Cẩn thận với kính áp tròng
Khi tìm mua kính áp tròng, chúng tôi chỉ được tư vấn về mẫu mã, màu sắc và cách sử dụng. Những vấn đề như tình trạng nào của mắt nên đeo hoặc không đeo, làm gì khi bị khô mắt – viêm giác mạc …
Cẩn thận với kính áp tròng
Khi tìm mua kính áp tròng, chúng tôi chỉ được tư vấn về mẫu mã, màu sắc và cách sử dụng. Những vấn đề như tình trạng nào của mắt nên đeo hoặc không đeo, làm gì khi bị khô mắt – viêm giác mạc trong lúc sử dụng… đều được trả lời rất qua loa.
Đeo kính áp tròng – Ảnh: Quang Định |
Kính áp tròng thường chỉ sử dụng trong ba trường hợp: bệnh nhân bị tật khúc xạ, bệnh nhân phải mang kính áp tròng trong khi điều trị bệnh về mắt và kính thẩm mỹ dùng trong trường hợp mắt bệnh nhân có sẹo hoặc bị thương tổn. Trong cả ba trường hợp này, bệnh nhân đều phải được khám mắt tổng quát, đo độ cong giác mạc, tình trạng khúc xạ, kiểm tra tình trạng khô mắt… cẩn thận |
Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thơ |
Tại các địa chỉ bán kính áp tròng phổ biến trên Facebook hay trên một số website, giá mỗi cặp kính sử dụng trong một ngày, một tháng chỉ dao động từ 60.000-100.000 đồng.
Để sử dụng sáu tháng đến một năm, người mua chỉ cần bỏ ra 200.000-300.000 đồng là có ngay một cặp kính, khay đựng, nước ngâm và phụ kiện.
Mốt của nhiều bạn trẻ
Một người bán kính áp tròng tại Q.10, TP.HCM cho biết đa số người đến mua hoặc yêu cầu giao hàng tận nơi là học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, để chạy theo phong trào chụp ảnh “tự sướng” với cặp mắt to tròn, màu sắc mới lạ, nhiều bạn trẻ còn thay đổi liên tục loại kính để hợp thời trang.
Khi được hỏi về việc mua và sử dụng kính áp tròng, bạn Nguyễn Thuỵ Phương Ngọc (20 tuổi, quê ở Phú Yên) nói: “Tôi không mua kính áp tròng ở bệnh viện vì mua ở ngoài có nhiều sự lựa chọn về màu sắc”.
Còn bạn Lê Huyền (21 tuổi, quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu) đã sử dụng kính áp tròng khoảng một năm thì chia sẻ: “Tôi thường quan tâm đến màu sắc, mẫu mã, giá cả hợp túi tiền và miễn không phải xuất xứ từ Trung Quốc”.
Một giáo viên tại một trường THPT Q.3, TP.HCM cho biết: “Gần đây trường phát hiện một số học sinh sử dụng kính áp tròng với nhiều màu khác nhau và xem như đó là “trang sức” của mắt. Đặc biệt những dịp trường tổ chức văn nghệ, thể thao, số học sinh đeo kính nhiều hơn hẳn.
Các thầy cô, phòng y tế của nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em về cách sử dụng, cẩn thận khi đeo kính áp tròng. Do chưa có tình trạng biến chứng nghiêm trọng nào xảy ra nên các em cũng ít chú ý đến tác hại của nó”.
Tuy nhiên, giám thị một trường THCS tại Q.4, TP.HCM đã kể cách đây khoảng hai năm, trường có một học sinh phải đi cấp cứu vì sử dụng kính áp tròng sai quy cách, khiến kính dính vào mắt không cách nào gỡ ra. Học sinh này phải nghỉ học một tuần để điều trị.
Từ đó, nhà trường chỉ khuyến khích học sinh sử dụng kính áp tròng khi bị các bệnh về mắt hoặc được phụ huynh cho phép.
Hậu quả từ “trang sức”
Sáng 13-4, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiếp nhận một nữ sinh (20 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị loét giác mạc do dùng móng tay lấy kính áp tròng ra khỏi mắt.
Vết loét nằm ngoài đồng tử nên nữ sinh này không bị ảnh hưởng thị lực nhưng để lại sẹo ở giác mạc.
Nói về những lưu ý khi sử dụng kính áp tròng, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Diệu Thơ, Bệnh viện Mắt TP.HCM, nhận định đa số người khám mắt có liên quan đến kính áp tròng thường ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Những vấn đề các bạn trẻ thường gặp như: mắt kích thích khó chịu, khô mắt, viêm mắt, thậm chí trầy xước, nhiễm trùng. Ngoài ra, một số người dùng gặp tình huống kính có độ cong không phù hợp gây khó chịu, đau rát.
Khi đeo kính áp tròng, người sử dụng cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe của mắt, chất lượng và độ cong của kính.
Nếu người dùng không lựa chọn được kính có chất lượng tốt, độ thấm khí cao dễ xảy ra tình trạng khô mắt, viêm giác mạc, giảm thị lực.
Ngoài ra, kính phải có độ cong phù hợp, tránh tình trạng kính quá chặt gây khó chịu hay quá lỏng làm kính dễ rơi khi sử dụng.
Người dùng nên lưu ý thời hạn của kính. Mỗi ngày không nên đeo kính áp tròng trên tám giờ, phải vệ sinh kính cẩn thận và thường xuyên sử dụng thuốc giữ ẩm.
Bác sĩ Diệu Thơ cho biết thêm:
“Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt TP.HCM có tổ chức những khoá đào tạo và cấp chứng chỉ cho những người bán tại cửa hàng kính. Đây cũng là một trong những cách truyền thông của bệnh viện để hạn chế những hậu quả đáng tiếc”.
Học sinh làm đẹp Qua truyền miệng và thông tin từ trên mạng, gần đây một số nữ sinh ở các trường phổ thông nơi tôi sống rủ nhau sử dụng kính áp tròng nhằm làm đẹp đôi mắt. Các em không bị tật về mắt nhưng chấp nhận sự khó chịu và cả đau đớn khi sử dụng kính áp tròng để mắt có nhiều màu sắc gây chú ý nơi người khác. Trong các buổi học, các em cùng nhau đeo kính áp tròng vào mắt nên không còn tập trung vào bài giảng. Thị lực cũng bị ảnh hưởng nên việc theo dõi, ghi chép bài bị hạn chế. Có những nhóm 5-7 em cùng thi nhau đeo kính áp tròng vào mắt suốt cả buổi. Đúng là khi sử dụng kính áp tròng, mắt các em có đẹp hơn nhờ màu mắt có thay đổi phù hợp phần nào với quần áo, phụ kiện… nhưng đa số các em không có vấn đề về thị lực, không có chỉ định của bác sĩ về sử dụng kính áp tròng. Hơn nữa, do nhu cầu thể hiện cá nhân, nhiều em mua nhiều bộ kính áp tròng với nhiều màu khác nhau để thay đổi mỗi khi cần. Bộ phận y tế học đường của các trường học rất nên lưu ý vấn đề này, cũng như việc lưu thông trên thị trường những sản phẩm như thế cần kiểm soát tốt hơn. |