Du lịch nhếch nhác
Sau kỳ nghỉ lễ, hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng VN trở nên nhếch nhác, thậm chí biến thành bãi rác khổng lồ. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ xảy ra vào các kỳ lễ hay tết, mà chính là “căn bệnh” của ngành du lịch trong nước tồn tại hàng chục năm qua.
Du lịch nhếch nhác
Sau kỳ nghỉ lễ, hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng VN trở nên nhếch nhác, thậm chí biến thành bãi rác khổng lồ. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ xảy ra vào các kỳ lễ hay tết, mà chính là “căn bệnh” của ngành du lịch trong nước tồn tại hàng chục năm qua.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, kể rằng có lần đoàn khách đi từ sông lớn vào rạch nhỏ để tới nhà dân ở miền Tây, người lái xuồng phải dừng lại giữa chừng để gỡ bao ni lông và rác quấn vào chân vịt rồi mới có thể chạy tiếp.
“Du lịch ở miền sông nước là du lịch sinh thái, nhưng rác nổi lềnh bềnh trên rạch. Người dân buôn bán trên các chợ nổi có thói quen chặt trái cây xong là vứt xuống sông, nhưng nguy hiểm hơn hết cho môi trường là bao ni lông vứt bừa bãi”, ông Huê chán nản.
Chợ nổi: trên tiêu, dưới tắm
Các điểm tham quan ở An Giang cũng có nhiều rác, như núi Sập (Thoại Sơn), núi Sam (Châu Đốc), núi Cấm… Trên đỉnh Bồ Hong cao nhất ở núi Cấm, rác thải không được dọn dẹp tràn lan, dù cảnh quan rất đẹp.
Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch sông nước tiêu biểu của ĐBSCL, nhưng tại đây lại nhan nhản những cảnh tượng mất vệ sinh đến phản cảm. Cùng đoàn khách nước ngoài tới VN du lịch, 6 giờ sáng chúng tôi đến chợ nổi Cái Răng. Đang ngất ngây với cảnh buôn bán rộn ràng, thời tiết sông nước trong lành, bất chợt, anh bạn đi cùng tôi thảng thốt, chỉ tay về chiếc ghe lớn đậu phía trước. Một người đàn ông vô tư vệ sinh lộ thiên, phóng uế xuống sông.
Cảnh tượng “ô uế” diễn ra trước mắt đoàn khách du lịch phương Tây ngồi trên chiếc tàu 24 chỗ đang chậm rãi chạy ngang. Nhiều khách du lịch nhìn thấy nhưng không rõ chuyện gì cho tới khi người đàn ông đứng dậy kéo quần. Chị Hồng, người lái ghe chở du khách, nói: “Chuyện thường ngày mà. Dân ở đây mấy trăm hộ đều đi vệ sinh xuống sông như vậy cả!”.
Đúng như lời chị Hồng, chiếc ghe chở chúng tôi xuôi dòng nước thêm khoảng 30 m, phía dưới ghe lớn, một người đang tắm, kỳ cọ thì ngay phía trên là một người đứng tiểu tiện xuống nước. Chị Hồng phân trần: “Lái đò dẫn khách sợ nhất là đi vào sáng sớm thế này. Vì từ 5 đến 6 giờ sáng là “cao điểm” người ta đi vệ sinh nên tụi tui phải ráng tránh mấy cảnh này, mà cứ tránh được ghe này thì lại dính ghe kia”.
Anh Lý Hữu Phúc, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Mekong eyes Cruise, cho biết người đưa đò và hướng dẫn viên phải vừa “né” cảnh mất vệ sinh mà vừa phải “đánh lạc hướng” khách. “Chúng tôi phải biết dẫn dắt sự chú ý của khách vào cảnh buôn bán, giao thương, trao đổi hàng hóa, những cây bẹo, ráng không để họ thấy cảnh người dân tiêu, tiểu trực tiếp xuống sông… Nhưng không thể tránh hết được”, anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Trung tâm du lịch Q.Cái Răng, chuyện người dân đi vệ sinh xuống sông là một thực tế mà ngành du lịch quận đã nhận thấy từ lâu nhưng rất khó khăn để khắc phục. Trước đây, cũng có bố trí 1 nhà vệ sinh công cộng nhưng không hiệu quả, người dân không chịu chèo ghe đến nhà vệ sinh, trong khi chi phí cao nên sau đó đành dẹp.
