27/11/2024

Hiểm hoạ tại khu vui chơi trẻ em

Sự việc tàu lượn ở Cà Mau hất văng hai bé ra ngoài gây thương tích là lời cảnh báo cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn trong các khu vui chơi trẻ em.

 

Hiểm hoạ tại khu vui chơi trẻ em

 

Sự việc tàu lượn ở Cà Mau hất văng hai bé ra ngoài gây thương tích là lời cảnh báo cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn trong các khu vui chơi trẻ em.


 

 

Trò chơi xe lửa tại một khu vui chơi câu móc dây điện luộm thuộm, không an toàn – Ảnh: Quang Định

Chỉ cần diện tích chưa đầy 100m2 với 300-400 triệu đồng đầu tư là có thể có ngay một khu vui chơi khiến trẻ con mê tít. Chẳng mấy ai đăng ký. Chẳng thấy ai kiểm tra.

Phụ huynh vô tư để con chơi một mình mà không biết có bao nhiêu tai hoạ đang rình rập.

Vô tư mở khu vui chơi

Phải đăng ký kinh doanh

Một lãnh đạo quận cho biết theo quy định chung, các hoạt động kinh doanh trò chơi sẽ phải đăng ký dưới hình thức công ty hoặc hộ gia đình. Trong thực tế, với những điểm kinh doanh quá nhỏ lẻ như chỉ có vài ba con thú nhún chẳng hạn, hầu hết không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh vì doanh số hằng ngày của họ thường là thấp.

Còn khi đã hình thành một khu vui chơi thì buộc phải đăng ký. Nếu kinh doanh mà không có đăng ký thì có thể kiểm tra và xử phạt.

Việc đăng ký được tiến hành tại phòng kinh tế quận huyện. Kinh doanh khu vui chơi trẻ em không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng khi đăng ký, hộ kinh doanh phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định về cơ sở vật chất, điều kiện an toàn…

Dạo quanh các khu vực trung tâm TP.HCM cho đến những vùng ven, ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, những khu vui chơi trẻ em lớn nhỏ mọc lên như nấm. Bà Lý – chủ một hệ thống khu vui chơi loại nhỏ nằm rải rác ở các quận – đúc kết:

“Phải kiếm những vị trí như khuôn viên nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, siêu thị… thì lượng khách sẽ đông và ổn định hơn. Hồi trước kiếm được lắm, chừng mấy năm nay người ta mở nhiều quá, khách bớt đi, nhưng lai rai vẫn sống khỏe. Cái này dễ mà, chỉ cần đăng ký kinh doanh, nộp một ít thuế cho phường là được. Tui làm từ hồi nào tới giờ chưa thấy ai tới kiểm tra gì hết”.

Mỗi khu mở ra, bà Lý đầu tư 4-5 trò chơi, thường là mâm xoay nữ hoàng, xe điện đụng, tàu điện, nhà hơi, câu cá, thú nhún…

“Cứ mở thoải mái, cái này tốt mà, chỉ là tạo chỗ chơi cho trẻ con nên đơn giản lắm” – ông Quảng, người cung cấp thiết bị cho bà Lý, khẳng định.

Theo ông Quảng, với những đồ chơi đơn giản thì không cần kiểm định, còn với những thiết bị lớn nằm trong danh mục, ông mới mang đi kiểm định theo yêu cầu của người mua. Chi phí kiểm định chiếm khoảng 10% giá trị sản phẩm, do người mua chịu.

Chắc thắng 100%

Tranh thủ lúc mảnh đất đang rao bán chưa có người mua, bà Linh (ở đường Nguyễn Sĩ Sách, Q.Tân Bình) mở một khu vui chơi thiếu nhi nhỏ, hoạt động suốt mấy năm nay mà không cần đăng ký kinh doanh.

Bà “bật mí”: “Chừng nào cán bộ đến hỏi thì cứ đưa phong bì là được, không cần phải đăng ký gì cả”.

Bà Linh kể mình xui rủi nên mua thiết bị đồ chơi của công ty M (ở Q.Tân Bình) không có bảo hành, bảo trì gì hết. Đu quay của bà gồm sáu con thú, trẻ con ngồi lên, bật công tắc là đu chạy vòng vòng. Mỗi con thú đều lủng lẳng dây điện phía sau lưng ghế ngồi và cả dưới bụng.

