08/01/2025

Đầy bức xúc Thủ Thiêm

Buổi tiếp xúc dự kiến từ 14 – 16 giờ 30, nhưng kéo dài đến hơn 20 giờ 30 với rất nhiều nước mắt và cả sự giận dữ của cử tri bị ảnh hưởng bởi khu đô thị mới Thủ Thiêm.

 

Đầy bức xúc Thủ Thiêm

Buổi tiếp xúc dự kiến từ 14 – 16 giờ 30, nhưng kéo dài đến hơn 20 giờ 30 với rất nhiều nước mắt và cả sự giận dữ của cử tri bị ảnh hưởng bởi khu đô thị mới Thủ Thiêm.
 
 
 
 
 

Cử tri ngất xỉu, bật khóc tại buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội hôm qua	 /// Ảnh: Ngọc Dương

Cử tri ngất xỉu, bật khóc tại buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội hôm qua   ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 
 
Chiều qua (9.5), Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP và bà Trịnh Ngọc Thuý, Phó chánh án TAND TP, tiếp xúc cử tri Q.2. Những vấn đề nóng bỏng về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là dự án Thủ Thiêm) đã được chính cử tri là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án nêu ra với các đại biểu Quốc hội.
 
Theo kế hoạch, 14 giờ buổi tiếp xúc sẽ diễn ra nhưng từ 13 giờ, nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm đã tập trung kín cả khán phòng Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.2, mang theo nhiều tài liệu, bản đồ liên quan để phản ánh với báo chí. Bức xúc của người dân tập trung vào việc chính quyền thu hồi đất, cưỡng chế đập phá nhà cửa của dân mà theo họ là không nằm trong ranh quy hoạch của dự án Thủ Thiêm; về lợi ích nhóm đã đẩy cuộc sống người dân vào hoàn cảnh khổ cực trong nhiều năm qua…
 
Đền bù dân 18 triệu đồng/m2, dự án bán 350 triệu đồng /m2
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết phản ánh liên quan đến việc đền bù ở Thủ Thiêm, bà có gọi điện tới Công ty Đại Quang Minh hỏi về dự án Sa La thì được biết 1 m2 nhà ở dự án này bán tới 350 triệu đồng, còn nhà nguyên căn tới 23 tỉ đồng/căn. “Nhà nước đền bù cho dân tại dự án này chỉ 18 triệu đồng/m2 và không biết giao cho doanh nghiệp bao nhiêu, nhưng dự án Sa La bán với giá tới 350 triệu đồng/m2. Làm như thế thì ép dân quá, trong khi người dân rất nghèo. Nếu trường hợp dự án Sa La bán 350 triệu đồng/m2 thì phải đền bù 50 triệu đồng chứ 18 triệu đồng/m2 thì ít quá”, bà Tuyết nói.
 
Cử tri cũng nêu câu chuyện “mất bản đồ” của Quyết định 367, chuyện TP điều chỉnh quy hoạch dự án Thủ Thiêm bằng Quyết định 6565 do Phó chủ tịch UBND TP lúc đó ký là không đúng quy định pháp luật. Cử tri Lê Thị Ngọc Nga (P.Bình Khánh) bức xúc nhà của bà bị cưỡng chế nhưng không có quyết định thu hồi nên 10 năm nay vẫn miệt mài đến tòa. Nội dung bà Nga kiện là: UBND Q.2 không ban hành quyết định đất, áp giá bồi thường, cưỡng chế bồi thường trái pháp luật… “Nay tôi rất bức xúc nghe thông tin bản đồ bị mất, tôi tạm gọi là bị thủ tiêu. Từ đây tôi yêu cầu UBND Q.2 trả nhà cho tôi để ổn định cuộc sống. Một điều nữa bản đồ bị mất đã được ông Võ Viết Thanh cung cấp bản đồ cho UBND TP. Đề nghị treo những bản đồ này cho người dân được biết”, bà Nga nói.
 
Cử tri Nguyễn Ngọc Thanh, chủ căn hộ diện tích 59 m2 ở đường Lương Định Của, Q.2.
Căn nhà bà Thanh mua hơn 50 cây vàng nhưng sau khi thông báo bị giải tỏa, UBND Q.2 bồi thường hơn 91 triệu đồng và thông báo cho mua một căn hộ tái định cư với điều kiện bà phải đóng hơn 800 triệu đồng. Bà Thanh khẳng định nhà của mình nằm ngoài ranh của dự án Thủ Thiêm, từ đó đề nghị trả lại nhà để ổn định cuộc sống hoặc cấp một miếng đất có mặt tiền tương đương.
 
