Nhà Việt ra thế giới
Sau Expo Thượng Hải, nhà tre do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế lại trở thành nhà VN tại triển lãm thế giới Expo ở Milan, Ý năm nay.
Nhà Việt ra thế giới
Sau Expo Thượng Hải, nhà tre do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế lại trở thành nhà VN tại triển lãm thế giới Expo ở Milan, Ý năm nay.
“Mẫu nhà VN tại Hội chợ triển lãm thế giới Expo ở Milan năm nay là một mẫu nhà tre của kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa”, ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL nói. “Cùng chất liệu tre nhưng mẫu nhà này khác với mẫu nhà của Nghĩa tại Expo Thượng Hải hồi 2010. Chúng tôi đã đấu thầu và hội đồng chọn thiết kế của Nghĩa. Hội đồng đó do Bộ VH-TT-DL lựa chọn, trong đó có cả đại diện của Hội KTS”.
Rừng cây trên cao
Năm nay, chủ đề của Expo đề ra là để giải quyết một phần nào đó về vấn đề lương thực, thực phẩm và năng lượng. Theo KTS Võ Trọng Nghĩa, đây cũng chính là một phần cốt lõi của loài người ở thế kỷ 21. “Làm thế nào để công trình sử dụng ít năng lượng nhất, thân thiện với môi trường là vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Phương án chính là sau khi công trình hoàn thành, được sử dụng 6 tháng, nhưng vẫn có thể tái sử dụng lại ở đâu đó hoặc nếu thiêu huỷ thì phải giảm thiểu chất thải độc hại ra môi trường”, vị KTS này cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, để phù hợp với chủ đề của Expo đưa ra và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, các nhà thiết kế đã hình thành một ý tưởng là rừng cây trên cao. Rừng cây đó đem lại không gian xanh và bầu không khí trong lành bao phủ toàn bộ công trình, giảm bớt việc tiêu hao năng lượng. “Hình tượng kiến trúc của nhà giống như những búp sen giữa hồ nước. Vật liệu tre cũng là vật liệu thân thiện môi trường. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên của người VN muốn chia sẻ với thế giới”, ông Nghĩa phân tích.
Ngôi nhà tre với tình yêu thiên nhiên này được đánh giá khá hợp với chủ đề của hội chợ triển lãm Milan 2015: “Nuôi dưỡng hành tinh – Năng lượng cho cuộc sống”. Hội chợ sẽ tập trung vào cuộc chiến chống đói kém và suy dinh dưỡng trên toàn thế giới thông qua phát triển bền vững, lành mạnh, hợp tác toàn cầu và công nghệ mới. Bộ trưởng Giáo dục Ý Stefania Giacomini còn cho biết, đây là cơ hội để thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh trong trường học và hạ thấp tỷ lệ béo phì ở mức cao tại Ý và châu Âu.
Nhà tre thôi chưa đủ !
Tuy nhiên, một mình nhà tre của KTS Võ Trọng Nghĩa không phải là “tất cả VN” sẽ được trưng bày ở Expo tại Milan. Nói cách khác, nếu muốn giới thiệu hình ảnh đất nước không thể “khoán trắng” cho kiến trúc này dù nó có xuất sắc đến đâu. Kèm theo nó còn phải có những tạo dựng không gian bên trong, các trưng bày cũng như chương trình nghệ thuật đi kèm.
Một lãnh đạo cấp cục cho biết, mục tiêu nhắm tới là tạo ra ngôi nhà có nét kiến trúc mang đặc trưng văn hoá VN để giới thiệu các mặt hàng mang đặc trưng văn hoá VN, giới thiệu du lịch…
Tuy nhiên, trong ngôi nhà này lại hoàn toàn không có tác phẩm mỹ thuật đáng giá nào. “Nhà sẽ có ca nhạc và một số đồ lưu niệm du lịch. Bao nhiêu năm nay Bộ vẫn làm thế có gì đâu”, vị lãnh đạo này cho biết.
Thông tin từ Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại, ông Trần Bình, thông thường chúng ta sẽ đưa một nhóm nhỏ nghệ sĩ sang trước. Tại nhà VN đó, họ sẽ chơi một số bản nhạc dân tộc. Tốp nhạc khoảng 6 – 7 người này sẽ chơi nhạc khi có khách tới gian hàng. Sau đó, vào ngày VN, sẽ có đoàn sang trình diễn chương trình chính thức cùng các nước.
Theo nguồn tin từ Bộ VH-TT-DL, chương trình nghệ thuật năm nay lại tiếp tục mang dàn nhạc dân tộc sang Ý như truyền thống. Bên cạnh đó sẽ có giới thiệu hát văn và các giá đồng do các nghệ sĩ nhà hát tuồng thể hiện.
Với kịch bản không mấy thay đổi như vậy, một nhà nghiên cứu giấu tên cho rằng, dường như nhà VN ở hội chợ triển lãm lớn như Expo sẽ khó mang lại đột phá về hình ảnh. “Nhà tre của KTS Võ Trọng Nghĩa xuất sắc. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng vào đó mà không bổ trợ các chương trình khác, các nội dung trưng bày dày dặn, chúng ta sẽ đi vào lối mòn. Lối mòn giới thiệu văn hoá đó chúng ta đã đi rồi, theo kiểu cứ giới thiệu văn hoá Việt sẽ là nem và áo dài. Chúng ta chăm chăm vào vài thứ, trong khi khuôn mặt văn hóa đương đại lại mờ nhạt trong mắt bạn bè”, nhà nghiên cứu này nói.
Trinh Nguyễn