“Thi thoảng dây lại văng ra, chồng tôi phải tự mày mò sửa. Cũng sợ” – bà Linh nói.

Ông Nhã, giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị cho các khu vui chơi trẻ em,  mách nước: “Khi chọn mặt bằng, kiếm mấy khu đất của uỷ ban hoặc nhà văn hoá thì làm ăn sẽ thuận lợi hơn, không thì kiếm những khu vực đông dân cư mà chưa ai mở trò này”.

Ông Nhã vừa là nhà cung cấp thiết bị vừa là chủ kinh doanh một điểm vui chơi rộng gần 800m2 ở khu Bàu Cát (Q.Tân Bình).

Ông bảo: “Ai đến kiểm tra thì gửi tiền uống cà phê để người ta thông cảm, không bắt mình đăng ký lằng nhằng. Nếu ông nào khó mình mới phải đăng ký, nhưng số tiền cũng không đáng là bao so với số kiếm được”.

Ngoài số tiền nêu trên, chi phí còn lại chủ yếu là thuê nhân công và trả tiền điện, tiền mặt bằng. Trừ hết các khoản, mỗi tối cũng thu được vài triệu đồng tiền vé.

“Đầu tư một khu với các trò cơ bản như thú nhún, xe lửa, máy bay đảo, nhà phao, xe điện đụng, đu quay ngựa, bộ cá lượn đại dương mất chừng 300-400 triệu đồng. Chỉ cần một vị trí đẹp, chẳng bao lâu là lấy lại vốn. 100% thắng lợi” – ông Nhã nói chắc nịch.

Hầu hết người sản xuất thiết bị cho khu vui chơi như ông Nhã, ông Quảng đều có mở thêm một số điểm kinh doanh để chào hàng sản phẩm rồi sang nhượng lại kiếm lời. Xưởng làm thiết bị vui chơi của các ông này đặt ở vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi.

Tại xưởng, những vỏ con thú, vỏ xe điện đụng… nằm la liệt, trong đó có cả những chiếc vỏ cũ được “mông má” với chất liệu chủ yếu là sợi thuỷ tinh, nhựa composite được quét sơn sặc sỡ bên ngoài. Ngay bên cạnh là xưởng cơ khí, các “kỹ sư” hàn, cắt, ghép nối, chạy thử động cơ.

Theo lời ông Quảng, có lần ông đã đầu tư gần cả tỉ bạc để nhập nguyên một chiếc máy chính gốc Đài Loan về rồi rã ra, học cách lắp đặt, thiết kế động cơ, sau đó sản xuất đại trà bán cho người kinh doanh.

Dây điện lòng thòng trong các trò chơi tại khu vui chơi của bà Linh (Q.Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: Đ.Thanh

Nhiều lo ngại

Tối 20-3, chúng tôi đến Câu lạc bộ giải trí Ông Bà Cháu (đường Nguyễn Hồng Đào, Q.Tân Bình). Đây là khu vui chơi có nhiều mô hình máy trò chơi dành cho trẻ em như máy bay đảo, xe điện đụng, xe lửa chạy quanh đường ray…

Trong khu vực đặt trò chơi xe lửa chạy quanh đường ray có một khoảng không được rào chắn (khoảng 2m) là lối dẫn trẻ em vào những toa xe lửa.

Lối dẫn này thông với một số máy trò chơi khác để trẻ em dễ dàng chạy vào khu xe lửa. Ít ai biết hệ thống trò chơi xe lửa khi chạy thì trên hai thanh đường ray bằng sắt có điện.

Dòng điện này, theo ông Quảng, khoảng 60V, là điện DC, nếu trẻ em có bám vào một thanh ray thì “không sao”, nhưng nếu lỡ bám vào hai thanh ray thì sẽ rất nguy hiểm.

Ở một khu trò chơi dành cho trẻ em trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12), khu vực dẫn vào hệ thống các toa tàu lửa nhỏ dành cho trẻ em cũng để trống một khoảng 2m không có rào chắn cách ly.

