11/01/2025

Dân thuê chuyên gia nước ngoài ‘đấu’ thiết kế tàu điện ngầm

Cho rằng thiết kế Dự án Xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 có nhiều bất hợp lý, gây đội vốn đầu tư và ảnh hưởng nhà dân, nhiều hộ dân ở Hà Nội đã thuê chuyên gia nước ngoài để phản biện lại Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

 

Dân thuê chuyên gia nước ngoài ‘đấu’ thiết kế tàu điện ngầm

 

Cho rằng thiết kế Dự án Xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 có nhiều bất hợp lý, gây đội vốn đầu tư và ảnh hưởng nhà dân, nhiều hộ dân ở Hà Nội đã thuê chuyên gia nước ngoài để phản biện lại Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội. 

 

 

 

Các nhà tư vấn đang phản biện về việc quy hoạch thiết kế ga C6 - Ảnh: Thái SơnCác nhà tư vấn đang phản biện về việc quy hoạch thiết kế ga C6 – Ảnh: Thái Sơn
Ngày 17.4, tại trụ sở Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt đô thị Hà Nội diễn ra cuộc đối thoại khá đặc biệt chung quanh Dự án Xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2. Một bên là tiến sĩ Wessels, người Đức, đại diện các hộ dân cụm dân cư Thụy Khuê (Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), bên kia là tư vấn của dự án, đại diện các sở ban ngành chức năng TP.Hà Nội và một số nhà tư vấn độc lập khác. Cuộc đối thoại xoay quanh việc quy hoạch, thiết kế ga C6 Bách Thảo.