Bịt mũi ở danh thắng
Tương tự, khu vực danh thắng vịnh Hạ Long có khoảng trên 1.000 tàu, thuyền hoạt động và phần lớn xả chất thải xuống biển nhưng việc thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long vẫn đang được xử lý thủ công. Nhân viên của Ban Quản lý vịnh Hạ Long chèo thuyền thu gom, với khoảng 2,5 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Đó là rác thải, còn chất thải lỏng từ tàu thuyền đưa đón khách tham quan, nhà hàng, khách sạn, nhà máy… xả ra vịnh thì chắc chắn không thể kiểm soát được. Chưa kể tình trạng ô nhiễm không khí trên vịnh, khi tàu thuyền hằng ngày di chuyển khắp nơi và xả một lượng lớn khói bụi.
Tỉnh Quảng Ninh từng hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước nhằm hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm bằng cách khuyến khích các tàu sử dụng 5% lượng dầu diesel sinh học (pha với 95% dầu diesel thông thường) có thể giảm khoảng 30% lượng khí độc hại thải ra môi trường so với việc sử dụng 100% dầu diesel thông thường. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp hạn chế tình huống.
Tương tự, ở Hội An (Quảng Nam) vào mùa khô hạn, đứng vài phút bên Chùa Cầu, du khách phải bịt mũi hoặc đeo khẩu trang vì nước thải bốc mùi hôi thối. Tình trạng nước thải chưa được qua xử lý chảy qua chân Chùa Cầu rồi xả thẳng ra sông Hoài diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết được. Người dân sinh sống cạnh địa điểm tham quan nổi tiếng này cho biết, chỉ cần bước vào mùa kiệt, mực nước sông Hoài xuống thấp khi đó mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh này càng trầm trọng.
“Mỗi ngày, thông qua dòng kênh này, hàng trăm mét khối nước thải đổ ra sông Hoài. Cứ nhìn màu nước đen ngòm thì biết nó ô nhiễm đến cỡ nào. Mưa xuống còn đỡ, nắng lên mùi hôi tanh ám cả khu vực, không ai chịu nổi”, người đàn ông tên Hoà sống cạnh dòng kênh than vãn.
Ông Lê Đại Quang, Tổ phó Tổ môi trường (Phòng TN-MT TP.Hội An), cho hay kênh Chùa Cầu trước đây không phải để thoát nước thải mà dùng để thoát nước mưa, tránh ngập úng từ Cẩm Hà về đến sông Hoài. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển đô thị, các tuyến cống tại các phường: Tân An, Cẩm Phô, Minh An đều dẫn ra kênh. Nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, của các khách sạn, nhà hàng… đều về hồ điều hoà, qua kênh Chùa Cầu rồi chảy xuống sông Hoài, với lượng nước hơn 1.000 m3/ngày. Vì nước chưa qua xử lý nên trước đây nước khu vực này rất hôi.
Kêu gọi nước ngoài hỗ trợ
Theo ông Lê Đại Quang – Tổ phó Tổ môi trường (Phòng TN-MT TP.Hội An), trước đòi hỏi phải đảm bảo mỹ quan di tích Chùa Cầu phục vụ du lịch, thành phố đã triển khai một số biện pháp cải thiện nguồn nước như: nạo vét hồ (1 – 2 năm/lần), sử dụng cỏ và bèo lục bình xử lý nước… Địa phương cũng kêu gọi Tổ chức JICA của Nhật giúp đỡ xử lý nước qua tuyến kênh này và đã được chính phủ Nhật Bản thông qua nguồn vốn ODA không hoàn lại vào tháng 2 vừa qua. Hiện thành phố đang hoàn tất các thủ tục triển khai dự án với tổng kinh phí hơn 11 triệu USD. Các hạng mục gồm xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 2.000 m3/ngày có dự báo tăng dân số và phát triển du lịch; cải tạo hệ thống thu gom, làm cống hộp, làm nắp đậy đảm bảo mỹ quan.
|
Đ.Tuyển – H.Sơn – T.Tâm