Theo quan sát, đa số khu vui chơi đều không đặt biển cảnh báo “nguy hiểm có điện” ở khu vực có hệ thống tàu lửa. Các chuyên gia cho rằng tại những khu đặt máy trò chơi loại như hệ thống xe lửa phải luôn có nhân viên đứng gác, nếu có chuyện gì sẽ ngắt điện ngay.

Khu trò chơi trẻ em của bà Linh cũng có nhiều máy trò chơi như thú nhún, đu quay ngựa… đã cũ, dây điện bị bung lòi từng thứ trò chơi. Bà Linh cho biết do hoạt động lâu ngày nên lớp vỏ dây điện trong các máy trò chơi bị bong tróc, lỏng lẻo.

“Chồng tui lâu lâu phải kiểm tra điện đóm, có lần dây điện hở là nó giật tê tê. Sau này, tụi tui kỹ nên làm hẳn mái che cho an toàn, nếu có mưa cũng không bị điện giật” – bà Linh nói.

Ông Hồng, nhân viên trực tại hệ thống tàu lượn siêu tốc ở khu trò chơi thiếu nhi trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12), cho biết hệ thống tàu lượn siêu tốc là một hệ thống trò chơi cảm giác mạnh, dễ xảy ra sự cố nếu người trực máy không kỹ lưỡng.

Vì hệ thống này khi chạy sẽ có tốc độ rất cao, lên xuống dốc cao, chỉ cần con ốc nối giữa hai toa tàu bị lỏng, tàu chạy vài vòng là sẽ bung ra gây nguy hiểm cho người chơi.

Ông Hồng còn nói lúc trước, thanh ray của hệ thống tàu lượn siêu tốc ở đây bị nứt, chủ máy thuê thợ hàn bên ngoài vào hàn lại nhưng khi tàu chạy được vài vòng thì lại bung ra, phải kêu thợ của công ty sản xuất hệ thống tàu lượn đến hàn mới đảm bảo.

Thiết bị đồ chơi cũ, lắp đặt thiếu an toàn, không có nhân viên bảo vệ túc trực… là tình trạng thường thấy ở hàng loạt khu vui chơi nhỏ, tự phát.

“Kinh nghiệm của tôi là phải thường xuyên để mắt đến con, không cho con chơi những trò có tốc độ cao, cảm giác mạnh nếu như không thấy tem kiểm định dán ở nơi dễ thấy, hoặc máy móc quá cũ” – chị Quách Thu Hà, một phụ huynh có con 8 tuổi chơi trò xe điện đụng ở công viên Lê Thị Riêng (Q.10), nói.

* Ông LÊ CÔNG SƠN (phó giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II – CISR, Bộ Lao động – thương binh và xã hội):

Nhiều loại máy trò chơi phải kiểm định

Theo quy định, những máy trò chơi dành cho trẻ em thuộc hai thông số sau đây bắt buộc kiểm định an toàn trước khi đưa vào hoạt động kinh doanh:

1. Máy trò chơi dành cho trẻ em có vận tốc chuyển động trên 3 m/giây.

2. Máy trò chơi dành cho trẻ em đưa người lên cao từ 2m trở lên và tốc độ di chuyển của người là từ 3 m/giây.

Ngoài ra, những loại máy trò chơi dành cho trẻ em sử dụng điện như tàu lượn, đĩa đảo chiều, tàu lửa chạy trên thanh ray bằng sắt… trước khi đưa vào sử dụng kinh doanh thì chủ cơ sở phải tiến hành kiểm định an toàn về điện cho những thiết bị này.

Nhân viên kiểm định sẽ kiểm tra về hệ thống điện trở tiếp đất, đo chỉ số điện trở tiếp đất, kiểm tra trị số an toàn về điện khi máy vận hành không xảy ra giật điện. Trong quá trình sử dụng những loại máy này, chủ cơ sở phải kiểm tra định kỳ an toàn về điện, kỹ thuật.

Những điểm kinh doanh máy trò chơi dành cho trẻ em nếu có loại máy thuộc đối tượng phải kiểm định thì phải kiểm định.

ĐỨC THANH – MAI HOA – CA DAO