Ngăn hiểm hoạ cho trẻ ngay từ chuyện nhỏ
Nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình khi biết mẫu áo có dây buộc ở mũ thông dụng lại có thể nguy hiểm đến tính mạng con trẻ như cảnh báo gần đây.
Ngăn hiểm hoạ cho trẻ ngay từ chuyện nhỏ
Nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình khi biết mẫu áo có dây buộc ở mũ thông dụng lại có thể nguy hiểm đến tính mạng con trẻ như cảnh báo gần đây.
Có ý kiến cho rằng chỉ cần không sử dụng loại áo này cho trẻ nữa… Thế nhưng, làm sao có thể ngăn ngừa nguy hiểm đến từ những việc nhỏ nhặt tưởng chừng vô hại tương tự đối với trẻ?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, nói:
– Trẻ dễ bị tổn thương do chưa nhận thức đầy đủ về thế giới xung quanh cũng như những nguy hiểm có thể xảy ra trong khi chúng thường nghịch ngợm, hiếu động nên rất dễ bị tai nạn, thương tích nếu như cha mẹ, người lớn không quan tâm, giám sát cũng như có sự đánh giá đúng nguy cơ.
Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn, thương tích có nguyên nhân từ sự sơ ý, bất cẩn của người lớn như: trẻ uống nhầm xăng, dầu, thuốc trừ sâu đựng trong chai nước ngọt; trẻ bị thương, bị bỏng, điện giật do cha mẹ để những thứ nguy hiểm này trong tầm tay của trẻ; hay tai nạn về nước do cha mẹ không cảnh báo, giám sát…
Gần đây, một bà mẹ sơ ý để con bú bình trong lúc ngủ rồi đi làm việc khác khiến đứa bé tử vong vì bị sặc sữa…
Ở những tình huống này, hầu như cha mẹ hay những người chăm sóc trẻ đều không biết hoặc không đánh giá đúng nguy cơ có thể xảy ra với trẻ.
Tuy nhiên trong cuộc sống không ít cha mẹ chủ quan, cố tình mạo hiểm để trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm như là để trẻ trên xe máy không thắt dây an toàn và đi với tốc độ cao, một tay ôm trẻ một tay lái xe, hay cho trẻ nghịch những đồ sắc nhọn, chơi đồ chơi bạo lực, có tính sát thương…
* Vậy theo ông, đâu là giải pháp tốt nhất giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ?
– Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ phải là người đầu tiên có trách nhiệm giám sát trẻ, phòng tránh tất cả nguy cơ, tình huống nguy hiểm đối với trẻ từ chuyện ăn, ngủ, chơi.
Thông thường tai nạn, thương tích đối với trẻ ở các dạng, nhóm như sau: đuối nước, hóc dị vật, ngã, bỏng, điện giật. Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải đánh giá được những nguy cơ, từ đó có biện pháp phòng tránh.
Ví dụ, cần có những thanh chắn an toàn ở khu vực cầu thang, giường ngủ… đề phòng trẻ ngã từ trên xuống, để những vật có thể gây bỏng ngoài tầm với của trẻ, bịt các ổ cắm đề phòng điện giật…
Bên cạnh quan tâm, giám sát, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần cập nhật thông tin, kiến thức phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ và đặc biệt là cách sơ cứu khi trẻ gặp phải những tai nạn, thương tích.
Ngoài ra tùy độ tuổi, cha mẹ cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ, sơ cứu khi bị đứt tay, bị bỏng… Cha mẹ cũng cần phải cảnh báo nguy hiểm đối với trẻ. Đặc biệt không để trẻ ở một mình vì có thể xảy ra nhiều tai nạn.
* Một số sản phẩm do không có cảnh báo nên người chăm sóc trẻ không lường trước được, nếu xảy ra tai nạn với trẻ ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
– Khi quy trách nhiệm cần phải đặt vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, trước những thông tin về việc sản phẩm có thể gây ra tai nạn, thương tích… nhà sản xuất cần có những nghiên cứu, đánh giá, sau đó có trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng, thu hồi sản phẩm hoặc cải tiến mẫu mã cho phù hợp hơn.
Về phần cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu, đánh giá, từ đó cảnh báo cho người tiêu dùng hoặc buộc nhà sản xuất thu hồi sản phẩm hoặc cải tiến mẫu mã.
Chung quy lại, cha mẹ, người giám hộ, người thân hay người chăm sóc trẻ là những người có trách nhiệm nhiều nhất khi để xảy ra tai nạn, thương tích cho trẻ. Không ít bậc cha mẹ do chủ quan, cố tình đưa trẻ rơi vào những tình huống nguy hiểm, hoặc vô tâm để trẻ một mình, ít quan tâm, chăm sóc để xảy ra tai nạn, thương tích cho trẻ.