Đài Loan cấm trẻ em dùng iPad
Luật liên quan việc sử dụng các thiết bị điện tử theo độ tuổi ban hành đã gần hai tháng và vẫn gây tranh cãi tại Đài Loan.
Đài Loan cấm trẻ em dùng iPad
Luật liên quan việc sử dụng các thiết bị điện tử theo độ tuổi ban hành đã gần hai tháng và vẫn gây tranh cãi tại Đài Loan.
Trẻ em ở Đài Loan sử dụng thiết bị điện tử – Ảnh: Reuters |
Đài Loan được xem là nơi có tỉ lệ người nghiện mạng hàng đầu thế giới.
Đầu năm nay, ngày 23-1 Quốc hội Đài Loan đã ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 2 tuổi sử dụng iPad và các thiết bị điện tử khác như tivi hay điện thoại thông minh, đồng thời yêu cầu cha mẹ không cho trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số “suốt một khoảng thời gian dài không hợp lý”.
Những phụ huynh không tuân theo Luật bảo vệ phúc lợi thiếu niên và trẻ em mới hoặc bị phát hiện cho phép trẻ em sử dụng các sản phẩm điện tử đến mức gây bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần có thể bị phạt 50.000 đôla Đài Loan (1.576 USD).
Đau lòng “cái chết thình lình”
Nghiện Internet – căn bệnh của châu Á Tờ Telegraph dẫn một nghiên cứu vào tháng 12-2014 cho thấy 7,1% dân số châu Á nghiện Internet. Riêng tại Trung Quốc, vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng hơn khi ước tính có đến 24 triệu trẻ em trên toàn quốc “nghiện lướt Internet”. Nghiên cứu Virtually Impossible tại Úc chỉ ra có đến 45% trẻ khoảng 8 tuổi và 80% trẻ trong độ tuổi 16 vượt quá mức thời gian cho phép xem màn hình hằng ngày ở Úc. |
Luật mới được thông qua nhanh chóng bởi những vụ việc đau lòng.
Theo tờ Taipei Times ngày 17-1, đã xảy ra vụ một game thủ tên Hsieh gục chết ngay tại quán cà phê mạng chuyên cho chơi game ở thành phố Cao Hùng.
Người ta nhanh chóng phát hiện nguyên do anh chàng 32 tuổi này chơi game liên tục ba ngày đêm, dẫn đến truỵ tim mà chết!
Tờ báo của Đài Loan cho biết đây là “cái chết thình lình” thứ hai chỉ trong hai tuần. Trước đó vào ngày 1-1, một game thủ 38 tuổi cũng thiệt mạng tương tự sau khi chơi game liên tục năm ngày.
Điều đó đã gây chấn động trong dư luận Đài Loan khiến chính quyền phải tiến hành ngay các biện pháp cảnh báo tại những điểm chuyên cho chơi game trực tuyến.
Dĩ nhiên các nhà làm luật cũng có lý khi muốn ngăn ngừa việc lạm dụng các thiết bị điện tử khiến sức khỏe người dân giảm sút.
Thống kê cho thấy có đến 81% trẻ em dưới 15 tuổi ở Đài Loan bị cận thị. Không quá khó để chỉ ra nguyên nhân trẻ em được phép bám riết vào các thứ màn hình của những loại thiết bị điện tử.
Nhưng theo Channel News Asia, điều gây băn khoăn cũng như tranh cãi nhiều về đạo luật mới của Đài Loan là luật không định rõ “khoảng thời gian dài hợp lý và không hợp lý” là như thế nào.
Báo Telegraph dẫn lời người đề xuất luật trên là nghị sĩ Lu Shiow Yen, của Quốc dân Đảng cầm quyền, giải thích luật mới nhằm bảo vệ người trẻ tuổi sử dụng các thiết bị điện tử liên tục hơn 30 phút.
Trong khi đó trang Kotaku chuyên về trò chơi trực tuyến cũng gây bàn luận khi cho rằng dư luận Đài Loan chống lại luật mới và người ta cũng cho rằng ai sẽ đi phạt việc vi phạm và phạt như thế nào.
Luật hữu ích
Trên CNN, nhà báo Jake Wallis Simons cho biết luật mới quả thật gây nhiều tranh cãi ở Đài Loan.
Nhưng theo ông, luật mới này mang tính biểu tượng nhưng đóng vai trò quan trọng bởi lẽ không có một biện pháp cụ thể nào để các nhà hành pháp theo dõi hoặc giám sát việc tuân thủ luật về sử dụng thiết bị điện tử của cả cha mẹ lẫn trẻ con. Ít ra đạo luật cũng sẽ giúp cha mẹ ý thức hơn về việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử.
Ông Simons chỉ ra thực tế phụ huynh thường phớt lờ cảnh báo của các bác sĩ trong việc không để trẻ em tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử trong thời gian dài.
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) từng khuyến cáo: “Bộ não của trẻ em phát triển nhanh chóng trong những năm đầu đời và trẻ nhỏ học tốt hơn bằng cách giao tiếp với mọi người chứ không phải màn hình”.
AAP cho biết đối với những trẻ lớn hơn 2 tuổi, việc xem màn hình thiết bị điện tử nên giới hạn trong khoảng hai giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo ông Simons, nhìn chung phụ huynh hoặc không nhận thức đầy đủ về các hướng dẫn và mối nguy hại đối với con trẻ, hoặc đơn giản là họ phớt lờ chúng.
Phụ huynh thường chỉ nhìn vào những lợi ích thực tế trước mắt như trẻ “ngoan hơn” hoặc cũng có thể “học được gì đó” với màn hình thiết bị điện tử mà bỏ qua những tác hại lâu dài với sự trưởng thành của con trẻ.
Một thực tế quan trọng là những phần mềm giáo dục ngày nay cũng không thể làm vấn đề xem màn hình thiết bị điện tử quá mức trở nên khác biệt. Một nghiên cứu của ĐH Harvard nhấn mạnh: “Việc xem màn hình thiết bị điện tử quá mức gây ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng lành mạnh của trẻ em bất kể nội dung của thông tin là gì”.
Nếu không tuân theo những cảnh báo, các nhà nghiên cứu tin rằng việc đó có thể làm suy giảm sự phát triển não bộ của trẻ; gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề trong việc tập trung, sự lo lắng và trầm cảm; khó khăn trong kiểm soát hành vi, béo phì, mất ngủ; kết quả học tập kém và các vấn đề thể chất khác.
Nhà báo Simons cho rằng nếu trẻ em không được khuyến khích “tháo phích cắm” thì chúng có nguy cơ trở thành những người lớn thiếu hạnh phúc khi lớn lên. Do đó luật cấm sử dụng iPad và các thiết bị điện tử tại Đài Loan dù đang có tranh cãi nhưng vẫn đem lại lợi ích thiết thực cho tương lai của trẻ em.