27/11/2024

Ra “đề bài” cho trường sư phạm

Tại hội thảo “Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27-5, nhiều bất cập của các cơ sở đào tạo đã được chỉ ra.

 

Ra “đề bài” cho trường sư phạm

 

Tại hội thảo “Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27-5, nhiều bất cập của các cơ sở đào tạo đã được chỉ ra.



 

 

Để trở thành các giáo viên tâm huyết với nghề, sinh viên sư phạm phải được sống với những vấn đề của đời sống xã hội hiện nay... Ảnh tư liệu
Để trở thành các giáo viên tâm huyết với nghề, sinh viên sư phạm phải được sống với những vấn đề của đời sống xã hội hiện nay… Ảnh tư liệu
Đột phá vào “thành trì vững chắc” của các trường sư phạm là cách thay đổi nhanh nhất nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên. Có thay đổi nhận thức thì mới tạo được sức mạnh để thực hiện một cách hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông
PGS.TS Phạm Hồng Quang (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên)

Các ý kiến chỉ ra để đi đến một thống nhất là cần làm gì để có khả năng cung ứng nguồn giáo viên đáp ứng yêu cầu mới.

Trường sư phạm đang quá xa trường phổ thông

Đây là khoảng cách giữa yêu cầu mới trong giáo dục phổ thông và thực trạng, chất lượng đào tạo giáo viên đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT nêu lên.

Trong khi để trở thành một nhà giáo dục thật sự chứ không phải “thợ dạy”, cơ sở đào tạo giáo viên cần chú trọng đến việc hình thành, rèn luyện cho giáo viên nghiệp vụ sư phạm, năng lực giải quyết các tình huống giáo dục, bồi đắp phẩm chất, đạo đức và hiểu biết chung về tâm lý giáo dục, về các vấn đề xã hội thì hầu hết các trường sư phạm hiện nay lại mới chỉ tập trung chủ yếu vào dạy cho sinh viên kiến thức chuyên sâu của các môn học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra một ví dụ cụ thể cho bất cập chung của trường sư phạm: “Nội dung dạy cho sinh viên sư phạm hóa phải khác với nội dung dạy sinh viên ngành hóa học của trường tự nhiên. Nhưng hiện nay, không có sự khác biệt giữa cơ sở đào tạo sư phạm và các cơ sở đào tạo ngành khoa học cơ bản khác. Tại các trường sư phạm, giảng viên sư phạm không rõ trường phổ thông đang dạy gì, sẽ có gì thay đổi về mục tiêu, nội dung dạy học. Vì thế sản phẩm của trường sư phạm – những giáo viên phổ thông vừa tốt nghiệp – cũng mơ hồ với thực tiễn giáo dục tại trường phổ thông”.

“Sinh viên sư phạm không được thở, được sống với những vấn đề của đời sống xã hội hiện nay, không có những trăn trở với những tiêu cực trong đời sống, không có sự trắc ẩn và tham gia giải quyết những vấn đề khác nhau đang diễn ra, sẽ khó có thể trở thành những giáo viên am hiểu, tâm huyết với giáo dục và biết yêu thương học sinh. Đào tạo ra giáo viên mà không biết cách nhận xét học sinh tiểu học, chỉ “cộp dấu” (con dấu in lời phê có sẵn – PV) để nhận xét cho nhanh thì không thể chấp nhận được” – ông Hiển thẳng thắn nhận xét.

Chưa coi trọng chuẩn đầu ra

Hiện nay Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học nhưng chưa hiệu quả, cần phải điều chỉnh, thay đổi.  Chuẩn nghề nghiệp giáo viên sẽ là căn cứ tối thiểu để các trường sư phạm xây dựng được chuẩn đầu ra phù hợp.

Hiện nay, lỗi chung của các trường sư phạm là chưa coi trọng chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra của nhiều trường còn chưa linh hoạt, bó cứng và chưa tiếp cận được với yêu cầu mới về giáo viên, đáp ứng việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Nguyễn Vinh Hiển

Thừa nhận của lãnh đạo một số trường sư phạm tại hội thảo cũng cho thấy hầu hết các trường sư phạm vẫn chưa xây dựng, điều chỉnh được nội dung chương trình để phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông “chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học”, việc đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên không có nhiều chuyển biến.