Cử tri Ngô Hùng Phong cho hay nhà của ông bị thu hồi đi khiếu kiện mãi vẫn chưa được giải quyết. Đến nỗi ba của ông mãi đau đáu hỏi con cái, ngay cả trước lúc qua đời câu nói cuối cùng của ba ông là “nhà tôi đâu”. Ông Phong vừa nói vừa mếu máo.
 
Cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết phản ánh gia đình bà có hơn 3.800 m2 mà chỉ được đền bù 150.000 đồng/m2, tổng đền bù chỉ được 568 triệu đồng. “Giá đền bù 1 m2 đất còn thua 3 tô phở nữa. Những cây ăn trái trong vườn thu hoạch bán được biết bao nhiêu tiền mà chỉ được trả toàn bộ hơn 3 triệu đồng, còn vật chất chỉ được trả hơn 570.000 đồng. Do gia đình chúng tôi là gia đình cách mạng nên không có làm căng với nhà nước, nhưng càng thưa càng rối. Tôi tích cực vận động người trong nhà thực hiện chủ trương nhà nước, tưởng là giải tỏa để làm công trình nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế tôi rất đau là toàn nhà cao tầng mọc lên có sự kết hợp một số cán bộ Q.2”, bà Tuyết nói trong nước mắt.
 
Đề nghị làm rõ việc đổi đất làm 4 tuyến đường
Tự nhận là “người rành rẽ về dự án Thủ Thiêm”, bà Nguyễn Thị Mỹ (P.An Khánh) cho hay đã 13 năm qua đi khiếu nại nhưng đến giờ chưa đạt được kết quả. Nhắc lại quá khứ dự án, bà Mỹ nói 22 năm trước Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có Quyết định 367 phê duyệt khu đô thị Thủ Thiêm. Trong phê duyệt nói rõ quy mô của khu đô thị này là 930 ha, trong đó có 160 ha đất dành cho tái định cư, nhưng sau đó diện tích này bị đẩy dạt ra nhiều nơi. Theo bà Mỹ, sau gần 10 năm kể từ khi có Quyết định 367, Phó chủ tịch UBND TP lúc đó là ông Nguyễn Văn Đua phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/5.000 và quy hoạch chi tiết 1/2.000. Đến năm 2007, ông Lê Thanh Hải khi đó là Bí thư Thành ủy TP chỉ đạo ra Quyết định 113 lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị và kêu gọi dự án đầu tư, nhưng đến bây giờ vẫn không có quy hoạch 1/500 và cũng không có dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm.
 
“Bản chất của việc thu hồi đất tại dự án Thủ Thiêm là thu hồi khi chưa có dự án đầu tư. Việc thu hồi đất này để bán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần. Đó mới là bản chất của khu đô thị mới này”, bà Mỹ nói.
 
Cử tri Đoàn Văn Phương (P.Bình Khánh) cho rằng ở dự án Thủ Thiêm chắc chắn có lợi ích nhóm. Quy hoạch Thủ Thiêm bây giờ không còn khu trung tâm, quảng trường, chỗ vui chơi, giải trí mà đã biến dạng thành khu “phân lô bán nền”. Còn cử tri Nguyễn Tiến Thịnh cho rằng khu đô thị này bắt đầu bị “xé nát” từ năm 2002 khi các văn bản “đưa ra, đưa vào”. Chính quyền TP đã cưỡng chế và giao 160 ha đất tái định cư cho các công ty tư nhân sân sau, khiến người dân bức xúc. Nếu 160 ha đất vẫn còn đó, người dân được hưởng thành quả của khu đô thị thì sẽ không bức xúc như ngày hôm nay.
 
“Hiện dự án Thủ Thiêm đổi đất cho Công ty Đại Quang Minh làm 4 tuyến đường trong khu đô thị. Tôi đề nghị Quốc hội giám sát 4 tuyến đường này, chưa đầy 12 km nhưng đầu tư tới 12.000 tỉ đồng. Trung bình 1 km làm hết 1.000 tỉ đồng là con đường dát vàng. Quan trọng là TP đã đổi bao nhiêu đất, giá đất bao nhiêu. Cái này đất của nhân dân, tiền của nhân dân nên đề nghị Quốc hội giám sát để cho nhân dân biết. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đất, nhà làm dự án Thủ Thiêm, nhưng nhiều năm nay chưa thấy gì cả mà toàn thấy dự án làm villa, bán nền”, ông Thịnh nói.
 
