Chụp ảnh thiên nhiên cần chân thực
Giới săn ảnh gần đây bỗng rộ lên thú mê chụp chim, lập hội khoe chim. Chuyện chụp chim, khoe chim tưởng chừng đơn giản mà cũng gây tranh cãi, lý luận “máu lửa” rằng chụp chim có nên động đến con chim, tổ chim?
Chụp ảnh thiên nhiên cần chân thực
Giới săn ảnh gần đây bỗng rộ lên thú mê chụp chim, lập hội khoe chim. Chuyện chụp chim, khoe chim tưởng chừng đơn giản mà cũng gây tranh cãi, lý luận “máu lửa” rằng chụp chim có nên động đến con chim, tổ chim?
Khi chim vào trú trong mát, người đàn ông này đã bắt đem ra nắng – Ảnh do Nguyễn Trí Dũng cung cấp |
Từ đó cho thấy không ít người vì mục đích của mình mà tác động làm phá huỷ môi trường sống của các loài khác.
* NGUYỄN TRÍ DŨNG (người chụp bộ ảnh lên tiếng cách chụp chim chặt cành, hạ tổ, phơi nắng…):
Đến khi một con chim non chết, tôi không chịu được nữa!
Chuyện chụp chim như thế này diễn ra từ năm 2014, lúc tôi bắt đầu chơi nhiếp ảnh hoang dã.
Ở thác Giang Điền (Đồng Nai), tôi chứng kiến họ hạ một tổ chim xuống để chụp. Tôi có góp ý nhưng họ ậm ừ cho qua, có lẽ vì tôi chỉ là một người trẻ.
Những lần sau tôi cũng góp ý, họ có vẻ nghe nhưng sự việc lại tái diễn. Lần này một người bạn tôi từ Biên Hòa gọi lên hỏi tôi có phải một con chim non đã chết rồi không? Bởi vì thấy họ chụp hai con, giờ chỉ còn một con.
Những con chim non mới ra ràng như vậy không thể sống được nếu ra ngoài quá sớm. Đến lúc này tôi không thể chịu đựng được nữa nên tôi đến để chụp ảnh, quay phim việc họ làm.
* Ông VŨ QUỐC KHÁNH (chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN):
Nhiếp ảnh phải chân thực như cuộc sống
Về quan điểm cá nhân, tôi không ủng hộ người chụp chim theo cách sắp đặt đó. Nhiếp ảnh phải chân thực như cuộc sống, phải phản ánh đúng sự thật.
Một khi tác giả chụp ảnh thiên nhiên thì cần phải tôn trọng thiên nhiên. Đó là điều phải có.
Sự thật thì nhiếp ảnh VN bị sắp đặt quá nhiều, nhiều cái trở nên thô thiển quá và gượng ép. Cách dàn dựng bị lạm dụng sẽ gây nên tranh cãi.
Như những con chim non kia, chúng ta tự hỏi nó có tội tình gì mà bị mang ra khỏi tổ. Cách đó là không nên.
Còn về mặt quản lý hội, cái khó của chúng tôi là có quá nhiều thể loại ảnh dàn dựng như vậy. Nhiều anh em chụp dàn dựng rất công phu, kín kẽ, nếu không cẩn thận sẽ có những kết luận gây oan uổng.
Ngay ở sự dàn dựng đó, mức tác động của tác giả bao nhiêu cũng cân nhắc. Họ chỉ tác động ít thôi để bức ảnh trở nên hoàn hảo, hay là tác động thái quá? Ranh giới đó cũng rất mong manh.
Nhưng giám khảo chúng tôi giờ đây cũng không thích những loại ảnh có phông đen, phông đỏ dàn dựng như thế nữa rồi. Những bức ảnh chụp tổ chim non đẹp, bố cục đẹp cũng rất dễ bị… nghi vấn.
* ROBIN CHENG (một người chụp chim ở Malaysia):
Kêu gọi không trao giải cho ảnh chụp tổ chim, chim non
Ở Malaysia hay Singapore cũng có những người như vậy. Họ luôn nghĩ về bản thân họ (sự ích kỷ) hơn là quan tâm đến môi trường sống an toàn cho tổ chim. Chúng tôi luôn kêu gọi tinh thần trách nhiệm và hướng dẫn họ rõ về điều này.
