01/11/2024

Đổ bệnh do… làm mát

Những ngày nắng nóng kéo dài khiến trẻ mắc bệnh do người lớn mở quạt máy, máy lạnh không đúng cách.

 

Đổ bệnh do… làm mát

 

 Những ngày nắng nóng kéo dài khiến trẻ mắc bệnh do người lớn mở quạt máy, máy lạnh không đúng cách. 



 

 

Bệnh nhi điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Bệnh nhi điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Các bác sĩ cho rằng nên giải nhiệt bằng nhiều cách chứ không nên cho trẻ ở suốt trong phòng máy lạnh.

Trưa 13-5, tại phòng 315 khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), chị N.P.X.L. (23 tuổi, ở Q.4) kể trước khi con trai chị nhập viện, chị L. luôn cho con nằm trong phòng máy lạnh 250C gần như 24/24 giờ, chỉ trừ những lúc dọn phòng.

Mười ngày trước khi nhập viện, con trai chị, bé N.T.P., 9 tháng tuổi, bị sốt, ho…, chị đưa bé đến khám ở một phòng mạch tư nhưng không khỏi. Sau đó, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám thì được bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh viêm phổi và chỉ định nhập viện điều trị.

Nhiều biện pháp giải nhiệt

Nên mang theo nước sạch

Bác sĩ Lưu Phương khuyên với những người hay phải ra ngoài nên mang theo những chai nước sạch để kịp thời bù nước cho cơ thể. Để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trong mùa nắng nóng cần ăn đầy đủ chất, uống nhiều nước. Nên giảm vị cay nóng, bớt ăn đồ chiên, nướng. Nên ăn nhiều các loại trái cây sạch vì trong trái cây luôn có nước, đường, muối, khoáng, sinh tố để bù đắp những thiếu hụt cho cơ thể.

Đang chăm sóc con gái, bé L.N.T.A., 8 tháng tuổi, mắc bệnh viêm phổi, chị N.Đ.H.T. (23 tuổi, ở Q.Bình Tân) kể lúc con chị 3 tháng tuổi, bé bị viêm tiểu phế quản. Lúc đó, bác sĩ dặn chị hạn chế sử dụng quạt máy, máy lạnh cho bé.

Những tuần qua thời tiết nóng nực quá, nên từ 19g mỗi ngày hai mẹ con chị đều “trú” trong phòng máy lạnh 260C kể cả lúc ăn. Khi con sốt, ho, khò khè, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, bác sĩ chẩn đoán con chị mắc bệnh viêm phổi phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh hô hấp thường tăng cao khi thời tiết chuyển sang mùa mưa, mùa lạnh vì lúc này thời tiết lạnh, ẩm tạo điều kiện cho các loại siêu vi phát triển.

Thế nhưng, qua nhiều năm công tác tại khoa hô hấp, bác sĩ Anh Tuấn lại ghi nhận một thực tế ngược với y văn thế giới là khi thời tiết nắng nóng, số trẻ mắc bệnh hô hấp cũng tăng nhẹ. Nguyên nhân được các bác sĩ nghĩ nhiều đến là việc sử dụng máy lạnh, máy quạt chưa hợp lý.

Bác sĩ Anh Tuấn khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên để quạt thổi thẳng vào người trẻ, hoặc cho trẻ nằm trong phòng máy lạnh quá lâu… khiến niêm mạc đường hô hấp của trẻ bị khô, gây bệnh. Chưa kể nếu phòng bật máy lạnh quá lâu sẽ phát sinh các mầm bệnh gây bệnh đường hô hấp. Trong những ngày thời tiết nắng nóng này, nhiều gia đình còn sử dụng quạt hơi nước. Nhưng theo bác sĩ Anh Tuấn, quạt hơi nước sử dụng trong phòng kín sẽ không tốt vì khi có hơi nước sẽ tạo độ ẩm cao, dễ tạo nấm mốc và các mầm bệnh khác.

