này không còn tồn tại thì có thể sẽ chọn ngói của đơn vị kế tục sản xuất loại ngói này để nhập về thay thế”.
Về giai đoạn 2 trùng tu nội thất, theo linh mục Hồ Văn Xuân, sẽ khắc phục một số bộ phận kính màu gắn trên các ô cửa (thể hiện các điển tích trong Kinh thánh) bị rạn, nứt; một số hoạ tiết hoa văn không còn nguyên vẹn như thiết kế ban đầu. Vật liệu kính màu cũng sẽ được nhập từ Pháp. Đối với hệ thống tháp chuông, hiện Ban trùng tu đang tiến hành kiểm định mức độ gỉ sét, độ bào mòn của các trục gắn các quả chuông để có giải pháp khắc phục, sửa chữa phù hợp.
“Việc trùng tu được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ 10 năm qua để đảm bảo nhà thờ giữ được vẻ đẹp nguyên thuỷ, không bị thay đổi kết cấu, hình dạng, màu sắc sau khi trùng tu. Thời gian trùng tu vì vậy có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Tổng giáo phận TP.HCM sẽ lo kinh phí trùng tu. Hiện chưa được khái toán một cách cụ thể nhưng dự kiến sẽ cần một số tiền khá lớn”, linh mục Hồ Văn Xuân nói thêm.
 

Nguyên bản kiến trúc nhà thờ Đức Bà khánh thành vào năm 1880 - Ảnh: Tư LiệuNguyên bản kiến trúc nhà thờ Đức Bà khánh thành vào năm 1880 – Ảnh: Tư Liệu
Bộ chuông độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, ngày 7.10.1877, Giám mục Isidou Colombert cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Đức Bà (dài 93 m, rộng 35 m) và cũng chính ngài cử hành nghi thức khánh thành vào ngày 11.4.1880. Nhà thờ Đức Bà do kiến trúc sư người Pháp Bourad thiết kế, đồng thời trúng thầu thi công dựa trên sự mô phỏng kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris. Toàn bộ vật liệu xây dựng nhà thờ đều được nhập từ Pháp. Màu sắc ít thay đổi và mặt ngoài của vật liệu không đóng rêu.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là sự kết hợp hài hoà 2 trường phái kiến trúc cổ điển châu Âu: roman (kiểu vòm cong tròn) và gothic (kiểu mái vòm vuốt nhọn). Sự kết hợp này thể hiện rõ nhất ở phần tháp chuông. Tháp chuông khi mới khánh thành có mái bằng (cao 36,6 m) nhưng đến năm 1895, kiến trúc sư Gardes thiết kế thêm phần mái nhọn vươn lên cao như ngày nay (nâng tổng chiều cao lên 60,5 m).
Bộ chuông gồm 6 quả chuông nặng tổng cộng gần 30 tấn gắn trên 2 tháp được đánh giá là độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Chất liệu chuông bằng đồng, do hãng đúc chuông Bolley chế tác vào năm 1879 tại Pháp với những đường nét họa tiết trên chuông rất tinh xảo. Bộ chuông được phối âm độc đáo với các cung: sol, la, si, do, re, mi. 6 quả chuông được thiết kế 2 phần: phía bên phải tháp chuông từ ngoài nhìn vào (phía Bưu điện TP.HCM) gắn 4 chuông sol, si, re và mi; phía bên trái (phía Hội trường Thống Nhất) gắn 2 chuông la và do. Giàn treo tháp chuông được thiết kế độc lập nên khi cùng lúc 6 quả chuông được đổ vang, độ rung tạo ra không ảnh hưởng đến tháp chuông. Ở mặt tiền của tháp chuông có gắn một đồng hồ lớn đường kính 2 m.
Một điểm đặc biệt khác là phần móng nhà thờ rất kiên cố. Trải qua hơn 135 năm sử dụng không có dấu hiệu nghiêng lún hay bị nứt tường, dù nhà thờ toạ lạc độc lập trên vị trí xung quanh có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn.
Kêu gọi ngừng vẽ bậy lên tường nhà thờ
Cùng với các công trình kiến trúc cổ thời Pháp ở trung tâm Q.1 như Bưu điện TP.HCM, Nhà hát TP.HCM, chợ Bến Thành, trụ sở UBND TP.HCM… nhà thờ Đức Bà là một biểu tượng gắn liền với sự hình thành, phát triển của TP.HCM hơn 300 năm qua. Theo linh mục Hồ Văn Xuân, điều đáng buồn là thời gian qua một số người thiếu ý thức đã viết, vẽ lên tường bên ngoài của nhà thờ. “Đợt trùng tu cũng sẽ tính đến việc xoá đi các dấu vết này. Quả thật nếu cạo mặt ngoài thì rất tiếc vì sẽ làm mòn lớp gạch. Riêng giải pháp sơn lại mặt ngoài dự kiến sẽ mời chuyên gia của Pháp tính toán trước để không làm ảnh hưởng đến màu sắc của gạch tường. Chúng tôi rất mong muốn việc viết, vẽ lên tường nhà thờ sẽ được chấm dứt để giữ vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc”, linh mục Hồ Văn Xuân nói.

 

Đình Phú