Giúp con ứng phó với “đại ca học đường”
Hãy “chủng ngừa” cho con bằng việc trang bị những kỹ năng, tri thức, những tính cách hướng thiện để trẻ trở nên độc lập và có trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội.
Giúp con ứng phó với “đại ca học đường”
Hãy “chủng ngừa” cho con bằng việc trang bị những kỹ năng, tri thức, những tính cách hướng thiện để trẻ trở nên độc lập và có trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội.
Mấy hôm nay đọc báo nghe đài thấy đưa tin và bàn luận về vụ học sinh đánh nhau dã man trong lớp học, tôi chợt nhớ hơn tháng trước một đồng nghiệp đã hỏi khi con cô ấy bị bạn đánh: “Chị ơi tôi chẳng biết dạy con sao nữa”…
Cô bạn chia sẻ từ khi cho con đi học, vợ chồng đã thống nhất dạy con nhường nhịn bạn bè, không đánh bạn. Nhưng bạn con có đứa “đại ca” dễ sợ luôn, cứ gây chuyện bắt nạt con mình. Giờ chẳng lẽ dạy con đánh lại mấy bạn đó thì kỳ quá!
Muôn kiểu “đại ca”
Gọi vui như vậy để chỉ những em học sinh thích đứng đầu (cầm đầu) một nhóm nào đó, thích được tôn vinh, tâng bốc, thích ăn hiếp các bạn khác để thị uy, thích thể hiện bản thân bằng cách dùng bạo lực gây áp lực với người khác.
Hình thức gây áp lực của các em này thường là dùng sức mạnh cơ bắp để chặn đường đánh, bắt nạt các bạn nhỏ con hoặc yếu sức hơn; thường có hành vi bạo ngược để cưỡng chế quà bánh, tiền, dụng cụ học tập, bài làm… của người khác; hoặc thường dùng áp lực đám đông lôi kéo nhiều bạn tẩy chay, cô lập một bạn nào đó làm cho bạn ấy cô đơn gây khủng hoảng tinh thần.
Thông thường khi con về nhà kể với cha mẹ, nếu câu chuyện là “lớp con có một đại ca” thì lời khuyên sẽ là “con nhớ tránh xa bạn đó ra nghe chưa!”. Còn nếu câu chuyện là “bạn đó, nhóm đó bắt nạt con” thì sẽ được cha mẹ hỏi ngay “Sao không méc thầy cô?”.
Nói thì dễ nhưng biểu trẻ “tránh xa”, làm sao tránh được khi mà “đại ca” kia học cùng trường, cùng lớp. Ngày nào đi học cũng phải gặp, trốn đi đâu được. Đó là chưa kể “các bạn ấy” còn chủ động đi kiếm cho ra mình để bắt nạt, hành hung.
Còn méc thầy cô? Dường như rất ít phụ huynh biết đó là giải pháp ít khi trẻ lựa chọn, nhất là con trai rất kỵ chuyện méc thầy cô vì sẽ bị chọc là “đồ con gái”! Ngoài ra không phải thầy cô nào cũng có thái độ nhiệt tình trong việc tiếp nhận thông tin và xử lý hợp tình hợp lý sau đó. Riêng việc này không ít học sinh đã bị mất niềm tin vào cách giao tiếp ứng xử của thầy cô.
Có lần tôi nghe một cô giáo tiểu học kể lại câu chuyện: một bạn gái lớp 2 tự thấy mình xinh đẹp, nhà giàu, giỏi tiếng Anh nên có biểu hiện hơi chảnh. Một “đại ca” nữ trong lớp đã kêu gọi được một số đông tẩy chay không cho “cô nương” kia chơi chung thứ gì hết.
Ức quá, “cô nương” về méc ba. Hôm sau ba lái xe đưa con gái đến trường, dẫn con vào tận sân trường, cho “cô nương” chỉ mặt “đại ca”. Chú phụ huynh ấy đã gọi “đại ca” đến, chỉ vào mặt và hỏi: “Sao dám cầm đầu các bạn tẩy chay con gái chú? Nếu từ mai mà còn như thế chú sẽ … cắt hai cái lỗ tai của cháu đó nghe chưa!”.
“Đại ca” mặt xanh lét, may có cô giáo đến giải cứu kịp thời. Học đường lại có thêm một “đại ca” phụ huynh, vậy làm sao dạy con cháu mình biết cư xử tử tế với nhau được đây?
Dạy con nhường nhịn hay đánh nhau?
Tôi vừa dạy một khoá kỹ năng cho học sinh lớp 4 và 5. Với câu hỏi: “Ai là người đầu tiên giúp mình đề phòng kẻ khác xâm hại, trước khi mình nhờ đến những quyền trợ giúp từ bên ngoài?”, tôi nhận được câu trả lời của các em: “Thưa cô là tự mình!”.
Như vậy trẻ đã có nhận thức tự mình có thể phòng ngừa sự xâm hại của người khác. Để hỗ trợ trẻ, điều phụ huynh có thể làm được là trang bị cho con những kỹ năng thích ứng, dạy trẻ biết cách giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, biết nhìn người, biết chấp nhận người khác, biết tự mình ra quyết định để xử lý các tình huống.