Người dân sẽ dùng căn cứ pháp lý để đòi lại đất
Cử tri Nguyễn Hồng Quang (KP.1, P.Bình Khánh) đưa tấm bản đồ 285 năm 1998 về quản lý quy hoạch Q.2 ra cho các đại biểu thấy về tính pháp lý của tổng dự án, ranh quy hoạch và khẳng định nhà của ông nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm. Theo ông Quang, nhìn vào bản đồ này có thể thấy khu vực nào ngoài khu trung tâm Thủ Thiêm thì được bán nhà và trong khu trung tâm Thủ Thiêm không được mua bán nhà. Ông Quang khẳng định người dân có đầy đủ văn bản pháp lý để chứng minh nhà đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm.
 
“Chúng tôi không có mơ hồ, cảm tính mà có đầy đủ cơ sở pháp lý và đầy đủ bằng chứng để khẳng định nhà đất của mình ngoài ranh quy hoạch. Qua bản đồ 02BB mà UBND Q.2 đưa ra là bản đồ dự kiến quy hoạch, thu hồi đất bằng phê duyệt của Thủ tướng. Thủ tướng mới có quyền thu hồi diện tích đất đô thị trên 2 ha vào thời điểm ban hành quy hoạch Thủ Thiêm và chúng tôi thấy rằng nếu UBND TP có được ủy quyền cũng không có giá trị, vì phải tuân theo hệ thống quy phạm pháp luật. Văn bản do ông Nguyễn Văn Đua thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND TP ký thay đổi quy hoạch rất lỏng lẻo nên chúng tôi bác bỏ”, ông Quang nói.
 
4 vấn đề cần làm rõ, giải quyết
Người trả lời cử tri đầu tiên là ông Nguyễn Phước Hưng (Chủ tịch UBND Q.2). Ông Hưng cho rằng không thể nhớ hết toàn bộ hồ sơ chi tiết của từng cử tri để trả lời cụ thể, nhưng UBND Q.2 sẽ có văn bản trả lời người dân cụ thể hơn. Ông Hưng cho biết, Ban Pháp chế TP và UBND Q.2 đã tìm hiểu, tiếp xúc các hộ dân rồi nhưng người dân phải cho thêm thời gian mới đưa ra phương án giải quyết. Về việc cử tri nói “UBND Q.2 đền bù giá rẻ, giá bằng 3 tô phở”, ông Hưng khẳng định “không có chuyện này”.
 
Việc cử tri cho rằng chính quyền Q.2 không giải quyết khiếu nại cho người dân, ông Hưng cho rằng trong số những người dân chịu ảnh hưởng dự án Thủ Thiêm có những người dân nộp đơn khiếu nại, nhưng cũng có người không nộp đơn khiếu nại hoặc nộp lên cấp cao hơn. Đơn nào gửi UBND Q.2 đảm bảo đều được kiểm tra và giải quyết khiếu nại. Việc giải quyết khiếu nại xong, người dân không đồng thuận thì khiếu nại lên cấp cao hơn.
 
Cuối cùng, ông Hưng nói việc nhà đất của người dân thuộc trong ranh hay ngoài ranh thì UBND Q.2 không trả lời được, phải chờ UBND TP có kết luận, lúc đó UBND Q.2 mới trả lời. Câu trả lời của Chủ tịch UBND Q.2 khiến cử tri bức xúc phản đối.
 
Phát biểu sau hơn 6 tiếng lắng nghe hơn 50 ý kiến cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tổng kết 4 vấn đề người dân bức xúc: Về cơ sở pháp lý nào mà TP tổ chức thu hồi đất của người dân để hình thành dự án Thủ Thiêm hiện nay, sẽ yêu cầu TP phải trả lời công khai minh bạch cho người dân; về chính sách, cơ sở tiến hành kiểm đếm, lập hồ sơ, đền bù cho người dân, còn nhiều hồ sơ mà người dân cảm thấy chưa đúng quy định pháp luật, chưa đầy đủ, chính xác so với hiện trạng nhà đất của người dân; cử tri đề nghị đại biểu báo cáo T.Ư, đề nghị thanh tra toàn diện dự án Thủ Thiêm, về cơ sở pháp lý và quá trình thực hiện dự án có những việc không đúng quy định pháp luật; từ khi thực hiện dự án, ngân sách TP thu được bao nhiêu, cử tri đề nghị làm rõ; cử tri mong muốn tổ đại biểu đại diện cho quyền lợi của dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dân. “Các ý kiến của người dân hôm nay sẽ được báo cáo với Bí thư một cách đầy đủ, sắp tới sẽ tổ chức buổi họp với người dân và yêu cầu UBND TP báo cáo tất cả các vấn đề với Ban Thường vụ Thành ủy để chỉ đạo toàn diện”, bà Tâm nói.
 
