28/11/2024

Từ 2018 sẽ áp dụng chương trình – sách giáo khoa mới

Ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định như thế tại cuộc họp báo chiều 22-4 về việc biên soạn chương trình – sách giáo khoa (SGK) phổ thông …

 

Từ 2018 sẽ áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới

 

Ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định như thế tại cuộc họp báo chiều 22-4 về việc biên soạn chương trình – sách giáo khoa (SGK) phổ thông, với nhiều điểm mới so với chương trình – SGK hiện hành.




 

 

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh

Sẽ có nhiều quan điểm cần thay đổi căn bản. Ví dụ như việc đánh giá các môn năng khiếu của học sinh sẽ khác nhau, trên cơ sở tôn trọng, phát huy năng khiếu riêng của từng cá nhân người học.

Giáo dục thể chất sẽ không chỉ là môn bắt buộc học sinh đạt được các yêu cầu của môn thể dục thể thao mà chú trọng vào việc hình thành sự yêu thích rèn luyện thân thể, có lối sống lành mạnh

Ông Nguyễn Vinh Hiển (thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

Trao đổi về những điểm mới khác biệt rõ nhất so với chương trình – SGK phổ thông hiện hành, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Điểm mới nhất của chương trình – SGK phổ thông mới là định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Yêu cầu dạy học sẽ phức tạp hơn

“Với chương trình mới, việc hình thành năng lực cho học sinh nằm ở tất cả các khâu từ nội dung dạy học đến phương pháp dạy học, đánh giá, tổ chức hoạt động. Như vậy, việc tổ chức dạy học sẽ phức tạp hơn trước” – ông Hiển giải thích.

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 – giáo dục cơ bản – gồm chín năm, bao gồm cấp giáo dục tiểu học và THCS.

Giai đoạn này ngoài việc hình thành năng lực, kỹ năng cơ bản cho học sinh sẽ chú trọng việc hình thành khả năng tự học, bước đầu gợi mở cho học sinh nhận thức về sở thích và nghề nghiệp tương lai, để tác động vào việc phân luồng sau giai đoạn giáo dục cơ bản.

Giai đoạn 2 – giáo dục định hướng nghề nghiệp – gồm ba năm cuối cấp phổ thông sẽ giảm các môn học bắt buộc, tăng cường dạy học theo chuyên đề tự chọn để định hướng nghề nghiệp, tiếp cận với yêu cầu đào tạo nghề nghiệp sau này.

Với mức kinh phí hơn 778 tỉ đồng đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ cùng Bộ Tài chính xây dựng thông tư quy định từng khoản chi cụ thể để đảm bảo sự minh bạch trong việc biên soạn chương trình phổ thông.

Kinh phí này không bao gồm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo mới đội ngũ giáo viên.

 (Theo Bộ GD-ĐT)

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, đi kèm với chương trình theo định hướng mới, việc tổ chức dạy học, đánh giá học sinh cũng đa dạng, không chỉ dạy học trên lớp mà dạy học theo dự án, hoạt động trải nghiệm, việc đánh giá cũng không căn cứ vào bài kiểm tra, bài thi mà có thể đánh giá qua chất lượng các dự án, sản phẩm nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào thực tế, qua hoạt động trải nghiệm…

“Sẽ có nhiều quan điểm cần thay đổi căn bản. Ví dụ như việc đánh giá các môn năng khiếu của học sinh sẽ khác nhau, trên cơ sở tôn trọng, phát huy năng khiếu riêng của từng cá nhân người học.

Giáo dục thể chất sẽ không chỉ là môn bắt buộc học sinh đạt được các yêu cầu của môn thể dục thể thao mà chú trọng vào việc hình thành sự yêu thích rèn luyện thân thể, có lối sống lành mạnh” – ông Hiển nói.

“Với yêu cầu dạy học phức tạp hơn, liệu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện nay có thể đáp ứng được không? Bộ GD-ĐT làm thế nào để sau ba năm nữa, chuẩn bị đủ điều kiện triển khai chương trình – SGK mới?”, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết 80% giáo viên phổ thông hiện nay có thể đáp ứng được chương trình mới, chỉ cần được tập huấn kỹ. Bộ GD-ĐT cũng làm việc với các trường sư phạm trọng điểm để cùng tham gia biên soạn chương trình, đồng thời nắm được cốt lõi của việc đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo, cung cấp đội ngũ giáo viên mới bổ sung cho lực lượng dạy học các năm sau này.

