27/11/2024

Thiết bị nhổ khoai mì của cô học trò Ba Na

Thiết bị nhổ khoai mì của thầy trò Y Da Di có cấu tạo và nguyên tắc hoạt động hết sức đơn giản, giúp kéo các cây mì nhiều củ dưới mặt đất lên nhẹ nhàng.

 

Thiết bị nhổ khoai mì của cô học trò Ba Na

 

 Thiết bị nhổ khoai mì của thầy trò Y Da Di có cấu tạo và nguyên tắc hoạt động hết sức đơn giản, giúp kéo các cây mì nhiều củ dưới mặt đất lên nhẹ nhàng.

 

 

 

Y Da Di và thầy giáo hướng dẫn của mình với thiết bị nhổ khoai mì cầm tay – Ảnh: B.D.

Nhiều lần lên rẫy chứng kiến cảnh bố mẹ và người làng phải cực nhọc mỗi lần thu hoạch khoai mì, cô học trò Y Da Di – lớp 9 Trường THCS Trần Khánh Dư (Kon Tum) – đã sáng chế thành công thiết bị nhổ khoai mì cầm tay.

Y Da Di cho biết gia đình em sống tại làng Ba Na Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang, TP Kon Tum). Nhà đông con nên bố mẹ Di phải làm nhiều rẫy, chủ yếu trồng khoai mì để nuôi mấy anh chị em Di ăn học.

Dù mới chỉ học lớp 9 nhưng Di cũng đã là một lao động chính trong gia đình, ngoài giờ học thường xuyên theo bố mẹ, anh chị lên rẫy.

Đối với nông dân trồng khoai mì, công đoạn thu hoạch luôn là nỗi ám ảnh và vô cùng cực nhọc. Cây khoai mì đến kỳ thu hoạch, củ nằm sâu dưới đất cứng, muốn thu hoạch được không có cách nào khác ngoài dùng sức người nhổ thủ công.

“Mỗi đợt thu hoạch như thế làng em phải tập trung đổi công, nhưng việc thu hoạch cũng rất lâu. Bố mẹ em lớn tuổi rồi nên mỗi lần đi nhổ khoai mì về đau lưng miết” – Di nói.

Thấy bố mẹ vất vả, cuối năm 2013 khi nghe thầy cô giáo thông báo có cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh, Y Da Di gặp thầy phụ trách Trần Đình Thuy nói: “Em sẽ làm một cái “máy” nhổ khoai mì được không thầy?”.

Thầy giáo ngạc nhiên trước ý tưởng khá thiết thực này và bảo Di vẽ sơ qua về “chiếc máy”. Di vẽ trên đó một thiết bị chưa rõ hình hài, nhưng có hai bộ phận chính gồm một chiếc “càng cua” và một đòn bẩy. Thầy Thuy hiểu ý tưởng của Di rồi hai thầy trò cùng bắt tay thực hiện.

Thầy Trần Đình Thuy cho biết khi hoàn thiện ý tưởng và ra thợ hàn thiết bị nhổ khoai mì đầu tiên, cả hai thầy trò tranh thủ chạy giữa nắng trưa đi ra rẫy khoai mì nhổ thử.

Thầy lẫn trò reo lên vì sung sướng khi cây nhiều củ nằm dưới mặt đất được kéo lên nhẹ nhàng, không mất nhiều sức lực.

Những ngày sau đó, bộ thiết bị này được tiếp tục hoàn thiện, từ trọng lượng nặng hàng chục ký cồng kềnh và rất vất vả khi thao tác được cải tiến và hoàn thiện lần cuối cùng với trọng lượng chỉ chưa đầy 2,5kg, hoạt động linh hoạt, ai cũng có thể sử dụng được.

Thiết bị nhổ khoai mì của thầy trò Y Da Di có cấu tạo và nguyên tắc hoạt động hết sức đơn giản, gồm hai bộ phận chính là đòn bẩy và hệ thống gọng kìm trợ lực, hoạt động dựa trên lực đòn bẩy.

Khi đế thiết bị được đặt sát gốc thì hệ thống kìm sẽ ghìm chặt gốc cây, chỉ cần bẩy lên thì toàn bộ gốc, củ sẽ được kéo lên khỏi mặt đất.

Tại cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ dành cho học sinh khối THCS tỉnh Kon Tum, thiết bị này của Y Da Di đã thuyết phục hội đồng chấm giải và được trao giải nhì (không có giải nhất).

Mới đây với thiết bị này Y Da Di cũng đã được trao giải khuyến khích trong cuộc thi tương tự dành cho học sinh 31 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Nói về sản phẩm này, thầy Trần Đình Thuy – người hướng dẫn cho Y Da Di – nói: “Từ cuộc sống nghèo khổ cực nhọc mà một học sinh đã nghĩ ra thiết bị này là điều làm chúng tôi mừng nhất.

Cấu tạo đơn giản, dễ chế tạo, rất dễ sử dụng nên khi đưa lên ruộng khoai mì người dân đều thích và muốn được “đặt hàng” thầy giáo và Y Da Di. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và sắp tới nếu có điều kiện sẽ cung cấp cho người dân chế tạo và đưa vào sản xuất”.

THÁI BÁ DŨNG