Chống ngập cho Đà Lạt không khó
Vài năm gần đây, hễ mưa lớn là TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) bị ngập lụt. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thành phố này hoàn toàn có thể xử lý được tình trạng ngập úng do mưa.
Chống ngập cho Đà Lạt không khó
Vài năm gần đây, hễ mưa lớn là TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) bị ngập lụt. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thành phố này hoàn toàn có thể xử lý được tình trạng ngập úng do mưa.
Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, về quy hoạch đô thị ở cao nguyên: “Nhiều người nghĩ đây là vùng đồi núi thì không thể bị ngập, nhưng nếu không biết cách làm, thì vẫn có thể gây ngập và ngập rất nặng. Bởi vì, bề mặt khi xây dựng đô thị, ở vùng đồng bằng hay cao nguyên cũng vậy, tỷ lệ bê tông hóa phải ở mức chấp nhận được, luôn luôn phải chừa diện tích mặt đất tự nhiên khoảng 30 – 40% để nước mưa thẩm thấu, giảm bớt lượng nước thoát trên bề mặt. Việc đô thị hoá dẫn đến tình trạng bê tông hóa bề mặt quá nhiều, sẽ dẫn đến nước mưa thoát quá nhanh gây ngập lụt ở những nơi trũng thấp”.
|
“Khi làm quy hoạch phải tính đến sự cân bằng của tốc độ thoát nước, chứ không phải cứ hễ làm cống là sẽ không bị ngập. Chỗ nào đất có độ dốc, tốc độ thoát nước nhanh thì cống hoặc mương thoát nước phải lớn. Việc này phải có quy hoạch và làm theo quy hoạch, chứ không phải làm theo cảm tính”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho rằng TP.Đà Lạt cần rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, xem chỗ nào phải mở rộng ra, chỗ nào phải cải tạo lại. Bài toán thoát nước là bài toán khoa học. Tính toán vũ lượng mưa bao nhiêu mm, sẽ cho ra bao nhiêu m3 nước, nó sẽ đổ về đâu… Tất cả các thông số này có thể cho chạy trên máy tính, đo đếm được, để phục vụ công tác rà soát lại quy hoạch. Việc xử lý ngập không phải chỉ là xử lý ngay tại điểm ngập đó, mà phải xử lý trên toàn cục, bởi vì nước không phải ở nơi đó gây ngập mà từ chỗ khác dồn về. Giải pháp có thể làm hệ thống mương, cống thoát nước cho phù hợp, hoặc có thể làm các ao, hồ điều tiết hay không gian chứa nước tạm thời để khi mưa lớn, nước có thể được chứa tạm thời ở nơi đó và từ từ thoát đi.
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng trường hợp ngập ở Đà Lạt còn có nguyên nhân do ngày nay có rất nhiều nơi làm nông nghiệp nhà kính, làm giảm bề mặt thấm nước tự nhiên, cho nên nước tập trung, dồn lại, tốc độ nhanh hơn, gây ngập không trở tay kịp. Để giải quyết chuyện ngập, việc đầu tiên là phải điều tra, rà soát lại tình hình đô thị hoá hiện nay để quy hoạch lại hệ thống thoát nước. Sau đó là đầu tư cho thoát nước một cách bài bản.
Ông Trần Văn Việt, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, nhìn nhận lòng suối tại một số khu vực bị thu hẹp, nhưng muốn mở rộng phải có dự án, phải giải phóng mặt bằng nên nhiều nơi chưa làm được. TP cũng đã ban hành chỉ giới suối trên địa bàn nhưng chưa có nguồn lực để triển khai thực hiện. “Có nhiều nguyên nhân gây nên ngập lụt cục bộ như nhà kính, nhà lưới nhiều làm nước mưa không thẩm thấu xuống đất được mà chảy thành từng dòng lớn, rác nông nghiệp chưa được xử lý trôi xuống suối gây tắc nghẽn và một số khu vực trũng trước đây mang tính chất hồ chứa tạm thời nhưng giờ đã làm nông nghiệp hết… nên gặp mưa lớn thì bị ngập. Ngoài ra, hệ thống cống thoát được làm từ lâu, không đồng bộ, nhiều cống quá nhỏ không thoát nước kịp dù đã nạo vét thường xuyên. Các dự án đầu tư mới cũng tính tới thoát lũ, nhưng thực tế hệ thống cống chưa đồng bộ, thoát chưa tốt”, ông Việt nói.
Mai Vọng – Gia Bình – Lâm Viên