Tạo hứng khởi sau kỳ nghỉ
Sau ngày vui là bao sầu lo. Dân mạng liên tục ta thán và chẳng biết làm sao để vượt qua hội chứng uể oải sau kỳ nghỉ dài ngày.
Tạo hứng khởi sau kỳ nghỉ
Sau ngày vui là bao sầu lo. Dân mạng liên tục ta thán và chẳng biết làm sao để vượt qua hội chứng uể oải sau kỳ nghỉ dài ngày.
Lướt Facebook, dạo Twitter, Zing Me… dễ nhận ra sự khác biệt rõ rệt. Nếu như trước khi kỳ nghỉ bắt đầu và cả thời gian trước đó, dân mạng hỏi nhau “đi chơi đâu”, “Vũng Tàu có món nào ngon”, “Đà Lạt nơi nào vui”… thì hai ngày gần đây, dân mạng lo ngại chẳng biết làm sao để chú tâm quay trở lại guồng làm việc khi những cung đường du lịch đã đi qua, những đặc sản, món ngon ở các địa điểm từng dừng chân vẫn còn vương vấn.
“Ai ơi giúp tôi với. Sao đầu óc toàn chỉ nghỉ tới những ngày chơi thoải mái vừa qua. Làm sao bắt nhịp lại với công việc đây”, Quỳnh Giao Trần than vãn trên Facebook. Hàng trăm lượt bấm like status này thể hiện nhiều người cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Và chẳng phải người đã đi làm, ngay cả sinh viên, học sinh cũng ta thán. “Mấy ngày qua toàn thức nguyên đêm, có khi ngủ tới tận trưa, chẳng phải lo nghĩ bài tập gì cả, chỉ có ăn chơi… Vậy mà giờ đây phải đi học lại rồi. Làm sao có thể thức đúng giờ, có thể chú tâm học tập nhỉ. Hic”, thành viên Lê Thuỳ Vân “buông lời buồn” trên Facebook, khác hẳn những ngày trước Vân liên tục cập nhật hình ảnh đi biển, đi ăn hải sản…
Còn trên YuMe, Liên Trần tâm sự: “Eo ơi khó quá, eo ơi sao khó quá, làm sao có thể được bình thường như xưa”. Cô gái này bảo kể từ lúc đi du lịch ở Nha Trang về gặp phải hội chứng “chẳng muốn làm gì nữa”, và đang chẳng biết phải làm thế nào để lấy lại cân bằng sau kỳ nghỉ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng câu chuyện của dân mạng đang gặp phải: không thể tập trung làm việc, không muốn học, chẳng muốn làm gì… là do quán tính tâm lý. “Kỳ nghỉ vừa qua khá dài, nên việc liên tục thực hiện những hoạt động trong nhiều ngày như: thức khuya, ngủ nướng dậy trễ thì dẫn đến nhịp sống khác, gây trở ngại khi quay về nhịp sống bình thường, nhiều người cảm thấy rơi vào trạng thái lười, chán chường”, thạc sĩ Hiếu nói.
Hướng dẫn cho những lời than vãn chẳng biết phải lên dây cót và lấy lại động lực làm việc như thế nào của dân mạng, thạc sĩ Hiếu khuyên có thể tranh thủ ngày nghỉ cuối cùng một ít thời gian để ôn bài, làm vài công việc nhỏ nhỏ, để cho “nóng máy”, tạo ra sự hứng khởi và dễ dàng “tăng tốc” khi bắt tay vào làm việc chính thức trong những ngày sau.
Mỗi người hãy ghi hoặc vẽ ra giấy những mục tiêu đầy kích thích muốn đạt trong thời gian tới. Sau đó, phác hoạ thành kế hoạch thực hiện cụ thể để làm tấm bản đồ cho giai đoạn mới.
Còn PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN, thì khuyên mọi người không được nuông chiều cảm xúc cá nhân hay vô tư để sự vòi vĩnh của bản thân liên tục lên tiếng khi vừa trải qua kỳ nghỉ dài ngày. “Mỗi người cần vận dụng kỹ năng quản lý bản thân, kiểm soát nhu cầu cá nhân và định hình các thói quen tích cực. Cần đặt những mục tiêu thách thức bản thân và khơi nguồn cảm hứng để lấy lại động lực làm việc. Vào ngày cận cuối của kỳ nghỉ nên có chế độ nhắc việc tự động qua điện thoại”, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn hiến kế.
Ông Sơn cũng cho rằng nếu như trong dịp nghỉ vừa qua, nếu vẫn tranh thủ một khoản thời gian theo kiểu văn ôn võ luyện để tránh bị ì, thì đó chính là phương án dự phòng để mau chóng lấy lại phong độ, và những người này sẽ nhanh chóng vào guồng làm việc thật nhanh.
Bình luận
* “Quẳng gánh vui chơi đi mà làm việc! Kỳ nghỉ hết rồi”. (Vũ Phương Anh/Zing Me)
* “Cần loại bỏ ngay tâm lý thụ hưởng, tâm lý nghỉ ngơi trong những ngày nghỉ lễ dài ngày. Chứ cứ ăn chơi hoài thì chắc chắn bị sếp la hay thầy cô phạt cho mà xem”. (Huỳnh Tuấn/Facebook)
* “Theo mình để bắt nhịp lại với công việc thì phải bỏ ngay tâm lý nghỉ ngơi”. (Trần Hoàng/Facebook)
* “Đừng dễ dãi với bản thân. Hãy lập tức bắt tay vào công việc. (Vũ Miu/Facebook)
|
Xuân Phương