Theo quy định, khi đưa vào kinh doanh dịch vụ karaoke thì người kinh doanh phải trả tiền cho tác giả và chủ sở hữu bản ghi, người biểu diễn (quyền liên quan) – Ảnh: L.Minh
|
Ông Trịnh Ngọc Minh – Phó tổng giám đốc Maseco, cho biết ngày 15.5 vừa qua tại TP.HCM, Thanh tra Bộ VH-TT-DL tổ chức buổi Tập huấn phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, môi trường kỹ thuật số.
|
|
Khoản 2, điều 33 luật Sở hữu trí tuệ về quyền liên quan quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng…”.
|
|
|
Theo ông Minh, tại buổi tập huấn, bà Trương Thị Thu Dung – Phó chủ tịch thường trực Riav (cũng là Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông), cho rằng hơn 42.000 ca khúc của hơn 20 nhà sản xuất băng đĩa thuộc Riav đang bị các hãng sản xuất đầu karaoke vi phạm tác quyền. Đã vậy, các nhà sản xuất đầu karaoke, trong đó có Maseco, còn cho người sử dụng đầu karaoke quyền sao chép, tải nhạc từ mạng internet xuống để dùng, trong đó có nhiều bài của Riav.
Đại diện của Riav yêu cầu các nhà sản xuất đầu karaoke phải trả tiền đối với những tác phẩm của mình bị xâm hại. Ngoài ra, một số hội viên của Riav cũng cho rằng Maseco không tôn trọng quyền tác giả mà họ là đại diện độc quyền chủ sở hữu. Về nội dung này, trang điện tử một tờ báo tại TP.HCM, trích lời của bà Phan Mộng Thúy – Giám đốc Phương Nam Phim như sau: “… Đơn cử như một số ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An mà Phương Nam Phim vừa mua độc quyền phát hành vào tháng 11.2014 thời gian qua đã bị Maseco (nhãn hiệu Arirang) “xài chùa”…”.
PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo Phương Nam Phim về nội dung mà Maseco phản đối nhưng rất tiếc lãnh đạo đơn vị này bận công việc nên không gặp được. Trong khi đó, cả hai Phó của Riav là bà Trương Thị Thu Dung và ông Trần Ngọc Trí (cũng là Giám đốc Sài Gòn Vafaco) vẫn bảo lưu quan điểm nói trên.
Maseco cho rằng mình không vi phạm tác quyền
Liên quan đến các nội dung trên, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Ngọc Minh khẳng định Maseco là doanh nghiệp VN tiên phong phát triển đầu máy karaoke kỹ thuật số nhãn hiệu Arirang, trong đó có dòng sản phẩm karaoke thông minh (Smart K) có khả năng download, lưu trữ các dữ liệu theo sở thích của người dùng.
Quang cảnh buổi tập huấn – Ảnh: Maseco cung cấp
|
Cũng theo ông Minh, ngoài việc sản xuất máy karaoke nhãn hiệu Arirang, Maseco còn là nhà sản xuất bản ghi karaoke lớn nhất VN với hơn 10.000 bài karaoke có giấy phép sản xuất, phát hành, bản quyền tác giả và là chủ sở hữu bản ghi trên đĩa VCD, DVD và ổ đĩa cứng (hard disk drive) máy karaoke thông minh. Như vậy, việc Maseco bán hoặc cho người dùng được phép sử dụng miễn phí tài sản của mình là quyền của chủ sở hữu mà không một ai được phép can thiệp vào. Ngoài ra, người dùng có thể mua, sưu tầm thêm những tác phẩm khác theo sở thích của mình và họ tự chịu trách nhiệm với chủ sở hữu tác phẩm.
Theo quy định, khi đưa vào kinh doanh dịch vụ karaoke thì người kinh doanh phải trả tiền cho tác giả và chủ sở hữu bản ghi, người biểu diễn (quyền liên quan). Về quyền tác giả, theo lãnh đạo Maseco, từ lâu nay Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đã thực hiện khá minh bạch việc công bố bảng giá, tổ chức thu tiền sử dụng tác phẩm ở các dịch vụ karaoke. Còn đối với quyền liên quan, cho đến nay chưa có một tổ chức, cá nhân nào tuyên bố thực hiện thu tiền, kể cả Riav – là một tổ chức quản lý tập thể, có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất bản ghi.
Về nội dung mà đại diện Phương Nam Phim nói Maseco vi phạm tác quyền âm nhạc, ông Minh bức xúc: “Sau khi Phương Nam Phim tuyên bố độc quyền các ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An, ngày 1.8.2014 công ty chúng tôi đã gửi công văn đề nghị Phương Nam Phim cung cấp các chứng từ là đơn vị độc quyền và mức thù lao sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An để chúng tôi thanh toán. Nhưng mãi đến hôm nay đã hơn 9 tháng công ty chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ trả lời nào của Phương Nam Phim. Trong khi đó, Maseco và Phương Nam Phim đã từng ký nhiều hợp đồng sử dụng tác phẩm của các tác giả mà Phương Nam Phim độc quyền”.