Lại rắc rối với bản quyền ảnh
Một hoạ sĩ sử dụng ảnh của người khác để tạo ra tác phẩm của mình, gây tranh cãi về bản quyền.
Lại rắc rối với bản quyền ảnh
Một hoạ sĩ sử dụng ảnh của người khác để tạo ra tác phẩm của mình, gây tranh cãi về bản quyền.
Bức ảnh nhà văn Sơn Nam của tác giả Nguyễn Phong Quang |
Câu chuyện lần nữa cho thấy bài học về bản quyền không phải ai cũng hiểu rõ.
Tác giả Nguyễn Phong Quang là chủ một tiệm băng đĩa có tiếng ở Sài Gòn, cũng là một tay máy chụp chân dung các văn nghệ sĩ với những tấm ảnh đẹp. Năm 2014, khi một tờ báo điện tử công bố loạt chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam và thế giới của hoạ sĩ Ðỗ Duy Ngọc, Nguyễn Phong Quang phát hiện hoạ sĩ Ngọc có sử dụng bức ảnh nhà văn Sơn Nam và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý của anh mà không xin phép. Trên Facebook, anh Nguyễn Phong Quang yêu cầu họa sĩ Ðỗ Duy Ngọc phải trả lời về điều này.
Ngay lúc đó, họa sĩ Ðỗ Duy Ngọc đã vào Facebook của anh Nguyễn Phong Quang có lời giải thích và xin lỗi tác giả. Ông Ngọc trình bày rằng ông làm những bức ảnh đó vì mục đích tư liệu nghiên cứu cho học sinh, không nhằm mục đích thương mại hay phổ biến. Trên trang web của mình, ông Ngọc cũng nói rằng hình ảnh lấy từ nguồn Internet, và vì không có điều kiện xin phép tất cả nên ông gửi lời xin phép và cảm ơn chung. Ngay lúc đó, theo yêu cầu của tác giả ảnh Nguyễn Phong Quang, ông Ngọc đã rút hai bức ảnh kia xuống. Giờ đây, qua trao đổi ông Ngọc dường như đã rút kinh nghiệm khi cho biết: “Hiện tại tôi đã rút toàn bộ các bức ảnh khác để tránh những rắc rối có thể xảy ra”.
Phóng tác và một nửa lời xin phép
Sự việc tưởng đã êm xuôi, nhưng gần đây trên mạng xã hội lại khuấy động bởi câu hỏi: Việc làm của họa sĩ Ðỗ Duy Ngọc có bị cho là “đạo ảnh” hay không? Nhiều ý kiến đã tỏ ra băn khoăn vì dường như dư luận hãy còn ít kinh nghiệm về hình thức phóng tác này.
Thật ra, quy trình dùng phần mềm vi tính tạo ra một hiệu ứng thị giác khác từ một bức ảnh có sẵn như họa sĩ Ðỗ Duy Ngọc làm không phải là mới. Họa sĩ Nguyễn Tri Phương Ðông giải thích: “Thực tế đây không phải là một trường phái, nhưng một số hoạ sĩ tạo hình sử dụng nó như một dự án cá nhân nào đó”. Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Ðông cũng giải thích rõ việc can thiệp đó phải được tác giả của tác phẩm gốc cho phép, có sự thoả thuận mức độ can thiệp là bao nhiêu phần trăm, phải ghi kèm tên tác phẩm gốc như thế nào…
Như vậy, vấn đề của họa sĩ Ðỗ Duy Ngọc là thiếu một lời xin phép trực tiếp. Một lời xin phép chung chung cho tất cả thì mới chỉ là… một nửa lời xin phép. Bởi như hoạ sĩ Nguyễn Tri Phương Ðông giải thích, trong thế giới sáng tạo của nghệ sĩ thì nên đặt mình vô hoàn cảnh tác giả bị lấy ảnh để hiểu được cảm giác: “Chưa nói đến mục đích, về mặt cảm quan thì nếu thấy ai tự ý can thiệp vào đứa con tinh thần của mình là đã… không ổn rồi”.
Chưa kể, điều bất lợi cho hoạ sĩ Ngọc là ông ký tên, đóng con triện lớn trên tác phẩm của mình nhưng không dẫn tên tác giả tác phẩm gốc. Chính điều đó gây ra phản ứng ở nhiều người. Về điều này, Phan Nguyên – một trong số những hoạ sĩ Việt Nam có cách sáng tác giống như cách làm của hoạ sĩ Ðỗ Duy Ngọc – nói rằng hoạ sĩ có quyền ký tên (để chịu trách nhiệm), nhưng cũng cần ghi tác giả bức ảnh gốc. Hoạ sĩ này cũng đồng ý rằng về nguyên tắc, hoạ sĩ phải xin phép tác giả trước khi có bước phóng tác tiếp theo.
Tác phẩm chân dung nhà văn Sơn Nam do hoạ sĩ Đỗ Duy Ngọc thực hiện từ bức ảnh của Nguyễn Phong Quang |
Nhiều vụ vi phạm được chỉ ra… trên mạng
Họa sĩ Phan Nguyên cũng cho hay anh từng bị phản ứng của tác giả ảnh, nhưng may mắn không căng thẳng như trường hợp Ðỗ Duy Ngọc: “Tôi cũng từng bị tác giả ảnh đến đặt vấn đề. Nhưng khi hiểu mục đích sáng tạo của tôi, họ tỏ ra vui vẻ và có khi còn tặng ảnh nữa. Gia đình họ còn gửi cả ảnh tư liệu cho tôi…”.
Theo họa sĩ Phan Nguyên, cái khó khi được gia đình nhân vật tặng ảnh là nhiều khi… không biết tác giả là ai. Trong khi gia đình nghĩ rằng bức ảnh là của họ (quyền sở hữu), nhưng không lưu tâm tác giả của bức ảnh (quyền tác giả).
Vấn đề này lại liên quan đến một câu chuyện tác quyền khác của tác giả Nguyễn Phong Quang mà nhân đây anh tiếp tục kể ra. Một hôm, anh thấy một quyển sách mới xuất bản về người hoạ sĩ anh quen có ảnh bìa là chân dung anh chụp, nhưng bìa sách đề tên người khác.
Sau đó, người nhà hoạ sĩ có đến nhà anh để giải thích, rồi khắc phục bằng cách dán tên anh lên bìa quyển sách. Anh kể lại câu chuyện này với tâm trạng không vui.
Nỗi buồn tác quyền của Nguyễn Phong Quang chưa dừng lại khi giờ đây anh tiếp tục đưa những bức ảnh anh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phan Huỳnh Ðiểu từng bị các hãng băng đĩa in mà không xin phép.
Vì có vấn đề về tim mạch, đã qua phẫu thuật nên Nguyễn Phong Quang được bạn bè khuyên không va vào những tranh cãi bên ngoài xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng qua kênh mạng xã hội, giờ đây công chúng vẫn có thể biết đến những vụ vi phạm bản quyền đối với một tác giả ẩn mình như anh.