Nấu nước tắm trị ngứa
Dùng cây lá trong vườn để làm nước tắm có thể trị chứng ngứa ngáy, rôm sảy ở trẻ nhỏ rất hữu hiệu.
Nấu nước tắm trị ngứa
Dùng cây lá trong vườn để làm nước tắm có thể trị chứng ngứa ngáy, rôm sảy ở trẻ nhỏ rất hữu hiệu.
Cây chút chít: Còn gọi là cây lưỡi bò, có vị đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, thông đại tiện, sát trùng. Dùng cây chút chít nấu nước tắm trị mẩn ngứa khá tốt. Cách dùng: lấy chừng 20 gr cành, lá cây chút chít, bẻ nhỏ cho vào nồi, đun với 3 lít nước; nhỏ lửa chừng 10 phút. Nước còn ấm đem cọ rửa vùng da ngứa và nổi mẩn. Các nốt nổi mẩn sẽ bớt dần.
Cây sài đất: Là một loại thảo dược phổ biến, chuyên dùng làm thuốc trị mẩn ngứa ngoài da. Vị thuốc này chứa chất kháng khuẩn, có tác dụng chữa mụn nhọt ngoài da, lở ngứa, rôm sảy, chốc loét. Cách dùng: sài đất 30 gr, kim ngân hoa 15 gr, ké đầu ngựa 10 gr, đun với 2 lít nước để hơi nguội đem tắm rửa cho trẻ nhỏ, rất công hiệu. Nếu trẻ bị mẩn ngứa có kèm lở loét thì tắm ngày 2 lần, vài lần là khỏi.
Cây bồ công anh: Có 2 loại là bồ công anh bắc và bồ công anh nam. Loại bồ công anh đề cập ở đây là bồ công anh nam. Bồ công anh vị đắng, tính hàn, có tác dụng giải độc, chữa mụn nhọt ngoài da. Cách dùng: lấy 40 – 50 gr lá tươi đun với 2 lít nước, dùng tắm khi nước còn ấm. Tắm ngày 2 lần. Có công dụng trị mụn nhọt ngoài da mùa hè – nhất là những mụn to, mụn mủ, mụn ở đầu, tóc. Hoặc có thể dùng: bồ công anh 80 gr (tươi), khổ sâm cho lá 80 gr (tươi), hạt sà sàng 40 gr; đun với 4 lít nước, tắm rửa ngày 1 lần, vài ngày sẽ khỏi.
Cây kim ngân: Có vị đắng, tính hàn, tác dụng chống viêm, nhuận mật, thu liễm, lợi tiểu, kháng khuẩn. Thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn ngoài da như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, cùng các loại nấm ngoài da.
Lá kim ngân có tác dụng chữa mẩn ngứa ngoài da tương đối tốt. Cách dùng: kim ngân hoa dạng tươi 40 gr, quả ké đã sao bỏ gai 30 gr. Cho 2 vị thuốc này vào nồi, thêm 3 lít nước, đun sôi 10 phút. Nước còn hơi ấm đem tắm cho trẻ, ngày tắm 2 lần, rửa chỗ mẩn ngứa. Nước này chữa các bệnh mẩn ngứa ngoài da.
Cây ké: Có vị ngọt, tính ôn, hơi có độc khi dùng theo đường uống. Dùng ngoài da, ké đầu ngựa hữu dụng trị các chứng ngứa da, chống phản ứng dị ứng, làm tiêu biến mụn nhọt không đầu như nhọt bọc, nhọt to nhờ tác dụng sát khuẩn. Cách dùng: cây ké cả lá, cây và quả 200 gr, cây vòi voi 200 gr, bèo tía 200 gr. Cho 3 vị này vào nồi, đun với 5 lít nước chừng 10 phút. Để nguội, ngày tắm cho trẻ nhỏ 2 lần, tắm chừng độ 4 ngày thì khỏi chứng ngứa da, gãi lở loét ngoài da.
Cây chè vằng: Có vị đắng, tính lương, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu viêm. Vị thuốc có tác dụng tốt với bệnh lở loét ngoài da. Cách dùng: lấy 30 – 40 gr lá chè vằng tươi, nấu với 2 – 3 lít nước chừng 10 phút. Dùng tắm khi nước còn ấm, sẽ bớt ngứa, tiêu viêm, chống lở loét.
Cây chè xanh: Vị ngọt chát, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thu liễm, sát trùng, băng xe. Dùng chè xanh chống lại hăm kẽ khá tốt. Cách dùng: lấy 20 gr lá chè xanh, đun sôi với 1 lít nước. Dùng khăn thấm nước còn ấm, lau rửa vào vùng hăm kẽ cho trẻ nhỏ. Ngày rửa 2 lần, sau đó để da khô thoáng. Tắm rửa như vậy chừng 3 ngày đối với các chứng ngứa da hăm kẽ ở háng, cổ, nách của trẻ nhỏ sẽ tiêu biến.
Cây cỏ sữa: Có vị chua, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, chống lỵ, giải độc, phong ngứa. Vị thuốc này có giá trị chống lại bệnh viêm da, mẩn ngứa, nhất là dạng ngứa có những nốt nổi mẩn đỏ nhỏ li ti.
Cách dùng: lấy 80 gr cây cỏ sữa, nấu với 3 lít nước.Bỏ bã, lấy nước cọ rửa vùng da viêm. Tất cả những vùng da nổi mẩn đỏ thì thoa đều nước cỏ sữa, cọ rửa ngày 2 lần, vài ngày chứng ngứa giảm.
BS Yên Lâm Phúc