Camera đâu chỉ để xử phạt
Không chỉ dùng làm bằng chứng xử phạt người vi phạm, camera gắn trên mũ của CSGT còn cần là công cụ giám sát lực lượng thi hành công vụ.
Camera đâu chỉ để xử phạt
Không chỉ dùng làm bằng chứng xử phạt người vi phạm, camera gắn trên mũ của CSGT còn cần là công cụ giám sát lực lượng thi hành công vụ.
CSGT Q.7 với camera được gắn trên mũ – Ảnh: Đ.H – C.N
|
Chiều 13.4, đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67) – Công an TP.HCM, cho biết sẽ gắn hàng trăm camera lên mũ CSGT. Trước đó, Đội CSGT của Công an Q.7 đã thực hiện việc gắn camera từ tháng 12.2014. Cũng trong chiều 13.4, PV Thanh Niên theo chân Tổ tuần tra CSGT Q.7 trên đường Nguyễn Lương Bằng.
Bằng chứng mạnh mẽ
Phát hiện một cô gái chạy vượt đèn đỏ, CSGT yêu cầu dừng xe. Sau khi nghe CSGT thông báo lỗi vượt đèn đỏ, cô gái này phản ứng, quyết liệt nói “không”. Ngay lập tức CSGT chỉ vào camera trên mũ nói: “Việc chị vượt đèn đỏ đã được ghi hình lại, nếu chị thắc mắc thì về đội chúng tôi cho chị xem”. Lúc này, cô gái hạ giọng, chịu đưa giấy tờ kiểm tra và chấp nhận lỗi của mình.
Bắt đầu tháng 12.2014, Đội CSGT Q.7 đã được cấp 5 camera gắn trên mũ các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ ngoài đường. Theo thiếu tá Phạm Hồng Nam – Đội phó Đội CSGT Q.7, thì việc gắn camera trên mũ cho các chiến sĩ khi tham gia tuần tra xử phạt nhằm mục đích ghi lại những hình ảnh làm bằng chứng các lỗi như: không chấp hành tín hiệu đèn, không bật đèn xi nhan khi chuyển hướng… Việc gắn camera cũng sẽ giúp CSGT thu thập hình ảnh khi gặp cướp giật trên đường để cung cấp cho cơ quan điều tra.
Trung tá Võ Thanh Tùng, Trưởng đội CSGT, Công an Q.7, cho biết thêm, xuất phát từ việc người tham gia giao thông khi vi phạm hay cự cãi với CSGT, Công an quận đã đề xuất Ban An toàn giao thông (ATGT) Q.7 cấp kinh phí trang bị 5 camera (trị giá khoảng 10 triệu đồng/cái) gắn trên mũ CSGT. Kể từ khi gắn camera, tình trạng cự cãi giảm hẳn, chỉ xảy ra một số vụ người vi phạm thắc mắc nhưng sau khi mời về trụ sở công an mở clip cho xem thì “tâm phục khẩu phục”.
Đại tá Trần Thanh Trà thông tin thêm: “PC67 đang lên kế hoạch, lập phương án xin kinh phí gắn khoảng 200 – 250 camera trên mũ CSGT. Việc gắn camera trên mũ CSGT là sử dụng để phạt “nóng”, chứng cứ phục vụ công tác xử lý người vi phạm”.
Thiếu công bằng cho người dân
Thiếu tá Nam cho biết thêm: “Ngoài nhiệm vụ ghi hình, camera còn có chức năng ghi âm, ghi lại những lời nói của các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ. Chính vì vậy, chiến sĩ làm nhiệm vụ sẽ tự điều chỉnh lời nói và giọng điệu của mình trước người vi phạm”. Như vậy, camera khi gắn trên mũ chỉ có thể ghi âm mà không thể quay lại hình ảnh của CSGT xử lý?