Đường tàu điện ngầm uốn lượn
Tại buổi đối thoại, bà Bùi Thu Huyền, đại diện các hộ dân cụm dân cư Thụy Khuê, cho rằng Dự án Xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 do BQL làm chủ đầu tư đang có nhiều điểm bất hợp lý trong việc quy hoạch, thiết kế, đặc biệt là nhà ga C6. Theo quy hoạch, dự án có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó 8,9 km đi ngầm và 2,6 km đi trên cao. Điểm đầu của dự án tại khu đô thị Ciputra, Nam Thăng Long (Q.Nam Từ Liêm) và điểm cuối tại nút giao phố Hàng Bài – Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm). Trên toàn tuyến có 10 ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga đi ngầm, được đánh số từ C1 – C10. Có 4 ga phải giải toả, thu hồi nhà của người dân, trong đó C6 hay còn gọi là ga Bách Thảo có diện tích đất cần thu hồi là 5.954 m2, ảnh hưởng tới 51 hộ dân. Theo bà Huyền, các nhà ga toàn tuyến được bố trí theo khoảng cách trung bình 1 km, nhưng riêng C6 lại được bố trí mất cân đối, quá gần với C7 trong khi lại quá xa với C5.
“Điều các hộ dân bức xúc nhất là vị trí đặt C6 khiến tuyến tàu điện ngầm thành một đường cong uốn lượn rất bất thường. Đường hầm của C6 phải uốn cong từ C5 trên đường Hoàng Hoa Thám để lượn sang phố Thụy Khuê, rồi lại uốn cong tiếp để lượn về C7 trên đường Hoàng Hoa Thám”, bà Huyền nói và cho rằng “một đường cong kể cả là đi ngầm dưới đất cũng sẽ tốn kém hơn là đường thẳng, trong khi vốn đầu tư cho dự án này dự kiến chủ yếu là đi vay ODA”.
Cho rằng quy hoạch C6 chưa đạt được hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao nhất và cần phải điều chỉnh nên các hộ dân – với sự tư vấn, hỗ trợ của một số chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, thi công vận tải và giao thông – đã đề xuất “Phương án thiết kế thay thế cho C6 Bách Thảo”, kèm theo thư kiến nghị gửi tới UBND TP.Hà Nội từ tháng 6.2014.
Sơ đồ quy hoạch thể hiện các nhà ga bố trí mất cân đối và đường tàu điện ngầm uốn lượnSơ đồ quy hoạch thể hiện các nhà ga bố trí mất cân đối và đường tàu điện ngầm uốn lượn
Chi phí sẽ cao hơn ?
TS Wessels đưa ra 2 phương án để thay thế thiết kế hiện nay. Thứ nhất, dời C6 về đường Hoàng Hoa Thám để đường tàu điện ngầm sẽ đi theo hướng thẳng và vẫn đảm bảo khoảng cách trung bình giữa các ga. Phương án thứ 2 vẫn đi theo đường cũ nhưng C6 sẽ được thiết kế theo cấu hình xếp chồng, tức ga nằm sâu hơn và diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng sẽ giảm đi. TS Wessels cho rằng, nếu theo phương án hiện nay, vị trí nhà ga C6 và C7 đặt quá gần nhau (cách 730 m) sẽ rất khó có hành khách cho từng ga. Mặt khác, điều kiện địa chất ở phố Thụy Khuê kém hơn rất nhiều so với đường Hoàng Hoa Thám nên làm tăng chi phí xây dựng.
Phản biện lại TS Wessels, tư vấn người Nhật Bản của BQL cho rằng nếu theo phương án xếp chồng thì chi phí sẽ đội giá cao hơn do phải đào hầm sâu, gia cố tường vây và mua sắm các thiết bị về thoát hiểm, thông hơi…x BQL cho rằng phương án cũ thì chi phí khoảng 494 tỉ đồng, còn nếu theo phương án mới sẽ lên tới hơn 1.300 tỉ đồng. Không đồng tình với nhận định này, TS Wessels khẳng định: “Nhà ga nhỏ hơn, chiếm diện tích ít hơn nên không thể có con số lớn như vậy”.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu theo phương án mới sẽ phải thay đổi toàn bộ các quyết định, trình tự thủ tục về dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt, trong đó chỉ tính riêng về thời gian đã mất khoảng 3 năm, khiến chi phí toàn dự án tăng cao hơn.
Tại sao không đi đường thẳng ?
Đề cập phương án hướng tuyến đi theo đường thẳng, ông Lưu Xuân Hùng, Phó BQL, cho rằng sẽ ảnh hưởng đến cơ quan quốc phòng và “việc có phương án như hiện nay là đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng”. Trong văn bản trả lời thư kiến nghị các hộ dân trước đó, ông Hùng cũng cho biết nếu theo phương án các hộ dân đưa ra là dời vị trí C6 lên đường Hoàng Hoa Thám để hướng tuyến theo đường thẳng sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề: Trái với hàng loạt quyết định đã được UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng phê duyệt. Tuyến đường đi ngầm phía dưới công viên Bách Thảo, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ… có thể sẽ phát sinh các vấn đề tiềm ẩn về ảnh hưởng môi trường, sinh thái của khu Bách Thảo, các di sản văn hóa, các công trình ngầm bí mật, cần phải có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Nếu thay đổi phương án sẽ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện dự án làm tăng chi phí, thay đổi nhiều quyết định của UBND TP.Hà Nội.
Kết thúc cuộc họp, ông Lưu Xuân Hùng cho biết sẽ báo cáo các phương án lên các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục xem xét.
Tiếp tục kiến nghị

Trao đổi với PV Thanh Niên bên lề cuộc họp, bà Bùi Thu Huyền cho rằng buổi đối thoại vẫn chưa đúng nguyện vọng của người dân. BQL và các nhà tư vấn chỉ tập trung vào phương án ga xếp chồng, là phương án hạn chế, còn phương án để đường tàu điện ngầm đi thẳng lại chưa trả lời thoả đáng. Vì vậy, các hộ dân sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền.
Về chi phí chuyên gia, TS Wessels khẳng định ông giúp người dân miễn phí, còn theo bà Huyền các hộ dân chỉ lo các khoản phí đi lại của TS Wessels từ nước ngoài về VN.

 

Thái Sơn