Bình Định sẽ có Tổ hợp không gian khoa học
Trên bãi biển thơ mộng Quy Hòa tại Ghềnh Ráng – Quy Nhơn, bên cạnh Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) của GS Trần Thanh Vân, Bình Định đang khẩn trương chuẩn bị xây dựng Tổ hợp không gian khoa học trên diện tích 3,8ha.
Bình Định sẽ có Tổ hợp không gian khoa học
Trên bãi biển thơ mộng Quy Hòa tại Ghềnh Ráng – Quy Nhơn, bên cạnh Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) của GS Trần Thanh Vân, Bình Định đang khẩn trương chuẩn bị xây dựng Tổ hợp không gian khoa học trên diện tích 3,8ha.
Phối cảnh Tổ hợp không gian khoa học tại Quy Nhơn. Ảnh tư liệu |
Tổ hợp này gồm nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông. Ước mơ biến Quy Nhơn trở thành một địa chỉ du lịch khoa học, văn hóa của vùng Đông Nam Á đang dần hiện hữu.
Gấp rút triển khai
Đầu tháng 1-2015, sau chương trình làm việc với GS Trần Thanh Vân – chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam - cùng kiến trúc sư Jean – Francois Milou về việc thiết kế nhà mô hình vũ trụ và bảo tàng khoa học thuộc dự án Tổ hợp không gian khoa học Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định chọn phương án xây dựng Tổ hợp không gian khoa học Quy Nhơn.
Đó là một khối nhà tròn hài hòa với những công trình bên cạnh, nằm trong quần thể kiến trúc hơn 20ha dưới tán dừa và cây xanh, thảm cỏ bên vòng cung bờ biển Quy Hoà yên tĩnh, quanh năm rì rào sóng biển và bờ cát dài thơ mộng.
Có thể nói bên cạnh Trung tâm ICISE, ý tưởng cho sự ra đời của không gian khoa học đã có từ trước, từ những cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định và các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có Hội Gặp gỡ Việt Nam của GS Trần Thanh Vân trong những cuộc hội ngộ, những bàn thảo đầy tâm huyết, nhưng đến tháng 1-2015 mới chính thức hình thành những phác thảo đầu tiên.
Tác giả công trình vẫn là kiến trúc sư người Pháp Jean – Francois Milou, người đã thiết kế công trình Trung tâm ICISE của GS Trần Thanh Vân trước đó. Theo kiến trúc sư Milou, nhà mô hình vũ trụ và bảo tàng khoa học được thiết kế cùng chung sảnh chờ, cửa hàng lưu niệm, không gian cà phê.
Lối lưu thông bên trong nhà mô hình vũ trụ sẽ kết nối đến các không gian trưng bày của bảo tàng. Tổng diện tích sàn xây dựng mà kiến trúc sư Milou đề xuất cho dự án này là 10.000m2.
Chủ đầu tư dự án được UBND tỉnh Bình Định giao là Sở Khoa học – công nghệ tỉnh Bình Định và Tỉnh đoàn Bình Định, nhưng trong những tuần qua đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng luôn theo sát diễn biến và đốc thúc các hoạt động chuẩn bị cho ngày khởi công chính thức – dự kiến vào trung tuần tháng 6-2015.
“Với sự ra đời của Tổ hợp không gian khoa học, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng ngay cuối năm nay, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là khu đô thị khoa học của vùng Đông Nam Á. UBND tỉnh đã dành cho khu vực này gần 100ha và tiếp tục xây dựng các công trình vui chơi, giải trí gắn liền với nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông để thu hút khách du lịch.
Với các nhà khoa học trên thế giới, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể lưu trú tại đây hằng tháng cùng gia đình và người thân. Quần thể kiến trúc khoa học tiện lợi, bờ biển đẹp, yên tĩnh sẽ giữ chân họ. Chắc chắn các nhà khoa học sẽ ngày càng ấn tượng với Quy Nhơn hơn” – ông Hồ Quốc Dũng nói.
Giữ chân các nhà khoa học trên thế giới
GS Trần Thanh Vân cho biết hiện ông đang vận động bạn bè và các nhà khoa học, những đồng nghiệp của ông trên thế giới giúp đỡ để xây một số biệt thự và nhà chòi tại Quy Nhơn, để các nhà khoa học quốc tế có thể lưu trú lâu hơn, vừa nghiên cứu kết hợp với nghỉ dưỡng dài ngày cùng gia đình.
“Khi các nhà khoa học ở lại đây lâu hơn, họ sẽ có thời gian gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho giới khoa học trong nước cùng sinh viên nhiều hơn” – GS Trần Thanh Vân nói.
Trong chuyến công tác tại Bình Định đầu năm nay, GS Ngô Bảo Châu đã gặp gỡ GS Trần Thanh Vân cùng các nhà khoa học khác và đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho Tổ hợp không gian khoa học.
“Để tạo sự hấp dẫn thật sự, khơi dậy niềm yêu thích khám phá vũ trụ cho người trẻ, Tổ hợp không gian khoa học cần được đầu tư công nghệ cao về robot, kính thiên văn đa chiều và sự giao thoa ánh sáng mô phỏng không gian vũ trụ sinh động” – GS Ngô Bảo Châu góp ý.
GS Trần Thanh Vân cho biết thêm là GS Rolf Heuer – tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu – đã nhận lời hỗ trợ một phần trang thiết bị cho nhà mô hình vũ trụ, nhằm giúp người xem trải nghiệm và tìm hiểu những hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên.
Tổ hợp không gian khoa học sẽ góp phần xây dựng Quy Nhơn thành khu đô thị khoa học và giáo dục, là điểm đến, cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước tiên tiến trên thế giới.
Nói về điều này, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định Huỳnh Thị Anh Thảo chia sẻ: “Sự hiện diện của Tổ hợp không gian khoa học được kết nối với Trung tâm ICISE sẽ phục vụ công chúng mọi lứa tuổi, đặc biệt là quan tâm khích lệ trải nghiệm khoa học, qua đó bồi đắp lòng say mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học của thế hệ trẻ”.
Đầu tư khoảng 170 tỉ đồng Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp không gian khoa học có diện tích 3,8ha, nằm bên cạnh Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) của GS Trần Thanh Vân tại P.Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Tổ hợp này có thiết kế gồm ba bộ phận: nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông. Đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có buổi làm việc với GS Trần Thanh Vân, chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, và kiến trúc sư người Pháp Jean – Francois Milou, từ đó đi đến quyết định chọn thiết kế một khối nhà tròn, hài hoà với cảnh quan xung quanh cho Tổ hợp không gian khoa học. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 170 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. |