27/11/2024

Một ngày với trẻ mầm non 6 tháng tuổi

Biết bao nhọc nhằn nhưng vui nhộn trong một ngày của các cô chăm sóc trẻ mầm non từ 6 tháng tuổi.

 

Một ngày với trẻ mầm non 6 tháng tuổi

 

 

Biết bao nhọc nhằn nhưng vui nhộn trong một ngày của các cô chăm sóc trẻ mầm non từ 6 tháng tuổi.

 

 

Các cô chăm cho bé ăn, công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và yêu thương rất lớn - Ảnh: Minh Luân

Các cô chăm cho bé ăn, công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và yêu thương rất lớn – Ảnh: Minh Luân

Cứ đòi chơi, không chịu ngủ

Tại lớp “chim non” (trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi) của Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) có 11 bé với 4 cô. Lịch biểu sinh hoạt của các bé là sau khi tắm nắng, ăn sáng, sẽ ngủ đợt 1 đến khoảng 9 giờ 30. Tiếp theo, các bé được cô giáo tập đi, tập bò; rồi ăn, chơi và… ngủ đợt 2; đến xế chiều thì ăn đợt 3 và tắm rửa thay đồ mới, chơi và học rồi chờ cha mẹ đến đón.
Bốn cô giáo của lớp “chim non” đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc nuôi dạy trẻ, thấp nhất cũng hơn 6 năm, nhiều nhất cũng đã hơn 20 năm.
Trong giờ ngủ, các cô cho những bé thuộc dạng “dễ tính” vào nôi trước vì theo cô Minh Nguyệt, những bé dễ ngủ chỉ cần đưa vào nôi là ngủ ngay. Nhưng thường chỉ 1, 2 bé “dễ tính” còn phần lớn các bé cứ nằm đó “băn khoăn giấc chẳng thành” hoặc cứ đòi chơi với cô chứ nhất quyết không chịu ngủ. Bé Minh Thư (9 tháng tuổi) chỉ muốn chơi, khi các cô dỗ dành cho các bé khác ngủ thì Minh thậm chí còn “khều” cho bạn thức dậy. Còn bé Vân Anh (9 tháng tuổi) cứ đòi chơi với cô Nguyệt suốt.
Các cô cứ lần lượt vừa vỗ mông, vừa hát ru cho từng bé một đi ngủ. Cứ bé này vừa ngủ xong, cô Ngọc, cô Nguyệt… lại bước nhanh đến nôi khác. “Giờ đã gần cuối năm học nên các bé cũng đã quen giấc rồi, chứ hồi đầu năm có hát ru, dỗ dành hết lời các cháu cũng chẳng chịu ngủ”, cô Hiền cho biết. Những bé khó ngủ, các cô phải đẩy nôi đi vòng vòng khắp lớp, kết hợp đủ loại âm nhạc, hò vè, thơ ca… mới chịu ngủ. “Nhưng khi hai bé này vừa ngủ thì các bé khác đã thức dậy đòi chơi”, cô Ngọc nói.
Quay vòng với trẻ
Khi các bé trong lớp vừa ngủ xong, các cô mỗi người một việc, chuẩn bị giờ ăn cho các bé. Cô Hiền lo xếp tã, cô Thoa lau sàn nhà, cô Ngọc khiêng ghế ngồi sắp sẵn, cô Nguyện vừa hấp bình sữa, vừa phải luôn hướng mắt về bé không chịu ngủ. Lau nhà xong, cô Thoa lại chuẩn bị thau, khăn, giấy… chuẩn bị cho một “chuyên gia” mà theo lời cô là cứ tới giờ ăn là bé lại ói.
Bàn ghế, thức ăn vừa xong cũng là lúc các bé bắt đầu thức. Ca đầu tiên, 4 cô cho 6 bé ăn. Cô Hiền phụ trách cho bé Bình Minh ăn. Cô ẵm Bình Minh, một tay cô cầm đồ chơi vẫy vẫy, một tay cầm muỗng đút và miệng thì cứ liên hồi: “Nói gà đi con, cá đi con, mum mum”, rồi thỉnh thoảng cô vừa đút vừa nhìn Bình Minh và cười: ha ha, ha ha. Bình Minh ăn được gần nửa chén, cô Hiền cho cháu tạm nghỉ, vì theo lời cô, nếu cho ăn một lần nhiều quá cháu sẽ ói. Cô Hiền khen Bình Minh: “Hôm nay con giỏi quá”. Vừa dứt lời, Bình Minh ói cháo đầy người cô Hiền, chảy xuống tay, xuống sàn, nhanh đến mức cô Hiền không kịp phản ứng. Chỉ tính trong buổi ăn hôm đó, Bình Minh ói đến 2 lần. Sau mỗi lần ói, cô cho Bình Minh ngưng ăn và đi chơi một vòng, sau đó mới dám cho ăn tiếp.
Cô Thoa một chân ngồi trụ, một chân đẩy nôi một bé, một tay đút một bé đang ngồi, một tay đút bé trong nôi. Phía đối diện, cô Ngọc vừa cho 2 bé Gia An và Minh Huy ăn vừa nói chuyện với bé: “Gà he… cá he…”. Đang cho cháu ăn thì có một bé “đùn” ra tã, cô Thoa liền thay tã và vệ sinh cho bé. Cô Thoa vừa xong, đến một bé khác tè ướt hết tã.
Kết thúc giờ ăn lúc 11 giờ. Các cô thay phiên người dọn bàn, người lau nhà, người cho các cháu chơi, người tập bò, tập đi cho các bé… Sau đó cô cho các bé ngủ. 11 giờ 45, 11 bé ngon giấc, các cô mới bắt đầu ăn. Giờ trưa, các cô nghỉ được 15 phút thì bé Vân Anh khóc ré đòi dậy, tiếp theo là Quỳnh Lam, rồi lần lượt các bé khác. Và rồi một chuỗi hoạt động tương tự diễn ra đến chiều tối khi phụ huynh đón bé về.
Năm học tới triển khai ở 12 quận
Từ năm học 2014 – 2015, TP.HCM triển khai thực hiện thí điểm việc giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi ở 8 quận, huyện: Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, 7, 12.
Mỗi quận, huyện thực hiện ở một, hai trường mầm non công lập. Năm học 2015 – 2016, thực hiện thí điểm ở 12 quận, huyện (thêm 4 quận gồm: 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình), đồng thời khuyến khích các quận, huyện có điều kiện đăng ký thực hiện. Năm học tới, Q.Gò Vấp, Q.Tân Phú sẽ mở rộng giữ trẻ trong độ tuổi này ở một số trường mầm non.

Minh Luân