Mặt khác, chúng tôi khuyến khích mọi người không đưa những bức ảnh chụp tổ chim không chuyên nghiệp lên mạng.
Bởi vì cách đó nếu làm mọi người thích sẽ có những người cố đến gần tổ chim hơn, làm cho chim bố và chim mẹ hoảng sợ. Có thể chúng sẽ bỏ tổ, bỏ trứng… vì môi trường sống không an toàn nữa.
Mỗi khi một tổ chim được phát hiện thì điều ưu tiên phải là bảo vệ an toàn môi trường sống cho tổ chim đó, chứ không phải là mục đích để có những bức ảnh đẹp. Nên đứng từ xa và tôn trọng an toàn môi trường sống cho tổ chim.
Trên Facebook, chúng tôi khuyến khích những đồng nghiệp không kết bạn với những người chụp ảnh tổ chim không chuyên nghiệp. Ở các cuộc thi ảnh, chúng tôi kêu gọi không trao giải cho những bức ảnh chụp tổ chim, chim non. Và điều đó đã xảy ra.
* Nhà nhiếp ảnh HOÀNG THẾ NHIỆM:
Thô bạo với thiên nhiên
Không hay. Đó hoàn toàn là cách chụp ảnh không hay. Tôi không thích cách chụp ảnh đó. Như vậy là tác động thô bạo đến thiên nhiên.
Theo tôi, mỗi người định cho mình một cách chụp ảnh thiên nhiên khác nhau, nhưng phải hạn chế làm sao để sự tác động đến thiên nhiên càng ít càng tốt.
Tất nhiên, về mặt chuyên môn thì đó hoàn toàn là những bức ảnh đẹp, không ai chê đâu. Nhưng đằng sau những bức ảnh đó thì vấn đề bảo vệ môi trường, tôn trọng môi trường sẽ được đặt ra thế nào? Như thế đã là điều không nên rồi.
Với một vài người thực hiện một vài lần có thể chấp nhận vì con người ai cũng có sai sót, và họ phải từ bỏ sai sót đó. Nhưng có những người chụp chim theo cách này một thời gian dài, liên tục, muốn tạo nên tên tuổi bằng cách ấy thì tôi không đồng tình. Theo tôi là không nên, vì đó là cách tác động thô bạo đến thiên nhiên.
* TS LÊ KHẮC QUYẾT (Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã thế giới – FFI):
Chưa có luật, nhưng kêu gọi ý thức ở mỗi người
Tôi cho rằng khi chụp chim mà sờ mó, đụng chạm, gây bất lợi cho môi trường sống của tổ chim… là hành vi không nên. Mặc dù đất nước ta chưa có luật về điều này nhưng cũng nên kêu gọi ý thức của mỗi người.
Con chim khi làm tổ cũng như con người chúng ta xây nhà, phải chọn nơi an toàn. Nếu đụng chạm đến môi trường sống sẽ làm cho chim con, chim mẹ hoảng loạn, gây bất lợi cho môi trường sinh tồn của chúng.
Cho nên qua cuộc tranh luận này, chúng ta nên nhận ra cách chụp chim nào là nên, cách nào là không nên. Cá nhân tôi không ủng hộ cách chụp chim gây tranh cãi này.
Khuyến cáo khi chụp chim Là người chụp chim ở Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan… thuộc cộng đồng chụp chim thế giới, Robin Cheng chia sẻ những khuyến cáo khi chụp chim của Phòng thí nghiệm nghiên cứu chim Cornell (Cornell Lab of Ornithology – Bắc Mỹ): 1. Không thay đổi hiện trạng cây cối quanh tổ chim để có chỗ chụp ảnh đẹp hơn. 2. Im lặng rút lui khỏi vùng tổ một khi chim mẹ hoảng loạn hoặc cất tiếng cảnh báo. 3. Tránh xa việc dùng những bài hát hay giả tiếng chim (ghi âm) trong mùa chim làm tổ. 4. Không làm phiền trứng chim hay tổ chim bằng bất cứ cách nào. |