Bác sĩ Anh Tuấn lưu ý các bậc phụ huynh tránh cho trẻ thay đổi đột ngột từ nơi có nhiệt độ thấp sang nhiệt độ cao và ngược lại. Nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 8-100C, nhiệt độ 270C sẽ thích hợp với trẻ.

Ngoài ra, người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên. Nên áp dụng các biện pháp giải nhiệt khác như cho trẻ uống nhiều nước để giữ độ ẩm cho cơ thể, giữ độ ẩm của niêm mạc đường thở vì nếu niêm mạc đường thở bị khô sẽ không ngăn được vi khuẩn, virút tấn công, dễ bị bệnh.

Với những trẻ mắc bệnh đường hô hấp, uống nhiều nước sẽ giúp trẻ giảm ho, long đàm hiệu quả. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều loại hoa quả, các loại rau để bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng. Mặc quần áo cho trẻ phù hợp với thời tiết.

Một điều đáng lưu ý là thời tiết nắng nóng nhưng thỉnh thoảng có mưa, bác sĩ Anh Tuấn cho rằng sự thay đổi đột ngột về thời tiết như vậy (thay đổi về áp suất, các thành phần hóa học trong không khí) dễ làm trẻ mắc các bệnh hô hấp. Phụ huynh cần chăm sóc các bé linh hoạt, trời nóng cần cho trẻ mặc thoáng mát, mở cửa cho thoáng. Mưa xuống có gió lạnh phải mặc áo đủ ấm cho trẻ, khi có gió lùa phải đóng cửa phòng.

Đừng chạy “ào” vào phòng máy lạnh

Đang ở ngoài trời nắng nóng khi đến những nơi mở máy lạnh như siêu thị, cơ quan, nhà riêng…, nhiều người thường có xu hướng chạy ngay vào để sớm được hưởng nhiệt độ mát mẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên bộ môn nội tổng quát Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, lại cho rằng sự vội vã này sẽ gây ra nhiều nguy hiểm. Chạy “ào” từ nơi có nhiệt độ nóng sang mát lạnh sẽ dẫn tới sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể thích nghi không kịp sẽ dễ bị nhiễm lạnh.

Sự thay đổi đột ngột này còn làm các mạch máu bị co thắt, giãn hoặc co thắt phế quản, nhất là những người mắc bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Do vậy, khi đi từ ngoài trời nắng nóng vào phòng lạnh cần lau mồ hôi, sau đó mới từ từ bước vào. Trời nắng nóng làm cơ thể mất nhiều nước.

Nếu không uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất, cơ thể sẽ thiếu nước. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy thận. Trời nắng nóng, uống ít nước còn làm cho máu cô đặc lại. Khi đó máu sẽ khó truyền tới các nơi trong cơ thể nên dễ bị tắc nghẽn mạch máu, gây biến chứng tim mạch. Trời nắng nóng còn làm tim đập nhanh, huyết áp cũng tăng cao hơn, dễ dẫn đến các bệnh lý tim mạch, huyết áp.

Một điều  cần lưu ý nữa là trong những ngày nắng nóng, hệ tiêu hóa của cơ thể hoạt động kém, tiết dịch tiêu hóa kém, hấp thu thức ăn kém nên ăn uống trong những ngày này thường không ngon, sức đề kháng cơ thể giảm, dễ có nguy cơ mắc bệnh. Chưa kể niêm mạc đường hô hấp trong mùa nắng nóng dễ bị khô, tạo điều kiện cho vi trùng thâm nhập…

Nhiệt độ 35-380C là nhiệt độ lý tưởng cho các loại vi trùng phát triển, do đó các loại thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Để phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, chỉ nên nấu đủ thức ăn, tránh dư thừa vì hâm đi hâm lại thức ăn rất dễ nhiễm khuẩn.    

THÙY DƯƠNG