Ông Hiển cũng khẳng định việc thiết kế chương trình với số lượng giờ dạy/môn học sẽ không làm xáo trộn hoạt động dạy học ở các nhà trường. Cụ thể sẽ không có chuyện thừa giáo viên ở những môn học phải tích hợp thành môn mới.

Khắc phục “quy trình ngược”?

Theo ông Đoàn Văn Ninh – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, thường trực ban soạn thảo chương trình – SGK phổ thông sẽ rút kinh nghiệm từ bài học khi biên soạn chương trình – SGK trước đây, lần đổi mới này sẽ tách hẳn hai khâu biên soạn chương trình và biên soạn SGK.

Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước, sau đó mới phê duyệt các chương trình môn học, dự kiến chậm nhất vào tháng 6-2016 sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, để không chậm trễ thì việc biên soạn chương trình tổng thể sẽ cùng tiến hành với chương trình môn học.

“Liệu có tái diễn một quy trình ngược không, khi chương trình môn học được khởi động trong lúc chương trình tổng thể chưa hoàn thành và chưa được phê duyệt?”, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết:

“Về định hướng chung thì các nhóm biên soạn đều đã nắm được, đây là cơ sở cho việc biên soạn. Chương trình dạy học vẫn có thể triển khai song song với chương trình tổng thể, nhưng sẽ không được áp dụng dạy học ngay mà phải chờ để so sánh với chương trình tổng thể đã phê duyệt mới chính thức ban hành”.

Tương tự, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết hiện vẫn tiếp tục xây dựng tiêu chí tuyển chọn người tham gia ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học.

Tuy nhiên, hai chương trình trên đều đã đang xây dựng và “cơ bản tạo được đồng thuận, nhất trí cao” (trích tài liệu của Bộ GD-ĐT).

Giải thích về sự không ăn khớp này, ông Hiển thừa nhận hiện nay vẫn chưa có quyết định thành lập ban soạn thảo chương trình.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn mời người theo yêu cầu đặt ra về phẩm chất, năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn dạy học để dự thảo chương trình, trên cơ sở đó tiến hành thảo luận, góp ý, chỉnh sửa.

Ban soạn thảo chính thức (được Bộ GD-ĐT có quyết định thành lập) sẽ có trách nhiệm rà lại lần cuối trước khi ban hành.

Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm lần đổi mới này sẽ có một tổng chủ biên kiểm soát toàn bộ việc biên soạn chương trình từ tổng thể đến các môn học.

Ngoài ra có tổng chủ biên theo chiều ngang (các môn học trong một lớp, cấp học) nên sẽ tránh được việc xây dựng chương trình trùng lặp, quá tải.

Về việc biên soạn SGK, ông Hiển cho biết ngoài một số NXB, hiện nay đã có Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi về Bộ GD-ĐT xin được biên soạn một bộ SGK.

Để có sự thống nhất chung giữa các bộ SGK, Bộ GD-ĐT đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi bộ đề cương SGK về bộ để bộ góp ý, cho ý kiến trước khi thực hiện.

Dự kiến năm học 2018-2019 sẽ có bộ SGK mới cho các lớp 1, 6, 10 được đưa vào dạy học và thực hiện cuốn chiếu vào các năm học tiếp theo.

Giáo viên phổ thông tham gia đến đâu?

Theo một thành viên ban chỉ đạo biên soạn chương trình – SGK của Bộ GD-ĐT, một điểm mới của lần đổi mới này là sẽ để giáo viên phổ thông tham gia với số lượng nhiều hơn và sâu hơn vào việc biên soạn, phản biện.

“Trước đây cũng đặt ra việc đưa giáo viên phổ thông vào công việc biên soạn, phản biện nhưng thực chất vai trò mờ nhạt” – thành viên này nói.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Vinh Hiển lại cho biết:

“Thành phần là giáo viên phổ thông sẽ có, nhưng không thể chiếm tỉ lệ nhiều ở khâu biên soạn. Vì để biên soạn chương trình cần người có tầm nhìn rộng hơn, am hiểu cả về khoa học và thực tiễn dạy học. Những người như thế không có nhiều.

Vì thế tỉ lệ giáo viên tham gia biên soạn chương trình sẽ hạn chế hơn các thành phần khác. Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên mời những nhà giáo dục có tầm về khoa học nhưng am hiểu giáo dục phổ thông”.

Làm thế nào để tránh được bất cập chương trình xa rời thực tiễn dạy học, khi đội ngũ biên soạn quá ít giáo viên trực tiếp giảng dạy?

Về việc này, ông Hiển cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường việc trưng cầu ý kiến giáo viên theo các kênh khác nhau, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn chỉnh chương trình.

VĨNH HÀ