Trở lại với câu hỏi của cô đồng nghiệp “Dạy con nhường nhịn hay đánh nhau”, tôi nhớ không lầm lúc đó tôi đã chia sẻ với cô ấy những điều tôi dạy con trai khi chuẩn bị cho cháu vào lớp 1:
– Một là con tuyệt đối không được đánh nhau, không được đánh hay bắt nạt bạn khác.
– Hai là cũng không để ai đánh mình, con nên luôn biết cách cư xử tử tế, để không chọc giận người khác, để người ta không thể có ý định đánh con được.
– Ba là có những kẻ “cà chớn”, mình chẳng làm gì họ cũng kiếm chuyện đánh mình. Với những kẻ này con hãy nhớ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, không gia nhập những nhóm có các bạn có biểu hiện cư xử hung hăng, tránh đi một mình ở những khu vực vắng vẻ. Khi tránh không được, trước tiên là chạy. Chạy để thoát thân, chạy về phía có văn phòng, có thầy cô, có chú bảo vệ, hoặc có các bạn khác.
Vừa chạy vừa hô to cầu cứu. Nếu chạy vẫn không thoát, dĩ nhiên con phải đương đầu. Con có thể đánh lại để tự vệ mà không làm bị thương hoặc gây nguy hiểm cho người khác hay không? Có thể, với điều kiện là con phải có sức khỏe và sự khéo léo. Vì vậy con nên siêng năng tập luyện thể dục thể thao.
Con trai tôi đã chọn tập bơi và đánh bóng rổ từ lúc ấy đến giờ. Giờ “bạn ấy” là một học sinh lớp 5 cao to khỏe mạnh, lành tính, sống ôn hoà, biết chia sẻ, được các bạn yêu thương, chưa từng bắt nạt ai và cũng chưa bị ai bắt nạt! Hi vọng “bạn ấy” tiếp tục duy trì được những điều này vì năm nào vào đầu năm học tôi cũng trao đổi lại vấn đề này với con.
Đi học là điều tất yếu khi trẻ tới tuổi đến trường. Các bậc cha mẹ đừng kỳ vọng sẽ có một “môi trường chân không” để gửi con vào đó. Tốt nhất là hãy “chủng ngừa” cho con bằng việc trang bị những kỹ năng, tri thức, những tính cách hướng thiện để trẻ trở nên độc lập và có trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội của bản thân, biết “chung sống hoà bình” với người khác.
* Chị Bùi Hương (phóng viên báo Khoa Học Và Đời Sống, có con trai học lớp 5): Không thể “khoán” cho nhà trường Tôi từng biết một em học sinh bị đánh hội đồng chỉ vì “dám” đi thi học sinh giỏi. Nên ngay khi con còn nhỏ tôi đã dạy con tự lập, tự bảo vệ mình. Nhiều phụ huynh dạy con: “Bạn đánh con một cái, con đánh lại một cái”. Tôi không chọn cách đó. Tôi dặn con biết cách né, không chơi với các bạn “đầu gấu”. Nếu xảy ra chuyện gì con phải nói với cô giáo, cha mẹ, tuyệt đối không được đánh lại bạn. Tôi dạy con cách xử sự trước mọi tình huống, nếu con có lỗi thì phải xin lỗi. Tôi thường hỏi con: “Hôm nay con đi học ở lớp ra sao? Bạn bè thế nào?”. Khi con kể chuyện trường lớp, bạn bè, tôi cũng hay đặt ra câu hỏi tình huống xem con xử lý ra sao.Tôi đặt ra các tình huống cho con vì cha mẹ không luôn bên cạnh con được. Cha mẹ phải dạy con chứ không thể khoán cho nhà trường. |
Cái tâm với trẻ Người viết bài này còn nhớ câu chuyện con trai kể hồi năm lớp 4. Chuyện là một hôm lớp bé suýt có trận chiến với khối 3, may nhờ thầy giáo “ra tay” kịp thời. Đó là do một bạn trai của lớp 4/1 xuống chơi với nhóm nam sinh khối 3, đem theo robot cho các bạn ấy chơi cùng. Hồi sau có một bạn nhận mặt đồ chơi của anh lớp 4, nói cái này của em ấy bữa hổm bị mất. Anh lớp 4 nói không phải, nhưng nếu thích thì anh ấy cho cũng được. Xong thì về lớp. Ấy vậy mà có 1 “đại ca” đã xách động khối 3 lên đánh cho anh lớp 4 một trận vì tội ăn cắp. Thầy giáo chủ nhiệm của con tôi sau khi được “méc” đã giàn hòa, đưa đội quân lớp 3 về lớp, gọi anh lớp 4 ra hỏi rõ ngọn ngành. Sau đó đích thân thầy dẫn bạn ấy xuống lớp dưới, gặp em kia, giải thích cho em ấy hiểu, yêu cầu đồ chơi của ai đưa về người nấy, yêu cầu anh em bắt tay nhau làm hoà. Thầy còn dạy khi mất đồ chơi nên hỏi thế nào, muốn cho bạn đồ chơi trong trường hợp như vầy nên nói rõ ra sao, thầy cũng gọi “đại ca” kia đến chứng kiến, chỉ bạn ấy cách làm “Lục Vân Tiên” cho hợp lý… Ôi nghe con kể mà tôi ước gì mọi người lớn đều có trách nhiệm, có cái tâm với trẻ, để trẻ có gương mà noi theo. |