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Trung Chính (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét thời gian qua tình trạng nhiều CSGT vi phạm, tiêu cực trong xử lý người vi phạm giao thông diễn ra khá nhiều. Vì vậy, việc gắn camera để ghi lại quá trình xử lý của CSGT là cần thiết. Tuy nhiên, việc trang bị camera trên mũ của CSGT chỉ ghi được những hình ảnh và hành vi của người tham gia giao thông chứ không ghi lại toàn bộ quá trình xử lý và hành vi của CSGT. Điều này là thiếu công bằng vì việc ghi hình chỉ thể hiện một chiều theo hướng có lợi cho CSGT. Luật sư Chính cho rằng việc gắn camera như vậy chỉ mang ý nghĩa như một phương tiện hỗ trợ cho CSGT để xử lý người vi phạm.
Theo luật sư Chính, việc gắn camera giám sát ngoài việc dùng làm chứng cứ để xử phạt người vi phạm thì mục đích quan trọng hơn đó là để các bên, kể cả CSGT, phải tuân thủ theo đúng pháp luật. “Do vậy, không nên gắn camera trên mũ hay trên người CSGT mà phải gắn vào xe, hoặc ở những chốt kiểm tra ngoài công cộng để ghi lại được toàn cảnh xử lý của CSGT thì mới đảm bảo cho việc xử lý khách quan nhất”, luật sư Chính đề xuất.
Giúp hai bên có cách ứng xử phù hợp
Ông Phan Trương Hiền, Phó viện trưởng Viện KSND Q.Bình Thạnh, nhìn nhận án chống người thi hành công vụ ở các quận, huyện trong TP.HCM đa phần là đánh CSGT và hiện nay tình trạng người dân và CSGT cãi nhau rồi được quay clip, tung lên mạng xã hội rất phổ biến. Chưa bàn ai đúng, ai sai trong chuyện này nhưng biện pháp gắn camera cho CSGT sẽ giúp hai bên nhận thức được vấn đề là các hành vi của họ đang được ghi nhận lại để cùng nhau có cách ứng xử trong tiếp xúc, giao tiếp phù hợp.
Đ.Huy – P.Thương
|
Gắn trước đầu xe không hiệu quả, trích xuất không dễ ?
Trước ý kiến sao không gắn camera trước đầu mô tô để khi CSGT làm việc với người vi phạm, toàn bộ quá trình xử lý sẽ được ghi hình, thiếu tá Nam giải thích: “Cái đó chúng tôi cũng đã thử nghiệm rồi nhưng không hiệu quả. Camera gắn trước đầu mô tô sẽ không cơ động, khi quay bị rung…”. Tuy nhiên, theo trang mạng của hãng Sony, dòng sản phẩm Action Cam cũng có giá gần 10 triệu đồng mỗi bộ và giống như các bộ camera Sony mà CSGT đã trang bị, thì thiết bị này có tính năng chống rung, ổn định hình ảnh vì đây là dòng máy chuyên dùng để ghi hình khi di chuyển.
Đứng trước nghi ngờ về việc CSGT sẽ chủ động xóa những hình ảnh “nhạy cảm” về mình, thiếu tá Nam nói thêm: “Quy trình giao và nhận camera rất chặt chẽ. Mỗi tổ tuần tra khi làm nhiệm vụ sẽ được cấp một camera, người nhận sẽ kiểm tra hiện trạng máy rồi ký vào sổ. Kết thúc ca trực tổ tuần tra phải giao lại camera ngay cho bộ phận khác trích xuất. Việc trích xuất cần phải có máy móc nên các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ sẽ không bao giờ can thiệp, xóa bất cứ cảnh quay nào trong lúc làm nhiệm vụ”. Liên quan vấn đề này, một người kinh doanh dòng Sony Action Cam lại khẳng định việc sao chép, trích xuất là không khó, vì đơn giản chỉ lấy thẻ nhớ ra ngoài như các loại máy quay thông thường.
|
Đàm Huy – Công Nguyên – Hải Nam