Giảng viên trường sư phạm chưa biết cách tổ chức cho sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học. Chính vì thế nên khi ra nghề, giáo viên không biết cách tổ chức cho học sinh học tập, tổ chức hoạt động trải nghiệm.

ThS Hoàng Thị Oanh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cho biết một khảo sát nhận thức của sinh viên sư phạm về tầm quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh phổ thông, đã khiến nhóm nghiên cứu giật mình.

Trong số 300 sinh viên được hỏi ý kiến thì trên 50% cho rằng “không quan trọng”, trên 30% cho rằng “ít quan trọng”. Chỉ có 11% cho rằng “quan trọng” và 8% cho rằng “rất quan trọng”.

Trong khi việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức dự án nghiên cứu, học tập từ thực tế đang là một trong những mục tiêu chính của lần đổi mới giáo dục phổ thông lần này.

“Hiện nay, việc nghiên cứu khoa học ở học sinh phổ thông đã trở thành một trong những hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều học sinh. Nhưng rất nhiều giáo viên phổ thông lại không có khả năng hướng dẫn học sinh, vì bản thân các giáo viên khi học trong trường sư phạm đã không được hướng dẫn, tham gia nghiên cứu khoa học. Giảng viên sư phạm đầu tư cho nghiên cứu khoa học ít, nên cũng không tạo cơ hội cho sinh viên được tham gia” – ông Nguyễn Vinh Hiển nói.

Theo số liệu do PGS.TS Nguyễn Kim Hồng và ThS Nguyễn Vĩnh Khương, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cung cấp thì hiện do kinh phí cấp cho việc nghiên cứu khoa học quá thấp, khoảng 6 – 7 triệu đồng / năm / trường và những bất cập khác, nên mỗi trường sư phạm nhiều nhất chỉ có thể triển khai 7 – 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ / năm. Tỉ lệ giảng viên có đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường cũng chỉ 10 – 15%, tức là có khoảng 60 – 80 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường / năm.

Nên nghĩ cách đổi mới

Chỉ ra những bất cập, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng xem đây là thách thức, là “đề bài” mà các trường sư phạm phải suy nghĩ để điều chỉnh. “Các trường sư phạm không nên ngồi chờ đổi mới phổ thông xong mới xúc tiến đổi mới đào tạo, cũng không nên máy móc chờ có văn bản cụ thể chỉ đạo, mà ngay bây giờ phải triển khai việc đổi mới đào tạo giáo viên, khắc phục ngay các bất cập, đặc biệt là gắn mục tiêu, yêu cầu giáo dục phổ thông mới vào việc đào tạo” – ông Hiển bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, trong nội dung đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới, việc dạy tích hợp (cấp học dưới – tiểu học và THCS) và phân hoá, dạy theo chuyên đề (cấp THPT) được chú trọng, vì thế các trường sư phạm cần tính toán điều chỉnh từ cơ chế quản lý đến nội dung đào tạo. “Cần quy định lại chức năng, quan hệ phối hợp giữa các khoa, tổ bộ môn để triển khai đào tạo giáo viên theo hướng dạy học tích hợp, dạy học theo chuyên đề, hướng này khả thi hơn” – ông Hiển gợi ý.

Cùng nằm trong các “đề bài” được ông Hiển giao cho lãnh đạo các trường sư phạm tại hội thảo, vấn đề tăng thời lượng, tăng mức độ trong việc cho sinh viên sư phạm tiếp cận với hoạt động thảo luận, nghiên cứu, đổi mới thực tập sư phạm, để sinh viên làm quen với cách tổ chức cho học sinh học tập, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, được đề cập trong hội thảo.

“Để giáo viên có thể đổi mới đánh giá học sinh phổ thông, ngay trong trường sư phạm, sinh viên cũng cần được đổi mới đánh giá. Hồ sơ đánh giá sinh viên sư phạm cần phải thay đổi. Để giáo viên trong tương lai có thể biết cách chủ động lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu dạy học trong bối cảnh một chương trình, nhiều bộ sách thì việc này cũng phải cho sinh viên làm quen từ môi trường sư phạm” – ông Hiển ví dụ.

VĨNH HÀ