“Chúng tôi nhận khuyết điểm là chậm trong việc xử lý nhưng mong bà con thông cảm. Vì thời gian chính quyền giải quyết chậm, người dân chịu thiệt thòi nhiều, cuộc sống khó khăn, người dân bức xúc. Nghe bao nhiêu cũng được, dân nói nặng lời sao tôi cũng nghe được, vì nghe để giải quyết cho dân, chỉ sợ sức khỏe của cô bác không đảm bảo”, bà Tâm trăn trở khi trong cuộc tiếp xúc nhiều người xúc động, có cử trị bị ngất. Từ đó, bà Tâm cam kết với cử tri sẽ chỉ đạo UBND TP rà soát lại toàn bộ pháp lý dự án Thủ Thiêm, báo cáo công khai cho người dân Thủ Thiêm biết.
 
“Khi người dân nói Q.2 cưỡng chế sai pháp luật, HĐND đã xuống Q.2 đề nghị lấy toàn bộ hồ sơ bị cưỡng chế, chúng tôi từng chỉ định rút ngẫu nhiên hồ sơ khiếu nại của người dân lên UBND Q.2, chúng tôi phát hiện có vấn đề nên đã đề nghị UBND Q.2 làm rõ, giải quyết cho người dân. Chúng tôi chưa rà soát toàn bộ hồ sơ Q.2 cưỡng chế nhưng sẽ làm”, bà Tâm cho biết.
 
Ai hưởng lợi ở Thủ Thiêm ?
Đó là câu hỏi được cử tri Nguyễn Thị Hà nêu ra. Theo bà Hà, đất nhà bà bị thu hồi nằm ngoài ranh quy hoạch và hiện có 30 hộ dân đang ở Hà Nội đi khiếu kiện liên quan dự án Thủ Thiêm. “Ai được hưởng lợi ở dự án Thủ Thiêm, có phải nhóm lợi ích nhóm không? Đề nghị tổ giám sát Quốc hội thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình báo cáo với Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng”, bà Hà bức xúc.
 
Cử tri Nguyễn Hoàng Vân đề nghị T.Ư vào cuộc chứ không để địa phương tiếp tục giải quyết những bức xúc của dân. “Đề nghị giao T.Ư, Quốc hội đứng ra giám sát chứ không chỉ riêng đoàn ĐBQH TP.HCM nữa, vì ở đây tồn tại những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”, ông Vân nói.

 
Trông chờ việc xử lý rốt ráo
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, liên quan đến những khiếu nại, tố cáo của người dân Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã có 4 báo cáo kết luận; các bộ, ngành cũng có hàng loạt văn bản đề nghị giải quyết; đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã 14 lần có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM giải quyết đúng pháp luật.
 
Lần họp giải quyết khiếu nại, tố cáo mới đây nhất vào cuối năm 2017 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo chủ chốt Thành uỷ, HĐND, UBND TP.HCM… Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp khẳng định dự án Thủ Thiêm là dự án trọng điểm về kinh tế, xã hội của TP.HCM; diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân. Do đó, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, UBND TP phải chủ động phối hợp các bộ ngành xử lý những tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất làm dự án. Về hướng giải quyết, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM và các bộ ngành liên quan “có biện pháp phù hợp theo đúng quy định pháp luật”, không để người khiếu nại, tố cáo tập trung đông người, gây mất ổn định xã hội.
 
Thế nhưng, việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân Thủ Thiêm đến nay vẫn chưa xác định được mốc thời gian dứt điểm. Đầu tháng 4.2018, Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người trên địa bàn TP.HCM họp để giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến việc cung cấp bản đồ phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án Thủ Thiêm (kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4.6.1996) và xác định ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm tại khu đất 4,3 ha thuộc KP.1, P.Bình An (khu vực còn phát sinh nhiều khiếu nại đông người kéo dài nhiều năm qua – PV) có nằm trong ranh quy hoạch Thủ Thiêm hay không. Tuy nhiên, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM vào cuối tháng 4.2018 lại tiếp tục giao các sở ngành rà soát, tham mưu và dự thảo văn bản để UBND TP.HCM báo cáo, kiến nghị Thủ tướng giải quyết.

THANH NIÊN