28/11/2024

Phớt lờ chuyện công khai số sinh viên có việc làm

Nhiều trường ĐH phớt lờ yêu cầu của Bộ GD-ĐT phải định kỳ công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.

 

Phớt lờ chuyện công khai số sinh viên có việc làm

 

Nhiều trường ĐH phớt lờ yêu cầu của Bộ GD-ĐT phải định kỳ công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.


 

Sinh viên đăng ký tìm việc trong một ngày hội việc làm tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Lê ThanhSinh viên đăng ký tìm việc trong một ngày hội việc làm tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM – Ảnh: Lê Thanh
Tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo thực tế. Ở nhiều nước trên thế giới, bảng xếp hạng các trường ĐH có tiêu chí tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm.
Năm 2009, Bộ ban hành thông tư kèm quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục. Các trường ĐH phải công khai cam kết về chất lượng giáo dục, trong đó có tỷ lệ người học có việc làm sau 1 năm ra trường. Báo cáo này phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường chậm nhất vào tháng 4 hằng năm.
Trong dự thảo trường ĐH đạt chuẩn quốc gia Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến, tiêu chí quan trọng là tỷ lệ SV có việc làm đúng và phù hợp với chuyên ngành đào tạo đạt trên 75% số SV tốt nghiệp toàn khóa.
Không có thông tin gì
Xem trang web của nhiều trường ĐH, dễ dàng thấy phổ biến tình trạng để trống thông tin về tỷ lệ SV có việc làm.
Trong mục thông báo công khai chất lượng đào tạo thực tế bậc ĐH của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có số liệu SV tốt nghiệp khóa 2005 – 2010, nhưng cột tỷ lệ SV có việc làm lại để trống.
Biểu mẫu công khai chất lượng SV khóa 2008 – 2012 của Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM thực hiện từ năm 2013, nhưng đến nay cũng không có thông tin việc làm SV sau khi ra trường ở tất cả các ngành. Người đọc cũng không thể xem được nội dung về tỷ lệ SV có việc làm trên trang web Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM…
Khác xa với thực tế
Một số trường có công bố tỷ lệ SV có việc làm nhưng kết quả này còn mơ hồ, thiếu sức thuyết phục so với thực tiễn. Có trường muốn công bố số liệu bao nhiêu cũng được, không có cơ quan độc lập nào kiểm chứng tính trung thực.
Có tỷ lệ nhưng người xem không thể biết được phạm vi và số lượng SV được khảo sát trong thực tế. Ví dụ, cuối năm 2014 Trường ĐH Sài Gòn đưa lên trang web tỷ lệ SV có việc làm là 91,7% (trong đó công việc phù hợp với chuyên môn đạt 87,3%). Tỷ lệ này tại Trường ĐH Lâm nghiệp cơ sở 2 (khóa 2010 – 2014) bậc ĐH cũng từ 93% trở lên, trong đó riêng ngành kế toán 100%… Trong khi đó, thực tế số liệu mà Bộ tổng hợp lại thấp hơn nhiều. Phát biểu tại phiên giải trình của Chính phủ với Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ngày 24.4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết đa số các trường đều có tỷ lệ SV có việc làm sau 1 năm ra trường đạt ở mức khoảng 60%. Cũng theo ông Luận, trong giai đoạn 2010 – 2014, tỷ lệ người có việc làm chỉ tăng 38% trong khi số người thất nghiệp lại tăng gấp đôi con số này.
Mẫu khảo sát quá ít
Đại diện nhiều trường thừa nhận không thể biết chính xác bao nhiêu SV tốt nghiệp tìm được việc làm và làm có đúng chuyên ngành đào tạo hay không. Với những trường công khai kết quả, tỷ lệ này cũng chỉ thể hiện với số lượng nhỏ SV mà trường khảo sát được chứ không phải trên tổng số SV tốt nghiệp toàn khóa như Bộ yêu cầu.
Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, có những đợt tốt nghiệp trường phát ra cả ngàn phiếu khảo sát nhưng chỉ thu về được khoảng 200 phiếu. Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Duy Thục, Quyền trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết 2 – 3 năm trường mới thực hiện khảo sát một lần. Dù trường đã lấy thông tin của SV trước khi tốt nghiệp nhưng sau 1 năm liên lạc số SV phản hồi không nhiều. Ở mỗi đợt khảo sát, theo tiến sĩ Thục, trường chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên ở mức 300 – 400 người.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, nhìn nhận: “Thực sự, trường chưa khảo sát được số lượng SV như mong muốn nên không dám công bố. Đa số SV không phản hồi”. Ông Châu cho biết trường chỉ tính những phiếu khảo sát có sự xác nhận của doanh nghiệp nơi SV được tuyển dụng nhưng bản thân các doanh nghiệp rất thờ ơ với việc này.
Nên có kênh khảo sát khác ngoài trường ĐH
PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết nhiều trường ĐH trên thế giới rất chú trọng phát triển mạng lưới cựu SV. Đây là kênh quan trọng để trường nắm bắt được vấn đề việc làm của SV, thậm chí quá trình thăng tiến lâu dài của người tốt nghiệp từ trường mình.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), khảo sát việc làm theo địa phương sẽ chính xác hơn giao cho các trường ĐH thực hiện. Chức năng khảo sát tình trạng việc làm đã được giao cho Bộ LĐ-TB-XH, cụ thể là phòng việc làm của các sở này.

 

Hà Ánh