Chẩn bệnh qua hơi thở
Ý tưởng sử dụng hơi thở như một công cụ chẩn đoán bệnh đã xuất hiện từ lâu, và các chuyên gia đang tiến gần đến một cuộc kiểm tra sức khoẻ toàn diện kiểu như máy đo nồng độ rượu qua hơi thở.
Chẩn bệnh qua hơi thở
Ý tưởng sử dụng hơi thở như một công cụ chẩn đoán bệnh đã xuất hiện từ lâu, và các chuyên gia đang tiến gần đến một cuộc kiểm tra sức khoẻ toàn diện kiểu như máy đo nồng độ rượu qua hơi thở. Nhờ đó bệnh có thể được phát hiện sớm hơn và việc chữa trị hiệu quả hơn.
Sau đây là một số bệnh có thể được phát hiện qua hơi thở.
Ung thư phổi
Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực phát triển công nghệ mũi điện tử sau khi giới khoa học phát hiện một số động vật có thể “đánh hơi” một số bệnh nhất định. Công nghệ này vận hành bằng cách phân tích các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) có trong hơi thở.
Các chuyên gia nghiên cứu hiện chưa thể xác định rõ ràng VOC nào liên quan đến bệnh gì, nhưng cuộc nghiên cứu cho thấy một chiếc mũi điện tử có thể nhận ra bệnh ung thư phổi từ những tình trạng phổi khác nhau và người khoẻ mạnh. Một cuộc nghiên cứu trong nhóm 128 người không hút thuốc và 114 người hút thuốc, công nghệ trên chỉ chẩn đoán sai 10 trường hợp.
Suy tim
Một nhóm nhà khoa học có thể phát hiện suy tim thông qua việc phân tích hơi thở của bệnh nhân. Cuộc thử nghiệm ban đầu được dùng để phát hiện suy thận bằng một cuộc xét nghiệm hơi thở. Bệnh nhân suy tim chỉ đóng vai trò đối chứng.
Các nhà nghiên cứu không cần mất nhiều thời gian để phát hiện ra rằng bệnh nhân suy tim cũng có dấu vết riêng. Nghiên cứu năm 2012 của các chuyên gia Bệnh viện Cleveland, thuộc bang Ohio (Mỹ) cho thấy bác sĩ có thể phát hiện bệnh tim thông qua việc cung cấp một giải pháp xét nghiệm không xâm lấn nhằm chẩn đoán bệnh.
Béo phì
Một cuộc nghiên cứu do các chuyên gia tại Trung tâm y khoa Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) đã phát hiện hơi thở có thể cho thấy một người bị béo phì như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã phân tích hơi thở của 792 đối tượng và phát hiện người có hàm lượng cao các chất khí methane và hydrogen có chỉ số khối cơ thể và tỷ lệ phần trăm chất béo cao hơn người có hàm lượng khí methane và hydrogen bình thường.
Tiểu đường
Mùi hơi thở ngọt ngọt, tương tự như mùi sơn móng tay, có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng ở bệnh nhân tiểu đường là nhiễm a xít ketone. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng đường làm nguồn năng lượng do không có hoặc không đủ insulin trong cơ thể. Thay vào đó, chất béo sẽ được sử dụng. Khi chất béo bị phân huỷ, các phế phẩm có tên gọi ketone tích tụ trong cơ thể.
Suy thận
Hơi thở có mùi ammonia đôi khi có thể xuất hiện ở những người bị suy thận mãn tính. Thận “bốc dỡ” chất thải khỏi máu. Khi thận bị suy, chúng không thể tiếp tục làm nhiệm vụ lọc máu. Vì thế, chất thải tích tụ khắp cơ thể, và một trong những cách để phóng thích chúng là thông qua hệ hô hấp dưới dạng hơi thở.
Ngưng thở khi ngủ
Hơi thở có mùi vào buổi sáng dường như là điều bình thường sau một đêm ngon giấc. Việc sản xuất nước bọt giảm đi trong lúc ngủ, khiến các vi khuẩn gây mùi có cơ hội sinh sôi và tăng trưởng. Nhưng việc sản xuất nước bọt chậm đi trong khi ngủ đôi khi có thể do việc mở miệng trong thời gian dài. Người mắc phải những rối loạn giấc ngủ như ngừng thở và ngáy có thể gặp khó khăn trong việc thở bằng mũi và có khả năng thở bằng miệng nhiều hơn, qua đó làm tăng nguy cơ hơi thở có mùi.
Quyên Quân