Ước mơ trẻ thơ
Có những ước mơ rất đỗi hồn nhiên và ngây ngô của con trẻ, mà khi người lớn nghe được không khỏi quặn lòng.
Ước mơ trẻ thơ
Có những ước mơ rất đỗi hồn nhiên và ngây ngô của con trẻ, mà khi người lớn nghe được không khỏi quặn lòng.
Theo chân nhóm từ thiện Từ Tâm đến Bệnh viện Ung bướu tặng quà cho trẻ em nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, người viết không khỏi mủi lòng và xót xa cho bao em nhỏ đang điều trị bệnh tại đây.
“Con chẳng ước mơ gì…”
Nở nụ cười tươi và cảm ơn rối rít với phần quà được nhận, cậu bé Lưu Tấn Phát nhanh nhảu giới thiệu: “Con 9 tuổi, con ở An Giang”. Chẳng để cho chúng tôi hỏi, Phát kể tiếp: “Con lên bệnh viện này hơn 1 năm rồi vì bị ung thư máu”. Những câu từ được Phát hồn nhiên nói ra đã khiến không gian như lắng xuống.
Chẳng riêng gì cậu bé hiếu động này, ở cùng phòng 5 (khoa nhi, lầu 2, khu B) với Phát có hàng trăm đứa trẻ cũng đang trong hoàn cảnh tương tự, hằng ngày phải gắn chặt vào những dây truyền dịch, truyền nước đau đớn. Gắng gượng trong từng phút giây, các em phải đối mặt với lằn ranh giữa sự sống và cái chết khi mang trong mình những căn bệnh ung thư máu, ung thư thận…
“Con có điều ước gì?”, chúng tôi hỏi. Huỳnh An trả lời: “Con chỉ mong được về quê, đi học cùng bạn. Cha mẹ con không chở đi thì con cũng tự đi học, chứ không nhõng nhẽo như trước nữa”. Huỳnh An đã phải nghỉ học hơn 1 năm vì những cơn đau nhức do bệnh ung thư máu hoành hành.
Còn bé Nguyễn Thanh Thùy (6 tuổi, Bình Phước) thì hồn nhiên nói: “Con chẳng ước gì. Con nghe mẹ nói con bệnh nặng lắm, không biết sống lâu không”. Nghe xong, chẳng ai biết phải nói gì với cô bé, chỉ biết ôm chặt em vào lòng. Nhiều người đã không kìm được nước mắt. Tất cả chỉ biết ước sao cho sự sống của những đứa trẻ nơi này tiếp diễn, để những nụ cười tươi của chúng luôn hiển hiện mỗi ngày.
Kéo lại những khoảng cách
Trong đoạn phim A story two mothers do Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thực hiện mới đây đã chia sẻ thông điệp: tất cả trẻ em đều có cơ hội bình đẳng để có được cuộc sống khỏe mạnh, tốt đẹp. Vậy nhưng vẫn còn đó biết bao hình ảnh đối lập rõ rệt, khi khoảng cách cuộc sống của những đứa trẻ vẫn còn rất xa.
Phan Nguyễn Đăng Khôi (7 tuổi) mồ côi cha từ khi là thai nhi 2 tháng tuổi. Mẹ kiếm sống bằng nghề bán rau. Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, Đăng Khôi cùng hai chị là Phan Nguyễn Minh An (10 tuổi), Phan Nguyễn Minh Hiền (9 tuổi, đều là học sinh Trường tiểu học Trưng Vương P.2, TP.Đà Lạt) cùng đạt học sinh giỏi. “Nhìn mấy bạn được ba mẹ thưởng chuyến đi du lịch, mua đồ đắt tiền, tụi con cũng tủi thân. Nhưng con hiểu hoàn cảnh của mẹ, nên không có đòi”, Minh An kể. Hỏi về ước mơ, Minh An nói không ước cho mình, “chỉ ước cho mẹ khoẻ, ngày nào cũng bán được nhiều rau”.
Trời Sài Gòn những ngày cuối tháng 5 bắt đầu đổ mưa. Thế nhưng cậu bé Lê Nguyễn Tuấn Anh (10 tuổi) vẫn mặc kệ, lang thang khắp nẻo đường để đánh giày mưu sinh. “Con chỉ ước mỗi ngày đánh được 4 đôi giày là đủ tiền sống”, Tuấn Anh cười nói. Đêm về cậu bé này trú ngụ lây lất mọi nơi, từ trạm xe buýt, công viên, đến vỉa hè.
Khi xem đoạn phim trên, nhiều người mong muốn “khoảng cách giàu nghèo của những đứa trẻ sẽ sớm được rút ngắn”. Và những câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện đã và đang cố gắng kéo khoảng cách cuộc sống của những đứa trẻ lại. Suốt những ngày qua, rất nhiều tình nguyện viên đã tham gia các hoạt động ý nghĩa cho trẻ em. Như nhóm tình nguyện Tim Hồng đã thăm và tặng quà cho các bệnh nhi ở 2 bệnh viện: Bỏng quốc gia và Nhi T.Ư; hay CLB tình nguyện Nắng Xanh tổ chức chương trình Ngày hội của bé dành cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Tân Công Sính (H.Tam Nông, Đồng Tháp). Còn nhóm tình nguyện Blue Sky lên kế hoạch tặng quà cho trẻ em ở chùa Trúc Lâm Bảo Sơn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)…
Xuân Phương